điều trị bằng Đông y hai chứng thường gặp: Xơ cứng động mạch não và xơ cứng động mạch vành.
Nhiễm mỡ xơ mạch là một bệnh mạn tính của động mạch kéo dài hàng chục năm, gặp nhiều nhất ở lứa tuổi từ 50 – 70, dưới 20 tuổi cũng có thể bắt đầu phát hiện bệnh và sau 70 tuổi bệnh giảm dần. Bệnh lý chủ yếu là hai quá trình thoái hóa và tăng sinh cùng diễn tiến ở thành mạch, làm cho thành mạch dày lên và xơ cứng, mất tính đàn hồi và hẹp lòng mạch, cản trở tuần hoàn. Nhiễm mỡ và xơ hóa thành mạch bắt nguồn từ sự rối loạn chuyển hóa mà chủ yếu là sự rối loạn chuyển hóa lipid trong cơ thể.
Thành mạch dày lên và xơ cứng, hẹp lòng mạch
Xơ cứng động mạch não
Các thể bệnh thường gặp và điều trị như sau:
Can thận âm hư, can phong thịnh (thể bệnh thường gặp nhất):
Thường ngày người bệnh cảm thấy chóng mặt, váng đầu, tai ù, họng khô, bứt rứt, ít ngủ hay nằm mộng, lưng gối nhức mỏi, chất lưỡi đỏ khô, mạch huyền tế sác. Trường hợp nặng, chóng mặt gia tăng, đầu đau giật hoặc đau tức khó chịu, chân tay tê hoặc run giật, bước đi không vững có khi ngã quỵ, liệt nửa người, mất tiếng nói… Phương pháp chữa: Tư âm tiềm dương, bình can tức phong.
Bài thuốc “Thiên ma câu đằng ẩm hợp Kỷ cúc địa hoàng hoàn gia giảm”: thiên ma 8g, câu đằng 12g, chế hà thủ ô 12g, câu kỷ tử 12g, bạch thược 12g, qui bản 16g, (đập vụn, sắc trước), tang diệp 12g, cúc hoa 12g, bạch tật lê 12g, trân châu mẫu (bột mịn, hòa thuốc) 0,5g, thạch quyết minh, sinh mẫu lệ mỗi thứ 16g (sắc trước), sắc uống ngày 1 thang.
Đàm trở huyết ứ:
Bệnh nhân váng đầu chóng mặt đau đầu nặng không di chuyển, đầu đau như bị bó chặt, tức ngực buồn nôn, tinh thần lạnh nhạt, tai ù tai điếc có lúc nói khó, nhẹ thì đần độn hay quên, nặng thì trầm cảm ít nói hoặc giận tức thất thường, chất lưỡi xạm rêu trắng nhớt, mạch huyền hoạt. Phương pháp chữa: hóa đàm khai khiếu, hoạt huyết hóa ứ.
Bài thuốc “Đạo đàm thang hợp Huyết phủ trục ứ thang gia giảm”: Chế bán hạ 8g, bạch truật 12g, thiên ma 8g, phục linh 12g, trạch tả 12g, viễn chí 6g, thạch xương bồ 12g, quất hồng 8g, đơn sâm 12g, sắc uống ngày 1 thang. Trường hợp đàm ứ hóa nhiệt, mồm đắng rêu vàng nhớt thêm hoàng liên, hoàng cầm, mỗi thứ 12g; táo bón thêm đại hoàng 4g, đào nhân 8g; khí hư ngắn hơi, mệt nhiều thêm nhân sâm 10g, hoàng kỳ 15g.
Khí huyết lưỡng hư:
Váng đầu, chóng mặt, hồi hộp hay quên, ít ngủ, mộng nhiều, mệt mỏi, hơi thở ngắn, ăn kém, bụng đầy dễ tiêu chảy, chất lưỡi nhạt, mạch trầm tế hoặc tế sáp. Phương pháp chữa: ích khí dưỡng huyết, hoạt huyết thông mạch.
Bài thuốc “Quy tỳ thang gia giảm”: nhân sâm (sắc riêng) 6g, (có thể thay bằng đảng sâm 15g), hoàng kỳ 16g, đương quy 12g, bạch truật 12g, bạch thược 12g, phục linh 12g, long nhãn nhục 12g, chế thủ ô đỏ 12g, a giao 8g, xuyên khung 8g, đơn sâm 12g, sơn tra 6g. Sắc uống ngày 1 thang.
