Cây ráy gai còn gọi là chóc gai, dã vu, hải vu, sơn thục gai hay cây cừa, cây móp (Nam bộ), tên khoa học Lasia spinosa Thwaites thuộc họ ráy (Araceae), là loại cây mọc hoang khắp nơi ở những vùng ẩm ướt, trên có tán che như ruộng nước, bờ ao, ven suối. Cây nhỏ, thân rễ nằm ngang. Cuống lá dài, có nhiều gai, lá mọc thẳng từ thân rễ. Lá non hình mũi tên, lá già xẻ lông chim, mép nguyên. Mùa hoa quả vào tháng 3 – 4 hằng năm; cụm hoa là một bông hoa nang, hoa cái ở gốc, hoa đực ở trên. Quả mọng. Thân rễ ráy gai được thu hái vào mùa đông. Người ta đào rễ về rửa sạch, thái mỏng phơi hay sấy khô. Nhân dân thường dùng chữa ho, đau họng, phù thũng, tê thấp, suy gan hay di chứng do sốt rét…
Đông y cho rằng thân rễ ráy gai có vị cay, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi niệu, tán ứ, được coi là vị thuốc hay. Ráy gai có thể chữa nhiều bệnh, dưới đây xin nêu những phương thuốc có dùng ráy gai:
Cây ráy gai. |
Chữa lở ngứa ngoài da: Dùng cả cây ráy gai hoặc phần thân rễ nấu nước tắm rửa rất hiệu quả. Ngày 1 lần.
Chữa trẻ nhỏ da lở loét do thai độc: Lấy cây ráy gai nấu nước rửa, sau rắc bột thân rễ lên chỗ da bị bệnh, rất hiệu quả.
Chữa viêm gan, xơ gan: Dùng 30g thân rễ ráy gai khô (tươi khoảng 100g); trái dứa dại khô 30g (tươi 100g); chó đẻ răng cưa khô 10g (tươi 30g). Cho các vị vào nấu với 2.000ml nước, đun nhỏ lửa khi nước còn 300ml thì chắt ra. Chia 3 lần uống trong ngày rất hiệu quả (theo dân gian dùng tươi tốt hơn hẳn khô).
Chữa tê thấp, lưng, gối cẳng chân tê buốt rất hiệu quả: Dùng thân rễ ráy gai 12g, cẩu tích 12g, kê huyết đằng 12g, kim cang 12g, ngưu tất 12g, tỳ giải 12g, sắc nước uống trong ngày. Cần dùng 5 – 7 thang liền. Z
BS. Hoàng Xuân Đại