Thống kê của cơ quan chức năng vào đầu năm 2016 cho thấy, có 326/6.166 mẫu rau quả, trái cây nhiễm chất cấm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá giới hạn cho phép; 106/5.433 mẫu thịt và sản phẩm thịt chế biến vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn cho phép; 834/5.433 mẫu thịt vi phạm chỉ tiêu vi sinh vật; 397/5.048 mẫu thủy sản vi phạm các chỉ tiêu về hóa chất, kháng sinh cấm vượt giới hạn cho phép.
Nguyên nhân chính được chỉ ra là do công tác kiểm soát buôn bán, sử dụng các loại chất cấm dùng trong thực phẩm còn quá lỏng lẻo, các chế tài xử lý của chúng ta còn chậm, các cơ quan chuyên môn chưa kiểm tra kịp thời và còn chỗ để các đối tượng lợi dụng nhằm kinh doanh buôn bán nhiều loại chất cấm.
Một vấn đề đặt ra là việc truy nguồn gốc các vi phạm đang làm rất chậm, đây là kẽ hở để các đối tượng buôn bán, sử dụng chất cấm có thể lợi dụng.
Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã liên tục bắt giữ hàng loạt vụ buôn bán chất cấm trong chăn nuôi nhưng xem ra chỉ như “muối đổ bể”. Rõ ràng cần đến một biện pháp quản lý khác căn cơ và triệt để hơn. Chất cấm được sử dụng tràn lan khiến người tiêu dùng cảm thấy bất an. Sau hàng loạt vụ việc sai phạm về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi được thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, không ít người tiêu dùng hiện nay đã hạn chế, thậm chí không dám ăn nhiều loại thực phẩm vì lo sợ có các chất trong thực phẩm như chất vàng ô, chất tạo nạc, thậm chí nhiều người còn cho rằng kể cả vào siêu thị nhưng cũng không biết đâu là thật, là giả.
Mặc dù sai phạm có chiều hướng gia tăng nhưng hiện việc lấy mẫu xét nghiệm chất cấm đang gặp nhiều khó khăn. Hệ thống các phòng thử nghiệm phân tích chất cấm chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Kết quả phân tích giữa các phòng thử nghiệm còn chênh lệch gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, với nhóm sản phẩm từ chăn nuôi, biện pháp quản lý các lò giết mổ mà các cơ quan quản lý nhà nước vẫn đang làm từ trước đến nay xem ra đã cho thấy nhiều điều chưa phù hợp. Trên thực tế, đó mới chỉ là quản phần ngọn. Điều quan trọng là phải kiểm soát được ngay từ đầu vào của các loại chất cấm này cũng như giám sát được quy trình chăn nuôi của người nông dân.
Chính vì thế, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuần tra kiểm soát chặt chẽ phát hiện các đối tượng lợi dụng buôn bán trái phép qua biên giới, lực lượng công an cùng phối hợp với các cơ quan chức năng khác để kiểm tra kiểm soát một cách chặt chẽ và cần phối hợp với người dân để kịp thời phát hiện và xử lý. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trị phần ngọn, gốc của vấn đề là cần có sự phối hợp đồng bộ nhằm xóa bỏ toàn bộ các đường dây buôn bán phi pháp này. Muốn thế, chỉ một số cơ quan chức năng thì không thể xử lý tận gốc được mà phải cần có sự tham gia của toàn dân, người dân phải thực sự tham gia hiến kế, tố giác các đối tượng, cơ sở buôn bán chất cấm. Có như thế mới diệt được tận gốc của những hành vi gây nguy hại đến sức khỏe cộng đồng.
Nguyễn Minh