Một phương pháp mới vừa được TS. Martha Murray thuộc Bệnh viện Nhi khoa Boston công bố tháng 3/2016, phương pháp mang tên Bridge-Enhanced ACL Repair (BEAR), tạm dịch là tái tạo dây chằng chéo trước bằng cầu nối tăng cường.
Phương pháp kinh điển điều trị tổn thương dây chằng chéo khớp gối này hiện nay đang áp dụng là phẫu thuật nội soi cắt bỏ hết phần còn lại (hay di tích) của dây chằng chéo, dây chằng mới được tạo ra bằng mảnh ghép gân tự thân (lấy của chính bệnh nhân) hoặc đồng loại (lấy của người cho), gân ghép được cố định vào lồi cầu đùi và mâm chày bằng các vít, qua các đường hầm được khoan qua xương.
Theo đó, với phương pháp BEAR, thay vì cắt bỏ, phần còn lại của dây chằng chéo ở hai đầu chỗ bám được giữ lại, một miếng bọt xốp có cấu tạo bằng protein đặc biệt được đặt giữa hai đầu còn lại của dây chằng chéo (hình 2), tạo cầu nối cho hai đầu dây chằng phát triển tiến gần nhau, dùng các mũi khâu để cố định miếng xốp vào hai đầu dây chằng. Một lượng máu ngoại vi của chính bệnh nhân sau đó được bơm đầy vào bọt xốp tạo cục máu đông, kích thích quá trình liền dây chằng (hình 3). Sau điều trị 6-8 tuần, hai đầu dây chằng phát triển vào phần bọt xốp, sau đó phần bọt xốp được thay thế dần bằng mô lành của dây chằng (hình 4).
Phương pháp này được TS. Martha Murray tiến hành thử nghiệm trên 10 bệnh nhân tình nguyện đầu tiên tại Bệnh viện Nhi khoa Boston, Hoa Kỳ. Sau 3 tháng phẫu thuật, trên phim chụp cộng hưởng từ thấy các bó sợi của dây chằng chéo trước bắt đầu đan xen nhau một cách tự nhiên trong miếng xốp. Sau 1 năm, hình ảnh dây chằng chéo bị tổn thương đã phục hồi, giống hình ảnh của dây chằng bình thường. TS. Martha Murray dự định, sau khi hoàn thành nghiên cứu thử nghiệm ở giai đoạn 1, tính an toàn và hiệu quả phục hồi dây chằng được chứng minh, bà sẽ tiến hành nghiên cứu ở giai đoạn 2, mở rộng trên số lượng lớn bệnh nhân với thời gian theo dõi, đánh giá tối thiểu từ 3- 4 năm, khi đó có thể tạo ra một cuộc cách mạng lớn cho các phẫu thuật viên trong điều trị tổn thương dây chằng chéo khớp gối.
Đối với phương pháp tái tạo dây chằng chéo khớp gối bằng ghép gân hiện nay, người bệnh phải hy sinh một phần gân của mình để tạo mảnh ghép, những phiền toái sau lấy gân đôi khi là không nhỏ. Một nhược điểm khác của phương pháp ghép gân là tình trạng viêm thoái hóa khớp sau mổ 15-20 năm, nếu người bệnh còn trẻ (15-20 tuổi) phải đối mặt với tình trạng này là quá sớm. Vì vậy, phương pháp BEAR thành công hy vọng sẽ khắc phục được một số nhược điểm cơ bản nêu trên, tạo ra một bước tiến mới trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình.
BS. Dương Đình Toàn