Bệnh gây ra do nhiều yếu tố: di truyền, các dị dạng bẩm sinh đường niệu, nhiễm khuẩn, chế độ ăn uống – sinh hoạt không hợp lý, người bệnh nằm lâu ít vận động… Sỏi tiết niệu thường gặp trong độ tuổi lao động, ở nam nhiều hơn ở nữ. Ở Việt Nam bệnh sỏi tiết niệu chiếm 30- 40% tổng số bệnh nhân bị bệnh tiết niệu.
Biểu hiện của bệnh
Biểu hiện lâm sàng của sỏi tiết niệu tương đối đa dạng, phụ thuộc vào vị trí sỏi.
Sỏi thận và sỏi niệu quản: Thường đau vùng mạn sườn thắt lưng. Đây là triệu chứng hay gặp nhất chiếm trên 90% và là lý do chủ yếu khiến bệnh nhân đi khám bệnh. Đau có hai mức độ: Cấp và mạn tính
Đau cấp tính: Điển hình là cơn đau quặn thận, cơn đau xuất hiện đột ngột sau lao động và vận động, vị trí đau xuất phát ở vùng thắt lưng. Tính chất đau là đau dữ dội, từng cơn, đau lan xuống vùng bẹn sinh dục không có tư thế giảm đau. Khi nghỉ ngơi hay dùng thuốc giãn cơ trơn thì đỡ đau.
Đau mạn tính: Bệnh nhân luôn có cảm giác nặng nề, đau tức khó chịu vùng thắt lưng (một bên hoặc hai bên), tính chất đau tăng khi vận động. Loại đau này thường gặp ở bệnh nhân có sỏi thận mà sỏi gây bít tắc không hoàn toàn.
Ngoài ra có thể gặp các biểu hiện khác như đái ra máu, đái ra sỏi (rất hiếm gặp nhưng có giá trị chẩn đoán), đái ra mủ (xuất hiện ở bệnh nhân thận ứ mủ), đái buốt, đái rắt, sốt…
Để chẩn đoán xác định cần dựa vào siêu âm, chụp Xquang thận – bể thận ngược dòng, chụp thận thuốc tĩnh mạch hoặc chụp cắt lớp vi tính
Sỏi bàng quang: Sỏi bàng quang xuất hiện do sỏi từ hệ tiết niệu trên rơi xuống bàng quang. Sỏi hình thành tại bàng quang: do các dị vật như chỉ khâu, mảnh đạn, đầu sonde. Do quá trình ứ đọng nước tiểu ở bệnh nhân hẹp niệu đạo, u tuyến tiền liệt, chít hẹp cổ bàng quang, hẹp miệng sáo, túi thừa bàng quang, thương binh cột sống tuỷ sống.
Biểu hiện lâm sàng nổi bật là tình trạng đái ngắt ngừng. Bệnh nhân đang đi tiểu đột nhiên tia tiểu tắc lại và đau vùng dương vật. Thay đổi tư thế lại có thể đái được.
Biểu hiện hay gặp thứ hai là đái rắt. Đái tăng lần về ban ngày do bệnh nhân đi lại vận động sỏi lăn trong bàng quang gây kích thích đi đái nhiều lần, nghỉ ngơi số lần đi tiểu giảm. Ngoài ra có thể gặp đái buốt cuối bãi, đái đỏ cuối bãi.
Sỏi niệu đạo: Hình thành do sỏi từ bàng quang di chuyển ra hoặc hình thành trực tiếp tại các túi thừa niệu đạo. Biểu hiện chính là đái khó, đái rắt, đái buốt đầu bãi, bệnh nhân có thể có bí đái cấp tính hoặc đái rỉ.
Nguyên nhân gây ra sỏi tiết niệu
Cho đến nay chưa có tài liệu khẳng định chính xác nguyên nhân gây sỏi thận nhưng có đề cập đến các yếu tố nguy cơ bao gồm yếu tố nội sinh (bên trong cơ thể) và yếu tố ngoại sinh (môi trường), sự kết hợp các yếu tố đó góp phần làm tăng nguy cơ tạo sỏi.
Sỏi thường xảy ra ở đàn ông, với tỷ lệ 5 đàn ông mới có 1 phụ nữ mắc bệnh. Tuổi mắc sỏi niệu ở đàn ông trung bình từ 20 – 40 tuổi, còn phụ nữ lại từ 25 – 40 tuổi. Nguyên nhân được các chuyên gia y học cho rằng, do có sự thay đổi về nội tiết tố nữ và tình trạng loãng xương gia tăng ở lứa tuổi mãn kinh.
