Phụ tử có vị cay (tân), đắng (khổ) có độc, đại nhiệt thuần dương, tính phù mà không trầm vì vậy khi dùng Phụ tử, nó tẩu tán, thông hành 12 kinh mạch, không đến cố định nơi nào (vô sở bất chí). Phụ tử có chức năng dẫn các vị thuốc bổ khí để dẫn dương quy nguyên, dẫn thuốc bổ huyết để tư nguyên âm bất túc, dẫn các vị thuốc phát tán để khai tấu lý, để trừ phong hàn ở biểu (cùng Sinh khương, Quế chi ôn kinh, tán hàn phát hãn), dẫn thuốc ôn noãn xuống hạ tiêu, trừ hàn thấp tại lý.
Phụ tử dùng để trị thương hàn ở 3 kinh âm (tam âm thương hàn). Người ta cho rằng, Phụ tử là thuốc trị âm chứng. Thương hàn truyền biến qua 3 kinh âm, hàn vào bên trong, thân tuy rất nóng mà mạch lại trầm tế, hoặc quyết âm phúc bệnh, môi xanh tím, co quắp cần dùng Phụ tử ngay. Nếu trường hợp âm cực dương kiệt mà tán dùng Phụ tử sẽ làm trì hoãn sự thoát dương. Lý Đông Viên trị chứng âm thịnh cách dương (chứng mà âm quá thịnh gây ngưng tắc bên trong, khiến âm dương vị tế, dương vượt lên gây ra giả nhiệt), tuy thương hàn mà mặt đỏ mắt đỏ (diện xích mục xích), phiền khát, mạch nhanh nổi, khi ấn xuống thì tán ngay, dùng Khương Phụ thang gia Nhân sâm, ra mồ hôi là đỡ, thật là thần kỳ!
Phụ tử trị trúng hàn trúng phong, khí quyết đàm quyết (người hư hàn mà quyết nên dùng). Trị ho (khái nghịch) do phong hàn. Trị nôn mửa (ẩu uế) do vị hàn. Trị chứng tắc nghẽn tiêu hóa do hàn đàm vị lãnh dùng Can khương, Phụ tử, Nhân sâm, Bạch truật. Trị chứng tiết tả do chân hỏa bất túc. Trị chứng hoắc loạn chuyển cân do hàn khách tại trung tiêu tỳ vị (hoắc loạn, có nghĩa là trên thổ dưới tả) hoặc hạ tiêu can thận (chuyển cân, do thổ tả quá nhiều gây mất nước, điện giải sinh ra co quắp), hoắc loạn do nhiệt cấm dùng. Trị các bệnh khác như đau nhức xương khớp (phong tý), trưng hà tích tụ, bệnh của Đốc mạch, bệnh lý cột sống, trẻ em hoảng sợ, mụn nhọt lở loét không lành… những chứng trên do hàn lãnh gây ra (âm thịnh chủ nội hàn, dương hư sinh ngoại hàn).
Vị thuốc phụ tử. (Ảnh: Internet)
Phụ tử có tác dụng trợ dương thoái âm, trừ tà trừ quỷ (theo Bản thảo vị tải), thông kinh đả thai (thông kinh lạc, phá hỏng thai). Các bệnh thuộc âm chứng thường dùng Can khương, Phụ tử nên uống nguội đây là pháp nhiệt nhân hàn dụng. Khi Âm hàn ở phía dưới, hư hỏa vượt lên, biểu hiện giả nhiệt, dùng các thuốc hàn làm âm càng thịnh, nếu dùng các thuốc nhiệt, mà uống nóng thì cự cách bất nạp, dùng thuốc nhiệt mà uống nguội hoặc lạnh thì thuốc đi xuống mà hạ được ách nghịch, khi hàn trong cơ thể đã tiêu, dương được dẫn xuống, đây là sự vi diệu của phép phản trị.
