Quy tỳ – phương thuốc quý kiện tỳ, nhiếp huyết

Ngoài ra còn trị các chứng do mất máu, như chảy máu cam, chấn thương… dẫn đến toàn thân suy nhược.

Phương Quy tỳ gồm: nhân sâm hoặc đảng sâm 12g, bạch truật, hoàng kỳ, phục linh, đương quy mỗi vị 12 g; táo nhân chế 16g; viễn chí, long nhãn, mỗi vị 8g; mộc hương, cam thảo, sinh khương, mỗi vị 4g; đại táo 3 quả. Sắc uống ngày một thang. Sắc 3 lần, gộp lại chia 3 lần uống, sau bữa ăn khoảng 1,5 giờ. Hoặc làm hoàn, ngày 6g hoàn cứng, hoặc 1 hoàn mềm, ngày uống 3 lần, sau bữa ăn với nước ấm, hoặc nước hãm gừng tươi (vì trong công thức viên hoàn không có sinh khương).

Bạch truật.

Bạch truật.

Công năng của phương Quy tỳ theo YHCT

Nhân sâm (hoặc đẳng sâm), đại táo, hoàng kỳ, bạch truật tác dụng ích khí, kiện tỳ. Mộc hương, bạch phục linh hóa thấp ở tỳ, vị, giúp cho kiện tỳ tốt hơn. Đương quy và long nhãn dưỡng huyết. Hắc táo nhân, long nhãn tác dụng an thần. Sinh khương giúp cho phương thuốc ấm hơn. Cam thảo bổ khí, dẫn khí, vị của phương thuốc vào các kinh tương ứng.

Tóm lại, phương Quy tỳ có công năng chung là ích khí, bổ huyết, kiện tỳ dưỡng tâm. Theo YHCT, ngoài các chức năng như ích khí, chủ cơ nhục, tạng tỳ, còn có chức năng nhiếp huyết, tức duy trì cho huyết lưu thông trong lòng mạch. Nói một cách khác là ngăn ngừa xuất huyết.

Tác dụng của phương Quy tỳ theo YHHĐ

Nhân sâm: Trên động vật thí nghiệm, nhân sâm có tác dụng làm tăng thể trọng, tăng lượng huyết tương và protein, cải thiện tình trạng thiếu máu. Với thần kinh trung ương, làm tăng trí nhớ, nâng cao năng lực phản ứng, tăng năng lực phân biệt, liều nhỏ tác dụng hưng phấn, liều lớn có tác dụng ức chế. Ngoài ra còn có tác dụng trấn tĩnh, trấn thống. Với cơ tim, lượng nhỏ làm hưng phấn, lượng lớn lại ức chế. Nâng cao sự thích ứng với những tác nhân có hại, như nhiệt độ cao, nhiệt độ thấp, mất máu, trúng độc, tia phóng xạ… Ngoài ra còn có tác dụng hạ đường huyết, tăng hormon tuyến thượng thận.

Saponin trong nhân sâm có tác dụng tan huyết, kháng tế bào ung thư, chống lão hóa, kéo dài tuổi thọ. Độc tính của nhân sâm tương đối thấp. Nếu dùng quá liều gây ngứa, hoa mắt hoặc xuất huyết.

Nhân sâm được sử dụng cho thể hư thoát, chân tay lạnh, mạch yếu, tỳ hư kém ăn, phế hư sinh khí suyễn, tân thương (tân dịch hao tổn), khẩu khát, nội nhiệt tiêu khát, suy nhược cơ thể do bệnh lâu ngày, dương nuy, tử cung lạnh, tim đập yếu.

Hoàng kỳ: Tác dụng lợi niệu thời gian duy trì dài, hàm lượng natri trong nước tiểu tăng, ngay cả với những động vật đã gây viêm thận; tác dụng hạ đường huyết, hạ huyết áp và cường tim, kháng loét vị tràng, trấn tĩnh, chống lão hóa; tác dụng co bóp tử cung. Ngoài ra còn ức chế lỵ trực khuẩn, liên, trực khuẩn bạch hầu, cầu khuẩn, song cầu khuẩn viêm phổi… Hoàng kỳ được dùng bổ khí trung tiêu, chống sa giãn một số cơ quan tiêu hóa và tiết niệu…; tiêu phù thũng, trị ra mồ hôi, giải độc trừ mủ khi viêm nhiễm…

Bạch truật: Tác dụng lợi niệu sau 2 giờ uống là cao nhất và duy trì 1,5 giờ; lượng natri bài xuất tăng gấp 32 lần. Tác dụng hạ đường huyết, giảm đau, thũng. Dầu bạch truật có tác dụng trấn tĩnh, tăng vận động tự phát của chuột, tăng thể lực, tăng năng lực kháng bệnh, ức chế một số nấm ngoài da… Bạch truật dùng kích thích tiêu hóa, trị phù thũng, trị mồ hôi, đặc biệt mồ hôi trộm, an thai, cầm máu.

