Bình thường sau một năm chung sống khoảng 80 – 85% các cặp vợ chồng có thể có thai tự nhiên. Khả năng sinh sản đạt đỉnh cao ở khoảng từ 20 – 25 tuổi và giảm dần sau 30 tuổi ở phụ nữ và sau 40 tuổi ở nam giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, một cặp vợ chồng gọi là vô sinh khi sống cùng nhau trên một năm và không dùng biện pháp tránh thai nào mà vẫn không có con. Thống kê trên thế giới, tỉ lệ vô sinh chiếm khoảng 8 – 15% các cặp vợ chồng. Ở Việt Nam hiện nay, vô sinh chiếm 12 – 13% tổng số cặp vợ chồng, tương đương với gần một triệu cặp vợ chồng.
Sự thụ thai có thể đạt được khi có các điều kiện:
Sự phát triển nang noãn và phóng noãn.
Sự sản xuất tinh trùng đảm bảo chất lượng.
Tinh trùng gặp được noãn.
Sự thụ tinh, làm tổ và phát triển tại tử cung cho đến đủ trên 37 tuần.
Khi có rối loạn bất kỳ khâu nào trong chuỗi các hoạt động sinh sản này đều dẫn đến kết cục bất lợi. Các dữ liệu thu được cho thấy khoảng 30 – 40% các trường hợp vô sinh do nam giới, 40% do nữ giới, 10% do cả nam và nữ và 10% không rõ nguyên nhân.
Một cặp vợ chồng gọi là vô sinh khi sống cùng nhau trên một năm và không dùng biện pháp tránh thai nào mà vẫn không có con
Phương pháp điều trị: tùy vào nguyên nhân vô sinh của vợ hay của chồng mà điều trị tương ứng. Một số phương pháp điều trị cơ bản:
Về phía người vợ:
Nếu có bất thường phóng noãn: chỉ định kích thích buồng trứng theo nhiều phác đồ khác nhau nhằm tăng sự phát triển nang noãn, tăng trưởng thành và phóng noãn.
Tắc vòi trứng: phẫu thuật mổ thông vòi trứng qua mở bụng hoặc qua nội soi.
Việt Nam
Vô sinh chiếm 12 – 13% tổng số cặp vợ chồng
Điều trị viêm nhiễm đường sinh dục nếu có trước khi thăm dò nguyên nhân vô sinh. Khoảng 5% bệnh nhân vô sinh có thai tự nhiên sau khi điều trị viêm âm đạo, cổ tử cung hoặc thay đổi môi trường âm đạo..
Phẫu thuật có thể chỉ định như nội soi gỡ dính, đốt điểm buồng trứngđa nang, bóc u lạc nội mạc, sửa chữa các dị dạng sinh dục…
Về phía người chồng:
Bất thường tinh dịch đồ: tuỳ vào mức độ bất thường mà chỉ định phương pháp can thiệp.
Nội tiết tố: có thể cải thiện chất lượng tinh trùng trong những trường hợp do nguyên nhân nội tiết, bất thường mức trung bình, tuy nhiên quá trình điều trị thường dài ngày, tốn kém và không cải thiện nhiều.
Thụ tinh nhân tạo.
Thụ tinh trong ống nghiệm
Có thể chỉ định phẫu thuật sửa chữa trong giãn tĩnh mạch thừng tinh, lỗ tiểu đóng thấp, tinh hoàn lạc chỗ.
Theo y học cổ truyền
Sinh lý về sự thụ tinh theo y học cổ truyền: tinh người cha thuộc dương, trứng người mẹ (mẫu huyết) thuộc âm, âm dương giao hòa sẽ thụ thai.
Theo y học cổ truyền, tinh người cha thuộc dương, trứng người mẹ thuộc âm
Theo Hải Thượng Lãn Ông: Tinh cha huyết mẹ nhân cảm hứng mà giao hội với nhau, tinh nhờ dương tiết ra, huyết thu liễm tinh, tinh thành xương, đó là muôn vật nhờ ở càn nguyên (càn là dương, là cha, nguyên là đầu, là trước, càn nguyên là đức đầu tiên của càn tạo ra muôn vật) làm nguồn gốc. Huyết khí hộ vệ bên ngoài, thành bào thai, tinh dầy đặc bên trong để hóa sinh nuôi dưỡng, đó là muôn vật sinh trưởng nhờ khôn nguyên (đức đầu tiên của khôn là sinh ra muôn vật). Âm dương giao cấu, ngưng kết thành thai, chỗ thai ở gọi là tử cung, một cuống ở dưới, trên phân 2 ngả, một ngả thông sang tả, một ngả thông sang hữu.
