Các nghiên cứu cho thấy ở Việt Nam, nhất là các thành phố lớn đang phải đương đầu với “Gánh nặng kép” về dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi – nghĩa là đang tồn tại cùng lúc cả hai tình trạng thiếu và thừa dinh dưỡng: Tỷ lệ thiếu dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi ở các thành phố lớn đã giảm đến mức thấp (7,5% suy dinh dưỡng (SDD) nhẹ cân và 14,9% SDD thấp còi). Tuy nhiên, số lượng tuyệt đối về SDD vẫn còn là rất lớn, hơn 108.000 trẻ bị SDD nhẹ cân và hơn 215.000 trẻ bị SDD thấp còi. Trong khi đó, tình trạng thừa dinh dưỡng đã xuất hiện và đang gia tăng nhanh chóng một cách bất thường. Riêng tại TP.HCM tỷ lệ này là 9,6%, cao nhất toàn quốc và cao hơn so mới mức trung bình toàn cầu (khoảng 6,9%).
Sự tăng trưởng kinh tế rõ rệt đã dẫn đến những thay đổi lớn về lối sống và khẩu phần ăn của người Việt Nam nói chung và trẻ em dưới 5 tuổi nói riêng, nhất là ở các vùng đô thị: Cơ cấu khẩu phần ăn có xu hướng giảm chất đường bột, tăng chất đạm và đặc biệt là chất béo. Điều đó giúp từng bước giải quyết tình trạng thiếu dinh dưỡng cho trẻ (như giảm bền vững tỷ lệ SDD, nhất là SDD thấp còi, hạ thấp tiến tới thanh toán các bệnh thiếu vi chất dinh dưỡng,…), cải thiện tăng trưởng chiều cao, nhưng lại làm tăng nguy cơ thừa dinh dưỡng dẫn đến thừa cân, béo phì và các bệnh mạn tính không lây.
Một nghiên cứu gần đây của Viện Nghiên cứu Y – Xã hội học tại 2 đô thị lớn nhất Việt Nam là Hà Nội và TP.HCM cho thấy, kiến thức và hành vi chăm sóc dinh dưỡng của bà mẹ nói chung vẫn còn nhiều bất cập. Phần lớn các bà mẹ chưa có hiểu biết đúng đắn về cân nặng nên có của trẻ (30% bà mẹ có con thừa cân mà không biết trẻ đã bị bệnh thừa cân/béo phì, 15% bà mẹ có con bị thừa cân vẫn mong muốn con mình tiếp tục tăng cân). Nhiều bà mẹ muốn con phải béo khỏe để có lực cho phát triển và dự phòng cho những lúc ốm đau. Vì vậy, cùng với sự tiện lợi của thực phẩm chế biến sẵn khiến nhiều bà mẹ cho con ăn quá mức, hoặc thậm chí cố ép con sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng năng lượng cao. Bằng chứng là, có tới 85,4% trong tổng số 212 bà mẹ nói rằng đã từng cho con sử dụng váng sữa. Có nhiều lý do khiến bà mẹ cho trẻ ăn váng sữa trong đó hai lý do quan trọng nhất là “do váng sữa cung cấp nhiều chất béo” chiếm 42,5% và “giúp trẻ tăng cân” chiếm 38,7%.
Quảng cáo trên TV, hoặc tại các cửa hàng là yếu tố được các bà mẹ quan tâm và có ảnh hưởng nhiều nhất đến quyết định mua sản phẩm. Trong khi đó, các giới thiệu về thành phần dinh dưỡng trên nhãn mác sản phẩm hầu như không được các bà mẹ để ý (chỉ có 0,5 – 3%).
Nghiên cứu cũng cho thấy, chất lượng là ưu tiên số 1 trong việc lựa chọn sản phẩm thực phẩm của các bà mẹ. Tuy nhiên, tỷ lệ bà mẹ có kiến thức và quan tâm đọc thành phần dinh dưỡng trên nhãn mác còn rất thấp (0,5 – 3%); Hầu hết (90%) các bà mẹ quyết định mua sản phẩm dựa trên các thông tin quảng cáo.
Nhưng trên thực tế, có thể nói, hiệu quả các sản phẩm “váng sữa” hiện đang được quảng cáo một cách thái quá. Ví dụ: “những gì tốt nhất được chắt lọc từ sữa”, “giúp trẻ tăng cân, bổ sung nguồn năng lượng dồi dào, canxi cao (thường được giới thiệu ở mức 15%) giúp trẻ chóng lớn, phát triển chiều cao vượt trội…”, hoặc một số loại còn được giới thiệu “có hàm lượng vitamin, khoáng chất cao, phong phú”, tuy trên nhãn của hầu hết các sản phẩm này lại không ghi thành phần dinh dưỡng gồm những gì và hàm lượng bao nhiêu. Một hộp váng sữa nguyên chất có thành phần chủ yếu là chất béo cung cấp trên 70% tổng số năng lượng mà trẻ cần, cao gấp đôi so với lượng chất béo có trong một ly sữa thông thường của trẻ.
Các thông tin trên, cùng với những kết quả nghiên cứu thực tế cho thấy, việc ép trẻ ăn sản phẩm dinh dưỡng năng lượng cao “để trẻ béo khỏe”, “tăng cân”, hoặc “dư cân dự trữ cho trẻ phát triển tốt và đề phòng khi trẻ ốm đau” đôi khi lợi bất cập hại. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ cần được bú mẹ hoàn toàn đến 6 tháng tuổi. Vì vậy, chỉ nên cho trẻ ăn các sản phẩm dinh dưỡng năng lượng cao như váng sữa, phô mai… sau 6 tháng tuổi, nhằm bổ sung thêm năng lượng, giúp trẻ phát triển tốt hơn. Nên luôn luôn ghi nhớ rằng, váng sữa không thể thay thế sữa, nhất là sữa mẹ, vì nó không chứa đủ các chất dinh dưỡng như trong sữa mẹ, đặc biệt là hàm lượng chất đạm thấp. Nếu dùng bất cứ loại váng sữa hoặc sản phẩm năng lượng cao nào thay thế sữa mẹ, trẻ sẽ bị thiếu chất đạm, thiếu vi chất dinh dưỡng dẫn đến SDD, thiếu máu,… Tuy nhiên, do váng sữa là nguồn cung cấp năng lượng cao nên sẽ là thức ăn tốt cho trẻ SDD, trẻ mới bệnh/ốm dậy. Nhưng nếu lạm dụng những sản phẩm này, trẻ sẽ sớm mắc thừa cân, béo phì và các bệnh mạn tính. Tuyệt đối không sử dụng váng sữa hoặc sản phẩm năng lượng cao cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, trẻ bị thừa cân – béo phì, trẻ bị dị ứng với sữa bò và trẻ đang bị tiêu chảy.
PGS.TS. Phạm Văn Hoan