Ung thư tuỵ là bệnh ung thư rất nguy hiểm, bệnh thường gây ra triệu chứng muộn và dẫn tới tử vong. Do vậy, nhận biết những dấu hiệu ung thư tuyến tụy và đi khám sớm có thể giúp bạn tìm ra bệnh ở giai đoạn đầu, tăng cơ hội sống.
Nguyên nhân nào dẫn tới ung thư tuyến tụy?
Cho đến nay, vẫn chưa biết chính xác về nguyên nhân ung thư tuyến tụy nhưng một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh: gần 90% bệnh nhân ung thư tuyến tụy ở độ tuổi 55 trở lên; nam giới có khả năng phát triển ung thư tuyến tụy nhiều hơn phụ nữ; Một số bệnh lý: béo phì, bệnh tiểu đường, viêm tụy mạn tính, bệnh xơ gan và nhiễm Helicobacter pylori (H. pylori) cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Ngoài ra, ung thư tuyến tụy có liên quan đến hút thuốc lá. Khoảng 10% ung thư tuyến tụy được cho là có liên quan đến yếu tố di truyền mặc dù các điều kiện di truyền không trực tiếp gây ra bệnh ung thư tuyến tụy, nhưng có thể làm tăng nguy cơ nếu có cha mẹ mắc bệnh này.
Biểu hiện lâm sàng
Ở giai đoạn đầu, ung thư tuyến tụy ít gây ra triệu chứng, hầu hết là các triệu chứng mơ hồ, dễ nhầm lẫn với các vấn đề tiêu hóa ít nghiêm trọng khác. Bệnh hiếm khi được phát hiện trước khi nó đã lan rộng đến các mô lân cận hoặc cơ quan xa qua máu hoặc hệ bạch huyết. Tuy nhiên, nếu thấy các dấu hiệu sau đây thì cần cảnh giác: Giảm cân đáng kể, kèm theo đau bụng (dấu hiệu cảnh báo có khả năng nhất); Đau bụng mơ hồ, nhưng dần dần xấu đi, tình trạng có thể đỡ hơn khi nghiêng về phía trước và tăng lên khi nằm xuống. Cơn đau thường nặng vào ban đêm và có thể lan đến lưng; Gặp các vấn đề về đường ruột như tiêu chảy, táo bón, đầy hơi, ợ hơi; Buồn nôn, nôn và chán ăn; Vàng da, niêm mạc mắt vàng, nước tiểu đậm, và phân lỏng màu sáng; Rối loạn dung nạp glucose (như bệnh tiểu đường một cách đột ngột); Phân màu đen, hoặc có máu trong phân do chảy máu đường tiêu hóa; Gan và túi mật lớn; Ngứa da; Cục máu đông ở chân; Thay đổi trạng thái tâm thần, chẳng hạn như trầm cảm; Một vài loại ung thư tuyến tụy gây ra sự mất cân bằng nội tiết tố dẫn tới các triệu chứng: Đổ mồ hôi, tim đập nhanh, khó chịu, hay da đỏ bừng liên quan đến lượng đường trong máu thấp; tiêu chảy nặng; phát ban trên da bất thường.
Phương pháp điều trị
Các phương pháp điều trị ung thư tuyến tụy đang được áp dụng phổ biến hiện nay là phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và điều trị trúng đích.
Phẫu thuật là một trong các phương pháp chính điều trị bệnh ung thư tuyến tụy. Tùy thuộc vào vị trí của khối u mà bác sĩ sẽ chỉ định các thủ tục phẫu thuật khác nhau với từng bệnh nhân. Với trường hợp khối u phát triển ở đầu tụy, chưa xâm lấn các cơ quan khác, bệnh nhân được phẫu thuật Whipple: cắt bỏ đầu tụy ngang tĩnh mạch cửa, loại bỏ túi mật và ống gan chung, cắt bỏ tá tràng rồi sau đó nối đoạn lưu thông giữa tụy và ruột non, ống gan chung ruột non với dạ dày ruột non tạo thành một hệ thống tiêu hóa thức ăn bình thường. Với khối u ở thân và đuôi tụy: thường được áp dụng trong trường hợp khối u di căn đến ổ bụng hoặc những cơ quan xa. Với phương pháp này, bác sĩ cắt bỏ đuôi tụy hoặc phần đuôi và một phần thân tụy, có thể cắt bỏ lá lách nếu có khối u lan đến.
Xạ trị: sử dụng tia năng lượng cao hoặc chất phóng xạ để tiêu diệt tế bào ung thư tuyến tụy. Bệnh nhân thường được chỉ định xạ trị trước hoặc sau phẫu thuật để bổ trợ cho phẫu thuật đạt hiệu quả cao hơn. Với trường hợp khối u không thể cắt bỏ hoàn toàn hay phương pháp phẫu thuật của bệnh đã phát triển đến giai đoạn muộn thì có thể áp dụng biện pháp xạ trị kết hợp với hóa trị để giảm nhẹ triệu chứng cho người bệnh.
Hóa trị: tiêu diệt tế bào ung thư bằng các loại thuốc tiêm truyền tĩnh mạch hoặc đường uống. Đây là phương pháp được sử dụng khi ung thư tuyến tụy di căn đến những cơ quan khác của cơ thể và có thể kết hợp với xạ trị để tăng hiệu quả điều trị bệnh. Ngoài ra, phương pháp này còn có thể sử dụng sau phẫu thuật để tiêu diệt những tế bào ung thư còn lại và làm giảm nguy cơ tái phát ung thư tuyến tụy.
Điều trị trúng đích (điều trị nhắm mục tiêu): sử dụng các loại thuốc điều trị ung thư bằng cách tấn công các tế bào ung thư và không ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh, góp phần hỗ trợ điều trị ung thư hiệu quả và làm giảm đáng kể tác dụng phụ trên bệnh nhân ung thư tuyến tụy. Ở giai đoạn muộn, phương pháp này thường được kết hợp với hóa trị để nâng cao hiệu quả điều trị bệnh.
BS. Hoàng Văn Thái