Vô sinh nam do đàn ông phòng lao quá độ, tiết tinh quá nhiều, tinh loãng như nước, hoặc lạnh như băng, lo nghĩ quá nhiều…
Trần Tử Minh, danh Y đời Tống (Trung Quốc) có khuyên: nam giới tuy 16 tuổi đã có tinh nhưng phải đến 30 tuổi mới lấy vợ, nữ giới tuy 14 tuổi đã có kinh nguyệt nhưng đến 20 tuổi lấy chồng, như thế âm dương đều sung túc. Lý do là ở nữ, đến tuổi 14 thiên quý đến, mạch Nhâm Xung đầy đủ, có kinh, ngực nảy nở. Ở nam đến tuổi 16, thiên quý đến, thận khí đầy đủ, tinh khí dồi dào. Nếu giao hợp có thể có thụ thai.
Ngoài ra y học cổ truyền cũng cho rằng, thời gian giao hợp quan hệ rất lớn đối với sự hoài thai. Sách Diệu nhất trai y học chính ấn chủng tử thiên viết “Giao hợp có thời, vạn vật hóa sinh ắt có thời gian lạc dục”. “Lạc dục” ở đây ý chỉ sự rụng trứng. Người xưa cũng nói “đêm khuya êm dịu, tình cảm vợ chồng thuận hòa, gặp nhau thụ thai, con cái không những trường thọ mà còn trí tuệ hơn người”.
Vô sinh theo y học cổ truyền: rất xem trọng yếu tố “tiên thiên” và “hậu thiên” trong vấn đề vô sinh. Đạo trời đất âm dương hòa hợp mới nuôi sống được muôn vật, đạo vợ chồng âm dương hòa hợp mới sinh nở được con cái. Nếu tinh cha huyết mẹ không đầy đủ mà có thể chửa đẻ chưa bao giờ có.
Cơ chế bệnh sinh: về chức năng sinh sản của người phụ nữ theo y học cổ truyền, mạch Xung Nhâm đóng vai trò trọng yếu. Vì mạch Nhâm chủ về bào cung, thống quản mạch âm trong cơ thể con người. Vương Băng nói: “mạch Xung là bể chứa huyết, mạch Nhâm chủ về bào thai. Hai mạch Xung Nhâm nương tựa hỗ trợ nhau tốt thì đấy là suối nguồn của kinh mạch, thai sản”. Mạch Xung Nhâm đầy đủ thịnh vượng thân thể khỏe mạnh, kinh nguyệt điều hòa, thụ thai sinh nở bình thường. Nếu mạch Xung Nhâm tổn thương có thể gây bệnh phụ khoa, trong đó có vô sinh. Những nguyên nhân gây tổn hại đến mạch Xung Nhâm như giao hợp quá độ, sảy thai nhiều lần, các yếu tố gây nên khí huyết không điều hòa hoặc gây nên sự rối loạn chức năng của tạng phủ…
Nguyên nhân: vô sinh ở người phụ nữ chia 2 loại: tiên thiên khuyết tật (không có âm đạo, tử cung, buồng trứng kém phát triển…) và bệnh lý hậu thiên.
Các thể bệnh lý hậu thiên thường gặp là: hư hàn, huyết hư, đàm thấp, can uất và huyết nhiệt
Tỳ Thận Hư hàn: bụng dưới thường bị lạnh và đau thất thường, kinh kỳ không đều, sắc huyết nhợt nhạt, huyết trắng khí hư, rêu lưỡi mỏng, kiêm thận hư thì tinh thần hay mỏi mệt; hay đau lưng, mỏi chân, tiểu nhiều, kinh nguyệt ra ít, hơi lãnh cảm, chất lưỡi nhợt. Do lúc đang hành kinh không giữ gìn cẩn thận, ăn đồ sống lạnh hoặc vì tham dâm vô độ, sống nơi ẩm ướt làm tổn hại mạch Xung Nhâm khiến chân dương không đầy đủ, không khí hóa hàn thấp mà dồn vào làm lạnh dạ con.
