Siêu âm bướu cổ: Các hậu quả do chẩn đoán và điều trị quá mức cần thiết

Trong 1 tuần, người viết đã tiếp nhận 3 bệnh nhân có chẩn đoán là ung thư tuyến giáp hoặc nghi ngờ ung thư tuyến giáp, cả 3 bệnh nhân đều là những người trẻ, khỏe, không có triệu chứng, chỉ tình cờ phát hiện bướu giáp qua gói khám sức khỏe tổng quát của cơ quan, với khối u chỉ từ 4 – 6 mm. Các bệnh nhân đều rất lo lắng và hoang mang khi nghe bác sĩ tuyến trước báo là bị ung thư, tuy nhiên sau khi tôi coi lại và tư vấn, các bệnh nhân đều nhẹ nhõm và chấp nhận theo dõi, không cần phải phẫu thuật gấp.

Trở lại vấn đề chính là tầm soát ung thư tuyến giáp có giúp ích gì cho bệnh nhân không và có cần quá “nhiệt tình” điều trị khi phát hiện ra căn bệnh này.

Bướu tuyến giáp: bệnh lý thường gặp

Bướu tuyến giáp, dân gian hay gọi là bướu cổ, là bệnh lý rất thường gặp. Thật ra bướu cổ là từ người dân hay nói khi có khối u vùng cổ, thường gặp nhất là tuyến giáp nhưng cũng có thể là hạch, nang giáp lưỡi, bướu tuyến nước bọt… Theo các nghiên cứu, 40 –  60% người bình thường có bướu giáp, ung thư giáp xảy ra trên 5 – 10% bướu giáp, tuy nhiên phần lớn các trường hợp này, bệnh nhân hoàn toàn không biết mình mắc bệnh và sống chung hòa bình với bệnh mà không có bất kỳ khó chịu nào khác.

Siêu âm bướu cổ40 – 60% người bình thường có bướu giáp

Hiện nay siêu âm là phương tiện chẩn đoán rất thông dụng, các bệnh viện lớn nhỏ, kể các các phòng mạch đều có thể trang bị máy siêu âm. Các bác sĩ từ các chuyên khoa khác nhau như bác sĩ gia đình, tổng quát, nội khoa, ngoại khoa… đều có khả năng siêu âm. Các thế hệ máy siêu âm mới với độ phân giải cao cho phép phát hiện các tổn thương rất nhỏ. Một điều đáng ngại là nhiều bệnh viện, phòng khám tung ra các gói khám sức khỏe tổng quát cho người không triệu chứng bao gồm siêu âm thường quy tuyến giáp mà không dựa trên chứng cứ khoa học, cũng như rất nhiều cơ sở y tế tiến hành tầm soát ung thư tuyến giáp kèm nhiều thông tin “mạnh bạo” làm bệnh nhân lo lắng không đáng có.

Siêu âm bướu cổ: đừng để thành “phong trào”

Tại Hàn Quốc, dựa vào siêu âm, các bác sĩ đã phát hiện rất nhiều các trường hợp ung thư tuyến giáp với kích thước rất nhỏ. So với trước năm 1999, năm 2011 đã phát hiện số lượng ung thư giáp gấp 15 lần so với trước kia, trong đó hơn phân nửa là các khối u dưới 1cm, điều này khiến cho ung thư giáp trở thành loại ung thư thường gặp nhất tại Hàn Quốc. Tuy nhiên bắt đầu từ năm 2014, sau 15 năm thực hành, các bác sĩ tại Hàn Quốc đã tìm hiểu kỹ về vấn đề này và họ thấy rằng, dù số lượng ung thư tuyến giáp được phát hiện gia tăng rất đáng kể nhưng tỉ lệ tử vong do bệnh lý này vẫn không thay đổi, cho thấy phần lớn bệnh nhân đã bị điều trị không cần thiết, do đó hiện nay “phong trào” siêu âm bướu cổ tại Hàn Quốc đã giảm dần.

