(Tiếp theo số 43)
Phân loại mức độ nặng
Theo mức độ nặng, Hội Tâm thần học Mỹ năm 2013 chia tự kỷ thành 3 mức.
Mức độ 1
Về mặt giao tiếp xã hội: Nếu không có sự trợ giúp tại chỗ, các suy giảm về giao tiếp xã hội gây ra những thiếu hụt dễ nhận thấy. Khó khăn trong việc bắt đầu các tương tác xã hội và có những ví dụ rõ ràng về sự đáp ứng không điển hình hoặc không thành công với các đề nghị xã hội của những người khác. Có thể xuất hiện thu hẹp quan tâm tới các tương tác xã hội.
Hành vi định hình: Hành vi cứng nhắc gây cản trở một số chức năng. Khó chuyển đổi giữa các hoạt động. Gặp khó khăn khi tự mình tổ chức và lập kế hoạch.
Đây là mức độ cần có sự trợ giúp.
Cấu trúc mô thần kinh ở não bị phá vỡ ở ca tự kỷ điển hình.
Mức độ 2
Giao tiếp xã hội: Trẻ thiếu hụt đáng kể các kỹ năng giao tiếp xã hội ngôn ngữ và phi ngôn ngữ. Giao tiếp xã hội vẫn hạn chế ngay cả khi có sự giúp đỡ tại chỗ. Giảm hoặc đáp ứng một cách bất thường với những đề nghị từ người khác.
Tính cứng nhắc hành vi, khó khăn trong ứng phó với thay đổi, hoặc những hành vi lặp lại/định hình thường xuất hiện đủ rõ, người khác dễ dàng nhận ra và gây cản trở hoạt động trong nhiều lĩnh vực.
Ở mức độ này, trẻ cần có sự hỗ trợ đáng kể.
Mức độ 3
Trẻ thiếu hụt nghiêm trọng các kỹ năng giao tiếp xã hội ngôn ngữ và phi ngôn ngữ dẫn đến hầu như không thể thực hiện được các chức năng.
Rất ít khi khởi đầu các tương tác xã hội và đáp ứng tối thiểu với những đề nghị mang tính xã hội từ người khác.
Hành vi cứng nhắc, rất khó thích ứng với những thay đổi, những hành vi lặp lại hoặc định hình khác gây cản trở rõ rệt các hoạt động trong mọi lĩnh vực.
Mức độ này cần sự hỗ trợ rất đáng kể.
Phân biệt tự kỷ với các bệnh khác
Chậm nói đơn thuần: Trẻ chậm nói do thiếu kích thích môi trường, trẻ vẫn có cử chỉ giao tiếp phù hợp lứa tuổi, có giao tiếp bằng mắt, gọi trẻ có đáp ứng, không phát âm vô nghĩa, vẫn chơi đa dạng, không thờ ơ với mọi người xung quanh. Nếu tích cực dạy trẻ sẽ phát triển ngôn ngữ.
Câm điếc: Trẻ không nói nhưng vẫn có cử chỉ điệu bộ giao tiếp thay cho lời nói, có giao tiếp mắt, có biểu lộ tình cảm và có quan tâm tới mọi người xung quanh.
Chậm phát triển trí tuệ: Trẻ chậm khôn, nhận thức chậm nhưng vẫn có ngôn ngữ giao tiếp tương đương với mức độ phát triển trí tuệ. Trẻ có tình cảm yêu ghét thông thường, có giao tiếp mắt, có cử chỉ giao tiếp, không cuốn hút quá mức vào một kiểu thích thú quan tâm đặc biệt.
Rối loạn sự gắn bó: Trẻ có biểu hiện thu mình, thờ ơ, sợ hãi nhưng không có những hành vi định hình, không phát âm vô nghĩa, không cuốn hút vào một hoạt động nào đặc biệt. Trẻ vẫn có giao tiếp bằng lời và không lời, cách chơi đa dạng.
Rối loạn tăng động giảm chú ý: Trẻ luôn hoạt động, hay lơ đãng, giảm sự chú ý, vẫn biết chơi giả vờ, chơi tưởng tượng, không có hành vi rập khuôn định hình.
Điều trị như thế nào?
Hiện chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị rối loạn tự kỷ. Tuy nhiên cũng có thể dùng thuốc để điều trị một số rối loạn tâm thần kèm theo như: trầm cảm, lo âu, cơn co giật hoặc các vấn đề về hành vi.
Can thiệp tâm lý – giáo dục bắt đầu càng sớm càng tốt, nhất là khi trẻ ở lứa tuổi từ 2-4 tuổi. Chương trình can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ bao gồm tác động tới trẻ và tư vấn cho gia đình để dạy trẻ. Đối với trẻ cần tác động qua những phương pháp như: điều hòa đa giác quan, dạy các kỹ năng vận động tinh và vận động thô, kỹ năng giao tiếp bằng lời và không lời, chơi trị liệu, dạy kỹ năng tự lập trong sinh hoạt. Sử dụng liệu pháp hành vi (củng cố tích cực đối với hành vi tốt, chia nhỏ nhiệm vụ và lờ đi khi trẻ có hành vi không mong muốn) xuyên suốt trong quá trình dạy trẻ.
PGS.TS. Bùi Quang Huy (Chủ nhiệm Khoa Tâm thần Bệnh viện Quân y 103)