Vì sao rối loạn giấc ngủ?
Xã hội càng hiện đại thì sự RLGN càng thường gặp. Có nhiều nguyên nhân gây RLGN, nhưng có thể chia thành 2 nhóm chính là RLGN do sinh hoạt và RLGN do nguyên nhân thực thể.
Ở nhóm RLGN do thói quen sinh hoạt, bao gồm hút thuốc, uống nhiều cà phê, do ăn tối quá no với nhiều chất béo, người bị loạn lịch sinh hoạt trong ngày (như làm việc theo ca trong thời gian dài), có thói quen thức quá khuya, thay đổi múi giờ, căng thẳng lo âu…
RLGN do nguyên nhân thực thể bao gồm các bệnh lý như đau (đau đầu, đau do kích thích thần kinh, đau trong bệnh xương khớp…), bệnh mạn tính (như tăng huyết áp, viêm loét dạ dày tá tràng), trầm cảm. Một số thuốc cũng gây ra tình trạng RLGN như thuốc giảm đau chứa cafein, thuốc corticoid, thuốc lợi tiểu… Ngoài ra, chu kỳ thức ngủ cũng thay đổi dần theo tuổi tác. Người cao tuổi, thời gian ngủ sẽ ít dần, có khuynh hướng ngủ muộn hơn và thức dậy sớm hơn. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là chất lượng của giấc ngủ, sau khi ngủ dậy phải cảm thấy tinh thần sảng khoái, phấn chấn, thích làm việc…
Rối loạn giấc ngủ gây ảnh hưởng đến sức khỏe
RLGN ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe
Nếu một người kéo dài sự thiếu ngủ thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới hoạt động về thể chất cũng như tinh thần. Bởi giấc ngủ là một quá trình tích cực dưới sự kiểm soát của vỏ não và là một phần cơ bản của đời sống con người hàng ngày. Do đó sau mỗi giấc ngủ tinh thần của chúng ta được sảng khoái hơn, chức năng hoạt động của các cơ quan thần kinh được phục hồi. Như vậy giấc ngủ có tác dụng bảo vệ vỏ não và hệ thần kinh của con người, nâng cao sức khỏe, chống suy nhược và lão hóa.
Chất lượng giấc ngủ tốt và ngủ đủ sẽ bảo đảm khôi phục chức năng sinh lý của vỏ não càng cao, giúp cho các cơ quan khác trong cơ thể như tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu hoạt động tốt. Một người bình thường cần ngủ đủ 8 giờ mỗi ngày, với trẻ em cần ngủ nhiều hơn thế.
RLGN sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của chúng ta. Ở lứa tuổi học sinh, vì lý do nào đó (học bài quá khuya hoặc ham chơi điện tử quên cả giấc ngủ) mà tạo thành thói quen ngủ ít, ngủ không đều dẫn đến RLGN triền miên sẽ dẫn tới hậu quả khó lường là mất tập trung ban ngày dẫn tới không học được, rối loạn trầm cảm. Ở người lớn sẽ gây giảm hiệu quả lao động…
Ngoài ra, RLGN có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng về sức khoẻ, dẫn tới hoặc làm nặng thêm các rối loạn nội khoa, thần kinh khác làm giảm khả năng tập trung cũng như khả năng làm việc, gây rối loạn điều chỉnh cảm xúc, suy giảm chức năng sinh lý…
Một số thể loại RLGN cần lưu ý
Mất ngủ (khó bắt đầu và duy trì giấc ngủ): Đây không phải là một bệnh mà là một triệu chứng của nhiều bệnh. Biểu hiện RLGN gồm sự kéo dài thời gian tiềm tàng trước khi ngủ, thức giấc ban đêm nhiều lần hoặc thức tỉnh sớm vào buổi sáng. Khi giấc ngủ không hồi phục, kéo dài sẽ gây ra các khó chịu như mệt mỏi, lơ mơ, mất tập trung, hay quên…
Hội chứng ngưng thở khi ngủ: Là tình trạng nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng, đặc trưng bởi các giai đoạn tắc nghẽn đường hô hấp trên tái đi tái lại, thường kèm ngáy, rối loạn giấc ngủ và giảm bão hoà ôxy về đêm gây mệt mỏi và ngủ ngày mạn tính. Ngưng thở khi ngủ tắc nghẽn thường xảy ra ở người béo, cổ ngắn, có liên quan đến nguy cơ làm tăng bệnh lý tim mạch và đột quỵ não.
Ngủ rũ: là một rối loạn đặc trưng của buồn ngủ quá mức, thường liên quan đến cơn mất trương lực và các hiện tượng khác như liệt trong khi ngủ và ảo giác khi ngủ thiếp, thường xảy ra ở tuổi 20 – 30 ở cả hai giới như nhau. Trong giai đoạn sớm của ngủ rũ, triệu chứng chính là buồn ngủ quá mức ban ngày, khuynh hướng ngủ không phù hợp có thể xảy ra từ từ hay đột ngột trong các tình huống như đang lái xe, đang trò chuyện hay khi đang ăn. Cơn mất trương lực thường xảy ra trong giai đoạn muộn của bệnh, bệnh nhân có thể đột ngột ngã. Một triệu chứng khác là liệt khi ngủ (bóng đè), khiến bệnh nhân ngủ mê mệt, khi tỉnh dậy cảm thấy mệt nhọc, nặng nề. Cần phải lưu ý các triệu chứng trên để khám chuyên khoa vì có thể đây là triệu chứng của một bệnh lý thực thể trong não như u vùng não thất ba và thân não trên hoặc sau chấn thương sọ não, viêm não. Đây là thể bệnh ít gặp, nhưng ảnh hưởng của nó đối với cuộc sống bệnh nhân có thể nghiêm trọng và nếu không chẩn đoán điều trị đúng có thể gây tàn tật và nguy hiểm cho bệnh nhân và những người xung quanh.