Ung thư tuyến giáp được xem là một loại ung thư tiến triển rất chậm với rất nhiều người mắc bệnh nhưng vẫn sống hoàn toàn khỏe mạnh mà không cần thiết điều trị

 

Điều trị ung thư tuyến giáp là phẫu thuật có thể kết hợp phóng xạ. Phẫu thuật tự bản thân nó luôn tiềm ẩn các rủi ro và biến chứng, do gây mê và do bản thân phẫu thuật (khàn tiếng, tê tay chân, điều trị thuốc suốt đời…) với tỉ lệ biến chứng là 2% (100 bệnh nhân có 2 trường hợp biến chứng) trong tay phẫu thuật viên có kinh nghiệm. Phóng xạ có thể làm tăng nguy cơ gây xơ các tuyến nước bọt, gây khô miệng, sâu răng và ung thư thứ phát. Tuy nhiên, phẫu thuật và phóng xạ vẫn là 2 phương pháp chính có thể giúp trị khỏi cho các bệnh nhân ung thư tuyến giáp nguy cơ cao.

Ngoài ra, các xét nghiệm như siêu âm hay chọc hút tế bào (FNA) đều có khả năng gây dương tính giả (không bệnh thành có bệnh) nên nhiều bệnh nhân phải trải qua cuộc mổ oan uổng.

Ung thư tuyến giáp: ung thư tiến triển chậm

Ung thư tuyến giáp được xem là một loại ung thư tiến triển rất chậm, với rất nhiều người mắc bệnh nhưng vẫn sống hoàn toàn khỏe mạnh mà không cần thiết điều trị. Nhiều trung tâm ung thư lớn tại Mỹ, Nhật, Hàn Quốc đã áp dụng chương trình theo dõi mà không cần mổ nếu khối u nguy cơ thấp. Một nghiên cứu tại Nhật trên 2.153 bệnh nhân ung thư tuyến giáp nguy cơ thấp với khoảng phân nửa bệnh nhân chọn cách theo dõi so với nhóm bệnh nhân chọn phẫu thuật liền cho thấy nhóm bệnh nhân phẫu thuật chịu nhiều biến chứng do điều trị hơn, trong khi đó nhóm theo dõi có khoảng 8% phải mổ trong quá trình theo dõi, tuy nhiên kết cục lâu dài của 2 nhóm là như nhau. Điều đó cho thấy phần lớn bệnh nhân ung thư tuyến giáp nguy cơ thấp vẫn có thể được theo dõi một cách an toàn.

Như vậy, dường như việc chỉ định quá mức cần thiết siêu âm tuyến giáp đối với người bình thường khỏe mạnh chỉ gây thêm hậu quả và biến chứng do việc điều trị quá mức cần thiết hơn là giúp ích cho bệnh nhân. Vấn đề này xảy ra không chỉ ở Hàn Quốc mà ngay cả các nước khác như Mỹ, Nhật Bản. Gần đây các hướng dẫn từ các Hội nghề nghiệp lớn tại Mỹ và Hàn Quốc như Ủy ban Tác nghiệp Y học Dự phòng Mỹ (USPSTF) đã lên tiếng chống lại việc tầm soát ung thư tuyến giáp.

Tại Việt Nam, hiện nay cũng đang trải qua vấn đề tương tự. Các bệnh viện, phòng khám luôn chỉ định rộng rãi, có phần bừa bãi siêu âm tuyến giáp mà không nắm vững các xử lý tiếp theo. Tâm lý chung của mọi người vẫn e sợ khi bị khối u và lúc nào cũng mong muốn phát hiện khối u càng sớm càng tốt cộng với việc siêu âm rộng rãi, chi phí thấp góp phần đẩy tỉ lệ phát hiện khối u tuyến giáp lên nhiều lần nhưng rõ ràng việc này chỉ gây thêm hoang mang, tốn kém, biến chứng mà không mang lại lợi ích cụ thể cho bệnh nhân, nhất là khi bác sĩ tư vấn theo hướng tiêu cực quá mức.

BS. NGUYỄN TRIÊU VŨ

Rate this post