Rất nhiều bác sĩ quên điều trị dự phòng hen cho bệnh nhân

Ảnh: Thiên Chương.

Bệnh hen có thể chữa khỏi được nếu người bệnh kiểm soát tốt. Ảnh: Thiên Chương.

Theo nghiên cứu này, hầu như cả thầy thuốc lẫn bệnh nhân chỉ chú trọng điều trị cơn hen (khi tái phát hoặc khởi phát) hơn là điều trị dự phòng bệnh. Có đến 95% người bệnh hen không được kiểm soát tốt, phải gánh chịu những chi phí gián tiếp cho điều trị rất lớn. Tỷ lệ người nhà chăm sóc và người bệnh phải nghỉ việc để điều trị 10-30 ngày một năm chiếm 43%, trên 30 ngày là 25%.  

Theo Giáo sư Nguyễn Năng An, Chủ tịch hội hen-dị ứng-miễn dịch lâm sàng, bệnh hen ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, thậm chí gây tử vong nếu không được xử lý kịp thời. Thế nhưng, nhiều bệnh nhân thậm chí không biết các biện pháp ngừa cơn hen, không biết bệnh có thể kiểm soát được, thậm chí là chữa khỏi.

Khoảng 4% dân số Việt Nam mắc hen, trong đó 3.000-4.000 trường hợp tử vong mỗi năm vì bệnh này. Những nghiên cứu gần đây của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, tử vong do hen phế quản tăng nhanh trong những năm qua, chỉ đứng sau tử vong do ung thư và vượt lên trên tử vong do các bệnh về tim mạch.

Hen là bệnh do viêm mãn tính đường hô hấp. 4 triệu chứng điển hình của bệnh là ho, khò khè, nặng ngực, tức và thở ngắn hơi. Các cơn hen thường xảy ra khi có các yếu tố kích thích, hay xảy ra vào ban đêm và gần sáng, do thay đổi thời tiết, hít phải dị nguyên như bụi, phấn hoa, các chất gây dị ứng, nước hoa, xà phòng, khói thuốc lá…

Một điều cần lưu ý là thở khò khè là dấu hiệu thường thấy của bệnh hen. Tuy nhiên, không phải tất cả các bệnh nhân thở khò khè đều bị hen, cũng như không phải bệnh nhân hen nào cũng thở khờ khè. Đặc biệt là ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, cần loại trừ các nguyên nhân khác gây khò khè khác, còn lại mới là bị hen. Gần đây có hiện tượng chẩn đoán nhầm quá mức hen.

Phương Trang

Rate this post