Huyết hư hàn: thể trạng hư suy, kinh kỳ ít có khi ra muộn, bất thường; sắc mặt vàng xanh, tinh thần mỏi mệt, hay chóng mặt, hoa mắt, lưỡi nhợt rêu mỏng, mạch hư sác hoặc trầm tế. Thân thể vốn yếu, âm huyết kém yếu mà không giữ được tinh.
Đàm thấp trở trệ Bào cung: hình thể béo mập, đầu choáng, tim hồi hộp bạch đới đặc dính mà nhiều, khi có kinh không đều, sắc nhợt mà nhiều, lưỡi nhợt rêu nhớt, mạch hoạt. Do ăn chất béo bổ sinh đờm thấp tích trệ ở bào cung làm cho bào cung không dưỡng được tinh.
Can khí uất: người phụ nữ hay uất ức không vui, có kinh nguyệt không định kỳ, ngực sườn không thư thái hoặc bụng hay đầy chướng, ngủ hay mộng mị những điều không tốt, người thụ động, ít nói cười. Do can không sơ tiết bình thường mà khí huyết mất điều hòa.
Âm hư, thấp nhiệt Xung Nhâm: trước lúc hành kinh hay có triệu chứng đau bụng dưới, đau đầu, chóng mặt; kinh nguyệt đỏ lợm, khô đặc, môi hay bị khô. Do uống nhiều thuốc nóng quá hoặc huyết hư hóa nhiệt, nhiệt ẩn náu ở mạch Xung Nhâm làm khí huyết mất cân bằng.
Theo Hải Thượng Lãn Ông: phụ nữ không có thai, có người do lục dâm thất tình làm tổn thương mạch Xung Nhâm, hoặc bệnh cũ ẩn nấp, di chuyển trong tạng phủ, hoặc tử cung hư lạnh, hoặc khí thịnh huyết suy, tỳ vị hư tổn. Do đó không nuôi dưỡng được mạch xung nhâm hoặc tích đờm ngưng trệ ở bào lạc.
Vô sinh nam: do đàn ông phòng lao quá độ, tiết tinh quá nhiều, tinh loãng như nước, hoặc lạnh như băng, lo nghĩ quá nhiều… Tất cả các nguyên nhân ấy đều dẫn đến khó có con.
Đông y chia vô sinh nam thành tám bệnh danh chính:
Thận âm khuy hư: tinh dịch lượng ít, số lượng tinh trùng giảm, lưng đau gối mỏi, nóng lòng bàn tay bàn chân, cảm giác sốt về chiều, thất miên, đạo hãn, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ.
Thận dương bất túc: tinh dịch lạnh loãng, số lượng tinh trùng giảm, độ di động kém, mệt mỏi, tay chân lạnh, sợ lạnh, liệt dương hoặc di tinh, tiểu đêm nhiều.
Khí huyết khuy hư: tinh dịch loãng, số lượng tinh trùng giảm, giảm ham muốn, liệt dương hoặc xuất tinh sớm, gầy yếu, mất ngủ, hay quên, ăn kém, đại tiện lỏng.
Tỳ thận dương hư: tinh dịch lạnh loãng, số lượng và chất lượng tinh trùng giảm, giảm ham muốn, liệt dương hoặc di tinh, lưng đau gối mỏi, ngũ canh tả.
Đàm trọc trở trệ can mạch: tinh dịch lượng ít, không có hoặc có rất ít tinh trùng, khó xuất tinh, tinh hoàn hay sưng nề, tức ngực, béo bệu.
Thể huyết ứ trở trệ kinh can: giãn tĩnh mạch thừng tinh, đau khi xuất tinh, không có hoặc có rất ít tinh trùng, tỉ lệ chết cao, bụng dưới và bìu đau chướng, lưỡi có điểm ứ huyết.
Thể Thấp nhiệt phạm can mạch: tinh dịch đặc lâu hóa lỏng và có nhiều bạch cầu, chất lượng tinh trùng giảm, tỉ lệ chết nhiều, sau sinh hoạt hay đau tức dương vật và tinh hoàn, tiểu tiện sẻn đỏ, có cặn đục, chân tay mỏi nặng, tâm phiền miệng khát, đại tiện khó, lưỡi đỏ rêu vàng dính.
