Trong các điều tra về thực trạng sức khỏe răng miệng những năm gần đây, tỷ lệ mất răng ở người Việt Nam vẫn còn ở mức cao: 10% số người nghiên cứu bị mất răng. Nghiên cứu năm 2011 cho thấy, ở người cao tuổi, tỷ lệ mất răng ở mức cao: 81,12% trong đó có 51% người bị mất răng chưa được làm răng giả bao giờ, số lượng răng mất trung bình là 5,93 răng/người. Để khắc phục những răng đã mất, cấy ghép implant ra đời. Tuy nhiên, việc chăm sóc sau phẫu thuật cần được bệnh nhân tuân thủ, tránh tình trạng viêm sau cấy ghép.
Trước thực trạng đó, các phương pháp phục hình răng đã mất cho bệnh nhân cũng được đầu tư nghiên cứu và có những tiến bộ lớn, đáng kể nhất là implant nha khoa. Các bệnh nhân sẽ được đặt 1 trụ implant vào trong xương hàm với các đường kính và chiều dài tùy theo chỉ định của bác sĩ. Thông thường, sau khoảng thời gian từ 2 – 6 tháng, trụ implant ổn định, các răng giả sẽ được lắp lên trên. So với các phương pháp phục hình khác, phương pháp này đem lại cho bệnh nhân hiệu quả ăn nhai, phát âm tốt hơn, thẩm mỹ và nhỏ gọn. Đặc biệt là với những bệnh nhân lớn tuổi mất nhiều răng đây thực sự là cuộc cách mạng. Các bệnh nhân sẽ được thăm khám các yếu tố ở trong miệng, chụp Xquang vùng xương hàm cần đặt implant, xét nghiệm các yếu tố về máu và hội chẩn với các chuyên khoa khác trong trường hợp cần.
Những điều cần lưu ý
Tuy nhiên, để hiệu quả được lâu dài, bác sĩ cũng như bệnh nhân phải có những lưu ý về quy trình, kỹ thuật và theo dõi, chăm sóc. Nếu không bệnh nhân có thể bị bệnh viêm quanh implant mà biểu hiện của nó là: lợi sưng đỏ, dễ chảy máu, đau, lung lay implant và tăng dần, có thể chảy mủ, tiêu xương xung quanh implant trên phim Xquang và hậu quả lâu dài là thất bại implant, implant bị rơi khỏi xương hàm.
Nguyên nhân do đâu?
Viêm quanh implant do vi khuẩn và các yếu tố thuận lợi. Chúng được hình thành cả về phía bác sĩ và bệnh nhân. Hiện tượng mất đỉnh xương hàm được các bác sĩ chỉ ra là do: chấn thương khi phẫu thuật, chịu lực quá tải khi mang răng giả, nhiễm khuẩn. Mặt khác, cũng cần lưu ý viêm quanh implant là tiến triển bệnh nặng nề hơn của viêm niêm mạc quanh implant. Nếu chỉ viêm niêm mạc, bệnh nhân chỉ có biểu hiện lợi viêm nề đỏ, không có túi lợi nghĩa là không có mất bám dính, tiêu xương. Trường hợp này chỉ cần loại bỏ mảng bám vi khuẩn là được.
Phục hình hàm giả toàn phần tựa trên 4 implant (trái), phục hình 1 răng tựa trên implant (phải).
Chữa trị thế nào?
Về phía bác sĩ, từ khâu khám chẩn đoán đã phải lập kế hoạch chi tiết cho từng bệnh nhân ở các giai đoạn. Giai đoạn chuẩn bị phẫu thuật thường là: hướng dẫn bệnh nhân vệ sinh răng miệng đúng cách, kiểm soát mảng bám răng, điều trị viêm lợi, viêm quanh răng, các áp-xe hay biến chứng nhiễm trùng vùng cuống răng, dùng kháng sinh và dung dịch súc miệng dự phòng… Giai đoạn phẫu thuật phải tuân theo nguyên tắc tiệt trùng và vô trùng, đúng qui trình và yêu cầu kỹ thuật của đặt implant. Phòng phẫu thuật phải có hệ thống khử khuẩn bằng tia cực tím, rửa tay đúng quy trình, không phẫu thuật chung với bệnh nhân có nguồn nhiễm khuẩn…
Sau phẫu thuật, tùy theo bệnh nhân mà bác sĩ phải có chỉ định thích hợp về kháng sinh, dung dịch súc miệng, chế độ chăm sóc răng miệng, ăn uống. Giai đoạn lắp phục hình: khi gắn trụ phải dùng gel có yếu tố khử khuẩn là chlohexidine. Giai đoạn tái khám và chăm sóc: Trong 1 năm đầu các bác sĩ thường hẹn bệnh nhân khám lại 2- 3 tháng/lần, trong các năm tiếp theo là 6 – 12 tháng/lần. Với các biểu hiện sớm của viêm quanh implant như lợi sưng đỏ, có túi lợi quanh implant, các bác sĩ thường vệ sinh, nạo túi, làm nhẵn bề mặt và loại bỏ các yếu tố nguy cơ. Với các biểu hiện nặng hơn có thể phẫu thuật làm sạch, phẫu thuật nạo túi lợi, ghép mô liên kết khi có chỉ định và kết hợp dùng kháng sinh tại chỗ – toàn thân. Dụng cụ nạo phải là dụng cụ chuyên dụng sử dụng bằng máy hoặc bằng tay làm bằng các vật liệu: nhựa, grafite, teflon, titan, vàng.
Còn với trường hợp implant lung lay mức độ 3: lung lay theo chiều ngang trên 0,5mm; mức độ 4: lung lay theo cả chiều ngang và dọc mà mắt thường nhìn thấy được thì nên tháo bỏ implant, vệ sinh cho bệnh nhân và chờ liền thương để lên kế hoạch đặt implant khác.
Về phía bệnh nhân: Quan trọng nhất là phải tuân thủ theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ, tái khám đúng lịch, chăm sóc răng miệng đúng phương pháp. Khi chăm sóc răng miệng, tuyệt đối không dùng tăm hoặc các dụng cụ thô bạo dễ làm sang chấn mô lợi, tạo viêm và mất bám dính. Các dụng cụ thường được dùng là: chỉ tơ nha khoa, chỉ chuyên dụng, bàn chải kẽ, bàn chải búi, máy xịt nước (tăm nước), nước súc miệng có chlohexidine 1,2%.
TS. Đàm Ngọc Trâm (Trung tâm kỹ thuật cao khám chữa bệnh Răng Hàm Mặt(Viện Đào tạo răng hàm mặt- Đại Học Y)