Bên cạnh đó cần chú ý đến các yếu tố khác ảnh hưởng đến bệnh sỏi tiết niệu như chủng tộc, di truyền, bệnh béo phì, tăng huyết áp, cường tuyến cận giáp, các dị tật bẩm sinh đường tiết niệu, các bệnh lý gây tắc nghẽn đường tiết niệu…
Các yếu tố ngoại sinh dẫn tới hình thành sỏi tiết niệu bao gồm
Địa dư, khí hậu và mùa: Sỏi niệu có liên quan khá mật thiết đến tình trạng khí hậu và thời tiết nơi sinh sống. Khi khí hậu trở nên nóng bức, mồ hôi ra nhiều và nước tiểu bị cô đặc làm cho các tinh thể muối trong nước tiểu bị bão hòa và dễ bị kết tủa tạo sỏi trong thận hoặc bàng quang. Việc phát bệnh sỏi niệu cũng liên quan mật thiết đến mùa. Mùa hè và mùa thu bệnh dễ mắc hơn mùa xuân và mùa đông. Việc uống nhiều thức uống chứa đường trong mùa hè cũng là nguyên nhân gây sỏi niệu. Ngoài ra, ánh nắng mặt trời là yếu tố làm tăng sản xuất vitamin D nội sinh, dẫn tới tăng calci niệu.
Uống ít nước: Uống dưới 1200ml/ngày làm tăng nguy cơ hình thành sỏi.
Chế độ ăn nhiều đạm động vật: Ăn nhiều thức ăn đồ uống có hàm lượng calci cao làm tăng khả năng mắc bệnh sỏi tiết niệu .
Nghề nghiệp: Sỏi niệu có liên quan mật thiết đến nghề nghiệp của bệnh nhân. Những người làm việc ở môi trường nắng nóng như thợ luyện kim, công nhân xây dựng, thủy thủ, những người làm việc trí óc căng thẳng như bác sĩ, nhân viên văn phòng… dễ bị mắc bệnh hơn những người làm nghề lao động phổ thông.
Biến chứng nào có thể xảy ra?
Giãn đài bể thận và thận ứ niệu: Sỏi gây cản trở lưu thông của đường bài xuất nước tiểu gây ứ trệ đường niệu phía trên dẫn đến giãn đài bể thận, sau đó ứ nước tăng dần nên làm căng giãn và chèn ép nhu mô thận dẫn đến tình trạng suy giảm dần chức năng thận và mất hoàn toàn chức năng thận nếu không được xử trí kịp thời.
Nhiễm khuẩn hệ tiết niệu: Các nhiễm khuẩn như viêm bể thận thận, viêm khe thận. Tình trạng nhiễm trùng kết hợp với ứ niệu gây thận ứ mủ, hoặc hư mủ thận. Nặng hơn có thể gây ra nhiễm khuẩn huyết. Viêm khe thận mãn tính kéo dài dẫn đến tình trạng sơ teo thận, huyết áp cao.
Suy thận: Thường gặp trong trường hợp sỏi cả hai bên hệ tiết niệu hoặc sỏi trên thận đơn độc, đây là biến chứng nặng nề. Có thể gặp suy thận cấp hoặc suy thận mãn và các mức độ suy thận nặng nhẹ khác nhau tuỳ thuộc vào đặc điểm của sỏi.
Viêm loét và xơ hoá tại vị trí sỏi, đây là nguyên nhân gây chít hẹp đường niệu sau khi đã phẫu thuật lấy sỏi.
Điều trị sao cho hiệu quả?
Có 2 hướng điều trị: Thứ nhất, phá huỷ vào cho thải ra ngoài đối với những viên sỏi đã hình thành. Thứ hai, tạo điều kiện để sỏi không hình thành. Thuốc có thể hòa tan những viên sỏi có kích thước không quá 0,5 cm. Đôi khi chỉ cần liệu trình 2 – 6 tháng là đủ. Thuốc phải do bác sĩ chỉ định vì việc lựa chọn thuốc tuỳ thuộc vào thành phần sỏi. Không phải sỏi nào cũng có thể hòa tan và thải ra ngoài được.
Uống đủ nước để tránh sỏi thận
Trong vài thập niên gần đây đã có nhiều thay đổi trong các phương pháp điều trị sỏi tiết niệu, nghiêng về nội khoa, tán sỏi hơn là can thiệp phẫu thuật.
Thầy thuốc chọn các phương pháp điều trị dựa vào vị trí, kích thước của sỏi, thành phần, mức độ tắc nghẽn, chức năng thận, nhiễm khuẩn, cường độ và tần suất xuất hiện đau.
Hầu như tất cả các loại sỏi, không phụ thuộc vào kích thước và thành phần, có thể lấy ra mà không cần phẫu thuật. Hiện nay, người ta thường áp dụng phương pháp mổ nội soi hoặc dùng thiết bị chuyên dụng để nghiền nhỏ sỏi trong thận và ống tiểu.
Việc can thiệp bằng phẫu thuật chỉ áp dụng khi sỏi có hình thù phức tạp kiểu san hô hoặc số lượng nhiều. Trên cơ sở khám xét thực tế, bác sĩ phẫu thuật là người quyết định có cần lấy sỏi ra hay không.
Để phòng tránh sỏi tiết niệu, căn bệnh gây nhiều tác hại và đang là tiêu điểm của dư luận như hiện nay, trong thực đơn hàng ngày nên hạn chế tối đa việc chế biến thực phẩm có sử dụng muối ăn, uống đủ nước, nhất là khi thời tiết quá nóng bức hoặc làm việc nặng trong môi trường có nhiệt độ cao, phòng tránh và điều trị tốt các bệnh nhiễm khuẩn đường tiết niệu…
BS. Nguyễn Đăng Tuấn