Cũng như thuốc hàn uống nóng điều trị nhiệt chứng, đó được gọi là hàn nhân nhiệt dụng, nghĩa cũng tương đồng. Theo nội kinh: “Chính giả chính trị, phản giả phản trị”. Như dụng hàn trị nhiệt, dụng nhiệt trị hàn, đó là pháp chính trị. Như lấy hàn trị hàn, lấy nhiệt trị nhiệt, đó là phép phản trị hay còn gọi là tòng trị. Vương Hiếu Cổ cho rằng: “Dùng Phụ tử để bổ hỏa, cần phòng cạn thủy. Như người âm hư, uống thuốc bổ dương lâu ngày, hư hỏa càng vượt, chân âm càng hư tổn, làm khô tinh huyết, khí không có nơi nương tựa, tình trạng bệnh càng trầm trọng hơn.”
Củ cái được gọi là Ô đầu, củ con mọc ra được gọi là Phụ tử. Phụ tử sống thì có tính phát tán, dùng chín có tác dụng tuấn bổ. Trong bài thuốc Ma hoàng Phụ tử Tế tân thang, Phụ tử chế phối với Ma hoàng với ý nghĩa trong phát có bổ. Bài thuốc tứ nghịch thang dùng Sinh Phụ tử phối với Can khương với ý nghĩa trong bổ có phát. Phụ tử có tính tẩu tán không cố định (tẩu nhi bất thủ), đi xuống 1 cách dũng mãnh, hành được cái trệ của Địa hoàng.
Phụ tử vị cam khí nhiệt, tuấn bổ nguyên dương. Trường hợp dương vi muốn tuyệt, cần hồi sinh khởi tử, không thể không dùng Phụ tử, như Trương Trọng Cảnh dùng Tứ nghịch thang, Chân vũ thang, Bạch thông thang… Là những phương thuốc có Phụ tử trong thành phần.
Theo y học cổ truyền, người ta thường dùng các bài cổ phương như Khí hư dùng Tứ quân tử thang, huyết hư dùng Tứ vật thang, hư nhiều thì gia thêm thục Phụ tử. Tứ quân, Tứ vật là những phương thuốc bổ bình hòa, khoan hoãn, còn Phụ tử là vị thuốc tuấn bổ, giúp tăng công lực bổ hư.
Cách chế Phụ tử:
– Ngâm nước, nướng trong tro nóng cho nứt vỏ ngoài, nhân lúc nóng thì thái thành phiến, sao vàng, khử được hỏa độc.
– Cũng phương pháp như trên, dùng Cam thảo 2 tiền (10g), nước muối, nước ép Gừng (Khương trấp), Đồng tiện (nước tiểu trẻ em) mỗi thứ nửa bát, nấu chín. Có thể dùng thêm đậu đen để chế cùng cũng rất tốt.
– Diêm phụ: Phụ tử chế với Đảm ba (MgCl2), muối ăn (NaCl), nước.
– Bạch Phụ tử: Phụ tử chế với Đảm ba (MgCl2), đến hết cay tê, xông diêm sinh.
– Hắc phụ: Phụ tử chế với Đảm ba (MgCl2), đường đỏ, dầu hạt cải đến hết cay tê.
Phụ tử úy Nhân sâm, Hoàng kỳ, Cam thảo, Phòng phong, Tê giác, Lục đậu, Đồng tiện. Phản Bối mẫu, Bán hạ, Quát lâu, Bạch cập, Bạch liễm. Sinh Phụ tử là thuốc độc bảng A, chỉ nên dùng Phụ tử chế (4 – 12g) tùy vào mục đích điều trị mà dùng kiểu chế và liều lượng thích hợp. Độc của Phụ tử dùng nước sắc Hoàng Liên, Tê giác (có thể thay bằng Thủy Ngưu giác), Cam thảo, nước Hoàng thổ để giải.
Ô đầu có công dụng tương tự Phụ tử nhưng yếu hơn. Phụ tử tính nặng và mạnh hơn, ôn tỳ thoái hàn. Ô đầu tính khinh sơ, ôn tỳ thoái phong. Bởi vậy, bệnh do hàn dùng Phụ tử, bệnh do phong dùng Ô đầu.
Đầu nhọn của Ô đầu, Phụ tử (Ô Phụ tiêm) có tác dụng thổ (nôn) phong đàm, trị điên giản.
Tiến sĩ – Lương y Phùng Tuấn Giang
(Thọ Xuân Đường)