Cà tím là loại cây được trồng ở nhiều nơi, được sử dụng chế biến thành các món ăn ngon hoặc muối, ăn sống… Trong mùa hè, cà tím có tác dụng giải nhiệt tiêu nóng rất tốt.
Theo đông y, cà tím có vị ngọt, tính lương (mát), có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, hoạt huyết, tiêu viêm, tiêu ung, nên được sử dụng trong chữa trị các chứng như ung nhọt, lở loét, chốc lở ngoài da, tai quả cà nấu lấy nước uống để chữa ung nhọt, lở loét… Cà tím còn tác dụng lợi tiểu thông mật, nhuận gan, đề phòng xơ vữa động mạch do tác dụng làm giảm cholesterol. Lấy rễ cà, cuống quả của cà sắc lấy nước uống còn chữa được đi tiểu ra máu, đại tiện ra máu hay lị ra máu. Hạt cà cũng có tác dụng lợi niệu.
Cà tím dài
Trong cà tím (cà dái dê) người ta còn thấy chứa hàm lượng vitamine PP khá cao (trong 1.000g cà tím chứa tới 72g vitamin P) nên có tác dụng tăng cường chất kết dính giữa các tế bào trong cơ thể, bảo vệ huyết quản, phòng ngừa xuất huyết.
Đặc biệt trong cà có chất nightshadesoda (chất kiềm long quì) có công hiệu chống ung thư trên thực nghiệm cho thấy có khả năng ức chế sự tăng sinh các tế bào trong khối u thuộc hệ thống tiêu hóa, nên còn được sử dụng trong điều trị phụ trợ cho các bệnh nhân bị ung thư hay u bướu. Theo một số kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản, cà tím có khả năng phòng ngừa bệnh ung thư vì trong nó chứa nhiều chất chống ôxy hóa có tác dụng tiêu diệt các gốc tự do gây hại cho cơ thể.
Ngoài ra người ta còn thấy giống cà tím còn khả năng làm giảm thiểu cholesterol trong máu vì cà tím chứa nhiều nước và chất xơ. Mặt khác nó còn giúp không tăng cân nhờ nó chứa rất ít calo.
Cà tím chứa nhiều vitamin và muối khoáng sẽ giúp bạn không còn lo ngại mắc bệnh thiếu máu. Thêm vào đó, cà tím chứa nhiều nước và potassium có khả năng kích thích nhịp tim hoạt động tốt. Ngoài ra, magiê và canxi cùng với vitamin A và C trong cà tím có tác dụng cải thiện cấu trúc xương giúp tăng cường hệ miễn dịch. Đồng thời magiê trong cà tím còn chống lại cảm giác bồn chồn, lo lắng và chứng mất ngủ.
Cà tím tròn
Sau đây là vài cách tiêu biểu nhất được sử dụng trong trị liệu từ cà tím:
Dùng cho người bị u cục sưng to ở bụng, sốt rét, sốt ác hàn nhờ tác dụng thanh nhiệt, giải độc: Lấy cà từ 100g – 250g nấu chín ăn trong ngày, cần ăn hàng ngày.
Phòng chống ung thư: Quả cà tươi 100 – 250g thái thành miếng, thịt ba chỉ 150g thái miếng, rau tía tô, mùi tàu, lá lốt thái nhỏ, hành tăm thái khúc, tỏi thái lát, mắm muối, mì chính… vừa đủ. Riêng tỏi cần thái lát để trong không khí chừng 15 phút để tinh tỏi kết hợp với không khí sẽ tạo ra một chất có tác dụng kháng ung thư. Bởi vậy sau khi nấu cà cùng thịt lợn nhừ rồi mới cho các gia vị mắm muối, cuối cùng cho hành, tỏi, mùi tàu, tía tô, mì chính đảo đều bắc ra ngay, không được để lâu sẽ mất tác dụng của tỏi và rau thơm.
Chữa lở loét ngoài da: Lấy quả cà tươi rửa sạch lau khô đem thái và giã nát đắp vào nơi loét lở băng lại. Tác dụng hoạt huyết, tiêu viêm.
Cần lưu ý: Về cuối thu sang đông quả cà có vị hơi chát, đắng nên thiên về tính hàn hơn, do vậy những người có thể chất hư hàn không nên ăn nhiều nhất là người đang bị tiêu lỏng.
BS. Hoàng Xuân Đại