Hàn trệ can mạch: tinh dịch lạnh loãng, bộ hạ đau chướng và lạnh, sau sinh hoạt bụng dưới và tinh hoàn đau tức, lưng đau gối mỏi, tay chân lạnh, sợ lạnh, lưỡi nhợt và bệu, mạch căng như dây đàn.
Các bài thuốc cầu tự của Hải Thượng Lãn Ông
Bài Bát vị bội Thục địa kết hợp với phương thuốc Cao viên.
Chữa một người muộn con, mạch hữu xích ấn mạnh thì vô lực, là do chân dương không đủ, tả xích không trầm không thạch, là vì chân thủy lại hư, mới cho uống Bát vị hoàn. Nhưng vì chân âm thiếu quá, phải nấu riêng hơn 1 cân thục địa nhào thành cao 8 lạng để thay mật làm viên. Tinh hoa của ngũ tạng đều thu nạp về thận, thận là nơi hội tụ của các cơ quan. Nhưng tinh sinh ở huyết, huyết kém thì làm gì sinh được tinh. Tâm chủ huyết cho nên không con thì trách cứ vào tâm bạc, bạc đầu thì trách cứ vào thận. Cho nên người xem trọng việc cầu tự thì chẳng những phải bổ thận mà càng nên dưỡng tâm. Lại thêm điều hòa ngũ tạng, làm cho tinh khí của ngũ tạng thường thịnh vượng luôn, mà tràn đầy tới thận được dồi dào. Nếu như bổn tạng không được tươi nhuận thì còn lấy gì mà thu về thận được. Cho nên tâm thuộc hỏa mà sánh với quẻ Ly, Ly là âm, thủy ở trong tâm là chân thủy: thận thuộc Thủy mà sánh với quẻ Khảm, Khảm là dương, hỏa ở trong thận là chân hỏa, tâm thận đều bắt rễ lẫn nhau, âm dương tác dụng lẫn nhau, Thủy hỏa mà được “ký tế” thì khí xông bốc mới ngưng tụ lại mới hình thành thai nghén. Lại dùng thuốc dưỡng vinh ích vệ, tư nhuận ngũ tạng làm viên để dùng dần.
Phương thuốc cao viên:
Hoàng kỳ 4 lạng, sao mật cùng với nhân sâm bổ khí làm quân, khiến cho âm dương mà lớn, vô hình sinh ra hữu hình.
Đương quy 3 lạng, sao rượu, dưỡng huyết, thông huyết, khiến cho phần vinh điều hòa, theo phần khí mà phát sinh ra, dùng làm thần.
Táo nhân 5 lạng, sao chín, đến khi nấu giã cho nát sắc đỏ tượng quẻ Ly, khí thơm vào tỳ, vị chua vào can cho nên bổ can kiêm cả nuôi tỳ thổ, dùng chung với đương quy thì đương quy nuôi huyết ba tạng.
Táo nhân bổ khí ở ba tạng, dùng làm thần.
Thục địa 6 lạng, dùng dao đồng thái phiến, tính trọng trọc, tượng trưng cho khí đất, ngọt ấm nuôi khí âm, đã tư chân thủy, lại nhuận các kinh, cùng với bạch truật hợp lại thành một thang thì Truật bổ tỳ khí để giữ tính táo của thổ, thục địa bổ thêm sự nhu nhuận cho tỳ âm để giúp cho sự hóa dục của thổ, một vị táo, một vị nhuận, thổ là mẹ ruột của muôn vật, lại càng dùng làm thần.
Tỳ Thận Hư hàn: bụng dưới thường bị lạnh và đau thất thường, kinh kỳ không đều…
Bạch truật 4 lạng, sao với sữa cho vàng, khí vị thơm hòa bình được chính khí của âm dương, ngọt âm, khí mạnh, bổ trung khí tỳ nguyên và cùng với Thục, Thược hợp thành một thang Thục địa đã chuyển công về mạnh thủy lại tư nhuận được tỳ thổ, bạch truật chuyên bổ tỳ dương, bạch thược chuyên bổ tỳ âm, khiến cho tỳ thổ mạnh và không táo mới làm tròn chức năng thấp nhuận, dùng làm thần.