Những cách khắc phục
Phần lớn các RLGN có thể điều trị được nếu được chẩn đoán và can thiệp sớm, biết phối hợp giữa thuốc và các liệu pháp điều trị tổng hợp khác. Vì vậy, bệnh nhân cần đến gặp các bác sĩ chuyên khoa thần kinh để được khám và tư vấn về điều trị rối loạn giấc ngủ.
Điều trị: Điều trị chứng mất ngủ chủ yếu là điều trị triệu chứng, kết hợp với điều trị nguyên nhân nếu xác định được nguyên nhân gây mất ngủ. Vấn đề chẩn đoán xác định cũng như chỉ định điều trị nên theo ý kiến của thầy thuốc. Trước hết cần phải loại bỏ những nguyên nhân chủ quan gây mất ngủ, ví dụ: tránh uống cà phê vào buổi tối; tránh ăn quá nhiều các chất cay nóng; tránh căng thẳng; nơi ngủ cần thoáng mát, sạch sẽ…
Khi đã loại bỏ được hết các nguyên nhân mà tình trạng RLGN vẫn lặp lại thì cần phải đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được khám, chẩn đoán và kê đơn thuốc điều trị. Điều trị bằng thuốc, giúp giảm triệu chứng nhanh chóng. Nên xem xét các đặc tính thuốc khi dùng, ưu tiên dùng các thuốc tác dụng ngắn. Bệnh nhân ngủ nhiều có thể dùng ritalin, modafinil. Các thuốc này cũng phải được các thầy thuốc chuyên khoa thần kinh chỉ định…
Để dự phòng chứng RLGN, nên có thói quen ngủ đúng vào một giờ đã định, nhằm tạo một phản xạ nghỉ ngơi, giúp chúng ta ngủ dễ dàng trong bất kỳ điều kiện nào. Cần hết sức tránh các chấn thương về tâm lý gây ức chế trước khi ngủ (cãi cọ, quát mắt, gây áp lực, đọc truyện gây sợ hãi, xem phim ảnh kinh dị…).
Vận động cơ thể đầy đủ cũng góp phần giúp giấc ngủ sâu hơn.
Mỗi cá nhân có một nhu cầu về thời gian ngủ, độ dài và độ sâu khác nhau. Cha mẹ cần tạo mọi điều kiện cho con cái ngủ đầy đủ, không nên đánh thức sớm. Thông thường, khi ngủ đủ giấc, giấc ngủ bảo đảm chất lượng, khi dậy cơ thể sẽ rất thoải mái, không có cảm giác mệt mỏi, uể oải do thiếu ngủ.
Khi mắc phải chứng khó ngủ thì phải giảm tối thiểu các kích thích của ngoại cảnh cũng như nội tại lên hệ thần kinh trong lúc ngủ. Điều quan trọng nhất là phải tránh tiếng ồn và ánh sáng vì chúng dễ gây thức giấc. Ngoài ra, các yếu tố khác như ăn quá no, quần áo quá chật, nằm sai tư thế, nơi ngủ bẩn chật và không thông thoáng đều gây tác hại xấu đến giấc ngủ.
Ở trẻ em, cần lưu ý đến các RLGN có liên quan đến tình trạng thiếu dinh dưỡng, thường đi kèm với tình trạng chán ăn, giảm ăn, giảm bú, nôn ói, chậm lớn… Các biểu hiện rối loạn giấc ngủ thường gặp ở các trẻ này gồm ngủ ít, trằn trọc khó ngủ, thức giấc nhiều lần trong đêm, mơ, nói mơ, ác mộng, mộng du, cơn khiếp sợ trong khi ngủ. Những rối loạn này có thể liên quan đến tình trạng thiếu kẽm kèm thiếu đa chất do giảm ăn như magiê, canxi, acid amin, vitamin nhóm B. Có thể nhanh chóng chữa khỏi khi trẻ được bổ sung kẽm và các chất dinh dưỡng thiếu hụt kể trên.
Thời gian thức – ngủ luôn xen kẽ nhau, tạo nên một nhịp điệu hài hòa, tự nhiên. Đây là một nhịp điệu sinh học quan trọng nhất của cơ thể, vì vậy việc chăm sóc giấc ngủ cần hết sức được chú ý và quan tâm đúng mức. Bằng cách thay đổi hành vi nhận thức, lối sống, những hoạt động hàng ngày cải thiện giấc ngủ như tắm nóng, tập thể dục, loại bỏ rượu, chất kích thích cafe, tập hít thở, thư giãn, tập yoga. Giảm cân, nằm ngủ tư thế nghiêng tránh tụt lưỡi gây tắc nghẽn đường thở.
RLGN là một biểu hiện thường gặp, tiên lượng thường là tốt nếu chẩn đoán và điều trị sớm đúng. Các bệnh nhân khi có biểu hiện của rối loạn giấc ngủ cần được đến các bác sĩ nội khoa hoặc chuyên khoa thần kinh để được tư vấn, hướng dẫn làm các xét nghiệm đặc hiệu giúp cải thiện triệu chứng cho bệnh nhân tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống.
PGS.TS. Nguyễn Ngọc