Nhân sâm.

Nhân sâm.

Mộc hương: Tác dụng giải kinh, giảm co thắt cơ trơn ruột, khí quản, mạch máu; hạ huyết áp, lợi tiểu; ức chế trực khuẩn phó thương hàn, lỵ, trực khuẩn mủ xanh, vi khuẩn viêm phổi, liên cầu khuẩn… Trên thực tế, mộc hương trị bụng đầy trướng, đau bụng, tiêu hóa kém; sau tả lỵ.

Bạch linh: Tác dụng lợi tiểu, tăng miễn dịch, tăng chỉ số thực bào ở chuột, kháng ung thư do polysacharide, an thần, hạ đường huyết, bảo vệ gan và chống loét dạ dày, ức chế tụ cầu vàng, trực khuẩn đại tràng, trực khuẩn biến hình.

Bạch linh là phần màu trắng, bên trong phần xích linh (từ vỏ vào) và bên ngoài phần phục thần (từ lõi giữ ra) của nấm phục linh. Bạch linh trị bí tiểu tiện, tiểu buốt dắt, hoặc tỳ khí hư nhược.

Đương quy: Thành phần tan trong dầu có tác dụng ức chế tử cung và tăng huyết áp. Thành phần tan trong nước gây hưng phấn tử cung và hạ huyết áp. Tác dụng đối kháng với chứng thiếu vitamin E; hạ mỡ máu; chống xơ vữa động mạch. Tinh dầu đương quy trấn tĩnh, tiêu viêm. Nước sắc đương quy ức chế lỵ trực khuẩn, liên cầu khuẩn… Đương quy dùng trị các chứng thiếu máu; đặc biệt vừa thiếu máu, vừa ứ tích huyết ở phụ nữ bế kinh; trị táo bón do huyết hư, nhu động ruột kém.

Long nhãn: Nước sắc long nhãn có tác dụng ức chế trực khuẩn lỵ, nha bào của một số nấm gây bệnh.  Theo YHCT, long nhãn bổ tâm tỳ, ích khí huyết. Trị tâm tỳ lưỡng hư, khí huyết hư tổn; suy nhược thần kinh do tâm huyết hư gây mất ngủ, hồi hộp, hay quên.

Viễn chí: Tác dụng long đờm, chủ yếu ở vỏ rễ; gây ngủ và chống co giật. Thành phần Senegin có trong viễn chí có tác dụng tán huyết, phần vỏ mạnh hơn phần gỗ. Dịch chiết cồn ức chế vi khuẩn Gr +, trực khuẩn lỵ, thương hàn. Saponin kích thích dạ dày gây buồn nôn, kích thích tử cung có thai hay không có thai.

Theo YHCT, viễn chí có tác dụng ninh tâm an thần, khứ đàm khai khiếu, tiêu ung thũng. Trị hồi hộp, mất ngủ, tâm thận bất giao, đàm trở tâm khiếu, động kinh, hàn đàm khái thấu, ung nhọt sưng, vú sưng đau.

Táo nhân: Tác dụng an thần gây ngủ; giảm đau, hạ sốt; hưng phấn tử cung; hạ huyết áp và chống loạn nhịp tim.

Tóm lại, phương Quy tỳ là phương thuốc quý, được YHCT sử dụng trị các chứng do tâm, tỳ hư, khí huyết hư, với biểu hiện: cảm giác lo sợ, thường xuyên bị đánh trống ngực, hồi hộp, mất ngủ, ngủ hay mê, hơi thở ngắn, hay mệt mỏi đặc biệt khi gắng sức; kém ăn, bụng hay trướng gầy sút cân, da xanh. Ngoài ra còn trị mất máu, thiếu máu. Dạng thuốc sắc và viên hoàn đều kiêng cho người đau bụng tiêu chảy và phụ nữ có thai. Dạng hoàn kiêng cho người bị đái tháo đường.

GS.TS. PHẠM XUÂN SINH

Rate this post