Viễn chí 2 lạng, sắc nước cam thảo tẩm, dùng nhục bẻ lõi, sắc vàng cho nên an tâm dưỡng thần, mà sinh được tỳ thổ. Vị cay mà nhạt cho nên trừ được khí âm tối, chân tinh mới sinh ra được, cay tán được đờm dãi khiến cho chỗ tâm được sáng suốt không u tối dưới giúp cho thận khí, khiến cho chân tinh chứa kín không bị tiết ra, dùng chung vào với thuốc chữa ba kinh tâm tỳ thận, vị này vị nọ giúp nhau mà thành công, dùng làm tá.
Mạch môn ba lạng, sao với gạo cũ. Vì thủy thiếu kim càng táo, mẹ con mất ý nghĩa sinh nuôi nhau, chiếu cố nhau, cho nên cùng với Thục Truật hợp lại một thang thì trên có thể thừa tiếp khí mẹ mà không hết, dưới có sinh được khí con mà có thừa. Nhưng tính hơi hàn nhu không kiêm chữa được cả hai tạng tỳ phế cho nên càng sao với gạo, khiến cho thổ và kim đều được bổ ích để làm tả.
Bạch thược 2,4 lạng sao với mật rượu, ngọt lạnh, vào tỳ chua liễm vào can, đã giúp cho đương quy hòa can huyết lại giúp cho bạch truật dưỡng tỳ âm, có thể thành công giúp đỡ, dùng làm tá.
Đỗ trọng 3 lạng, sao rượu, trước đã đại bổ vinh vệ, nhưng khí huyết đã đầy ở trong há không nên đưa vị này để vận hành kinh lạc, khiến cho gân xương được khỏe mạnh, cho nên dùng vị này để vận hành, bổ ích chỗ khoảng đốt xương, lại có thể tiếp dẫn được các vị thuốc đi sâu vào thận, và cùng Tục đoạn bổ nối khoảng đốt xương thân thể được nhẹ mạnh hẳn.
Tục đoạn 3 lạng, sao rượu thục địa chuyên bổ thận tinh, đỗ trọng chuyên bổ thận khí, lại được khoảng gân xương, Tục đoạn điều lý ở trong đốt xương, đều được ích lợi, dùng làm sứ.
Ngưu tất 3 lạng, sấy rượu, dẫn các thuốc xuống làm cường tráng hạ nguyên, và khiến cho trọc âm đi xuống, thì thanh dương đi lên được, nhưng sợ chạy xuống nhanh quá, chưng với rượu để cho dịu đi, dùng làm sứ.
Liên tử 3 cân, bỏ tim và vỏ lụa, đổ nước hơn 30 bát, sắc lấy nước bỏ bã, cho thuốc trước vào sắc chung lấy ba nước bỏ bã nhào thành cao, lại cho thuốc tán sau này vào.
Nhân sâm 5 lạng, tính vị hòa bình, đại bổ nguyên thần, có thể bổ âm, có thể bổ dương, dùng làm quân, cùng hoàng kỳ điều nguyên khí ở phần biểu và lý, cùng với Quy Truật bổ ích âm dương, hợp với Táo nhân để yên tâm, cùng thục địa để bổ thận, đi tới đâu cũng được.
Bạch phục linh, phục thần đều 3 lạng, tán nhỏ, vị phục linh thẩm đạm, giúp bạch truật để dưỡng tỳ, phục thần có thể giữ vững giúp táo nhân để yên tâm, đều dùng làm sứ.
Tất cả các vị trên hòa vào cao làm viên, lúc đi ngủ uống một viên chừng 4 đồng cân với nước sôi, hoặc nhai nhỏ mà nuốt. Do đó mà xem, một mặt dùng bát vị để bổ phần thiếu của tiên thiên, một mặt dùng thuốc cao viên để bổ phần phát sinh hậu thiên, thì con cái sẽ đông đúc.
Về lĩnh vực chữa vô sinh hiếm muộn y học cổ truyền từ lâu đã có nhiều kinh nghiệm, việc chẩn đoán và điều trị dựa trên các lý luận của âm dương ngũ hành, từ xa xưa đã dùng những bài thuốc hay và rất hiệu quả. Ngày nay, việc chẩn đoán và điều trị vô sinh hiếm muộn nên có sự kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại để đạt được lợi ích, hiệu quả tốt nhất.
BS.CKII. HUỲNH TẤN VŨ