Sau 5 ca tai biến: trẻ vẫn cần chích ngừa!

Mới đây, sự cố đau lòng về 5
trẻ tử vong sau tiêm ngừa (dù nguyên nhân chính thức chưa được công bố) đã
khiến nhiều phụ huynh không đưa con đi tiêm ngừa mặc dù đã đến lịch phải tiêm.
Thực tế này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, thậm chí là tính
mạng của trẻ bởi hiện nay, cách tốt nhất để ngừa bệnh, bao gồm cả những bệnh
nguy hiểm chính là tiêm ngừa. Nhằm giúp phụ huynh có cái nhìn toàn diện hơn, PV
Báo SK&ĐS cuối tuần đã có cuộc trao đổi với TS.BS. Trần Phủ Mạnh Siêu –
Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM xung quanh vấn đề này.

Sau 5 ca tai biến: trẻ vẫn cần chích ngừa! 1

– PV. Thưa TS, trong thời
gian qua, việc 5 trẻ tử vong sau tiêm phòng đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của
các bậc cha mẹ. Hậu quả là có rất nhiều bà mẹ đã không đưa con đi tiêm ngừa vì
sợ bị tai biến. Là một chuyên gia, TS có thể cho biết vấn đề tai biến sau tiêm
ngừa có thường gặp không và nguyên nhân vì sao?

TS.BS. Trần Phủ Mạnh Siêu:
Phải khẳng định ngay rằng, tai biến sau tiêm ngừa rất hiếm gặp. Tuy nhiên, với
số lượt người chích ngừa ngày càng tăng thì 
sẽ xuất hiện tai biến sau tiêm là điều khó tránh khỏi. Nếu xảy ra tai
biến, phải thành lập hội đồng khoa học để tìm hiểu nguyên nhân. Hầu hết các
nguyên nhân là do cơ địa mẫn cảm với thành phần của thuốc, do vắc-xin bảo quản
không đúng cách, do không khám bệnh kỹ trước khi cho chỉ định chích ngừa… 

– PV. Tai biến sau tiêm ngừa
rất hiếm gặp nhưng rõ ràng vẫn xảy ra. Vậy tại sao vẫn phải tiến hành tiêm ngừa
cho trẻ?

TS.BS. Trần Phủ Mạnh
Siêu:
  Việc tiêm ngừa cho trẻ rất cần
thiết, có lợi ích to lớn trong việc bảo vệ sức khoẻ của trẻ em. Đừng vì những
trường hợp tai biến mà không cho trẻ chích ngừa, như vậy mối nguy do bệnh tật
còn lớn hơn rất nhiều lần so với mối nguy do tai biến sau chích ngừa. Đặc biệt
cần lưu ý, phải chủ động tiêm ngừa trước khi có dịch bệnh xảy ra, không nên thấy
có dịch bệnh rồi mới đi tiêm ngừa vì như vậy hiệu quả của việc tiêm ngừa sẽ
không cao.

– PV. Trước và sau khi tiêm
ngừa cho trẻ, cần có những lưu tâm đặc biệt nào?

TS.BS. Trần Phủ Mạnh Siêu:
Một câu hỏi rất hay. Vì phần lớn mọi người vẫn chỉ hay quan tâm đến vấn đề sau
tiêm ngừa. Mà quên mất rằng, sức khỏe của trẻ trước khi tiêm cần phải được kiểm
tra, theo dõi rất chặt chẽ. Trước khi cho trẻ tiêm ngừa, bà mẹ nên báo cho nhân
viên y tế biết về tình trạng sức khoẻ trước đây và hiện nay của trẻ, để nhân viên
y tế cân nhắc trước khi tiêm ngừa và có thể hoãn lại ngày tiêm nếu cần thiết.
Tốt hơn nữa, nên hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi đưa trẻ đến nơi tiêm
phòng. Sau khi tiêm ngừa vẫn cho trẻ tắm rửa, ăn uống như thường lệ, và nên
theo dõi tình trạng sức khoẻ của bé sau 1 thời gian. Có thể là 30 phút, 5 tiếng
hay 7 tiếng cũng có thể là 1 ngày hay 2 ngày. Tóm lại, là có một số phản ứng
xảy ra và cần nắm rõ từng phản ứng để có những xử trí thích hợp và kịp thời.
Nếu các phản ứng xảy ra mà không phát hiện sớm sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng
của trẻ.

– PV. Vậy xin TS cho biết, sẽ
có những phản ứng nào xảy ra cho trẻ sau tiêm ngừa và những biểu hiện nào cần
phải đưa trẻ tới cơ sở y tế ngay?

TS. BS. Trần Phủ Mạnh Siêu:
Một số phản ứng sau khi tiêm ngừa là:

Sốt: đây là phản ứng bình
thường của cơ thể với thuốc tiêm ngừa và có thể hoàn toàn tự khỏi sau 1 – 2
ngày. Nếu sốt cao từ 390C trở lên mới cần đến việc dùng thuốc hạ sốt.

Chỗ tiêm bị sưng đỏ, đau…vấn
đề này có thể tồn tại đến vài ngày nhưng đây hoàn toàn là phản ứng bình thường
và sẽ tự khỏi, không đáng ngại, có thể dùng phương pháp chườm lạnh ở chổ tiêm
để làm giảm đau cho trẻ.

Dị ứng: có thể là ban mề đay,
ngứa toàn thân… phản ứng này thường xảy ra ở trẻ có hay bị dị ứng, các biểu
hiện dị ứng này thường tự khỏi sau một vài ngày, nhưng nếu trẻ thấy khó chịu
nhiều thì đôi khi phải dùng một số thuốc chống dị ứng.

Một số phản ứng khác: hiếm
gặp hơn như: tai biến thần kinh, viêm hạch, viêm não… Các phản ứng này thường
nặng và cần phải có sự chăm sóc tích cực của thấy thuốc.

Các triệu chứng cần chú ý:
Khi trẻ bị sốt cao, khó thở, mệt, bức rứt, phải đưa trẻ đến ngay bệnh viện để
điều trị kịp thời.

– PV. Theo TS, sau sự cố đau
lòng vừa qua, có lưu ý gì thêm về vấn đề vắc-xin, quá trình bảo quản cũng như
quy trình tiêm hay không?

TS.BS. Trần Phủ Mạnh Siêu:
Các cơ sở y tế cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình bảo quản và tiêm vắc-xin,
chẳng hạn: dây chuyền bảo quản lạnh vắc-xin phải được thống nhất tiêu chuẩn kỹ
thuật cho toàn bộ các cơ sở y tế có tiêm ngừa; vắc-xin phải được nhập kho và
bảo quản đúng nhiệt độ; phải có nhiệt kế theo dõi nhiệt độ của tủ lạnh giữ
văc-xin ít nhất 3 lần/ngày; khi vận chuyển vaccine từ nơi này sang nơi khác
phải có bình đá giữ nhiệt độ thấp để bảo quản vắc-xin.

– PV. Xin cảm ơn TS về cuộc trao
đổi này!

NGUYỄN HUYỀN (thực hiện)

Rate this post