Thận dương bất túc:
Váng đầu ù tai, chân tay lạnh, sợ lạnh, lưng gối nhức mỏi hoặc mặt và chân tay phù, hay quên, đần độn, tiểu trong, đêm tiểu nhiều, thân lưỡi bệu, mạch trầm trì tế nhược. Phương pháp chữa: Ích thận ôn dương.
Bài thuốc “Địa hoàng ẩm tử gia giảm”: ba kích thiên, thỏ ty tử, ích trí nhân mỗi thứ 12g, nhục thung dung 12g, tiên linh tỳ (dâm dương hoắc) 10g, thục địa 16g, lộc giác giao 8g (hòa uống), câu kỷ tử 10g, thạch hộc 12g, phục linh 12g, sơn tra 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
Đương quy, xích thược, xuyên khung được sử dụng trong bài thuốc Huyết phủ trục ứ thang hợp Qua lâu phỉ bạch bán hạ thang
Xơ cứng động mạch vành
Các thể bệnh thường gặp và điều trị như sau:
Tâm khí âm lưỡng hư (thường gặp vào thời kỳ đầu):
Ngực hoặc vùng thượng vị đầy tức, ngắn hơi hồi hộp, mệt mỏi, vận động mệt tăng thêm, mồm khô bứt rứt, chất lưỡi đỏ, rêu mỏng ít tân dịch, mạch huyền tế hoặc tế sác. Phương pháp chữa: Ích khí dưỡng tâm, bổ tâm hoạt huyết.
Bài thuốc “Sinh mạch tán hợp chích cam thảo thang gia giảm”: nhân sâm 8g, mạch môn 12g, sinh địa 12g, ngũ vị tử 6g, quế chi 4g, đơn sâm 12g, đương qui 12g, sơn tra 6g, chích cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang. Hơi thở ngắn mệt nhiều thêm hoàng kỳ 16g, mất ngủ nhiều thêm toan táo nhân (sao) 16g, viễn chí 6g, hoàng liên 4g, ngực đau nhiều thêm toàn qua lâu 12g, uất kim 8g, thanh bì 6g, sâm tam thất (bột mịn, hòa uống) 2g.
Huyết ứ đàm trệ:
Nặng ngực đau tức như dao đâm, khó thở, chất lưỡi tím thâm, mạch huyền hoặc kết đại, hoặc rêu lưỡi dày nhớt, mạch hoạt. Phương pháp chữa: Lý khí hoạt huyết hóa đàm.
Bài thuốc “Huyết phủ trục ứ thang hợp Qua lâu phỉ bạch bán hạ thang”: Đương quy12g, xích thược 12g, xuyên khung 8g, đơn sâm 12g, hồng hoa 10g, uất kim 8g, toàn qua lâu 8g, phỉ bạch 8g, thanh bì 8g, phục linh 12g, trần bì 8g, chỉ xác 8g, chế bán hạ 8g, quế chi 6g. Sắc uống ngày 1 thang.
Tâm thận dương hư:
Đau thắt ngực khó thở, tim hồi hộp, ra mồ hôi trộm, tay chân lạnh, sợ lạnh, thân lưỡi nhạt bệu, mạch trầm tế hoặc kết đại. Nặng có thể hôn mê. Phương pháp chữa: Bổ tâm, ôn thận, ích khí, trợ dương.
Bài thuốc “Sâm phụ thang hợp Sanh mạch tán gia giảm”: nhân sâm 6g, chế phụ tử 8g (sắc trước), mạch môn 12g, ngũ vị tử 6g, quế chi 6g, sinh long cốt 12g, sinh mẫu lệ 12g. Sắc uống ngày một thang.
Chế độ sinh hoạt
Đối với bệnh nhiễm mỡ xơ mạch phòng bệnh là cực kỳ quan trọng vì khi đã mắc bệnh thì khả năng của điều trị rất hạn chế. Việc phòng bệnh cần thực hiện phải từ lúc còn trẻ và suốt cuộc đời, chủ yếu là loại trừ các yếu tố nguy cơ. Các biện pháp phòng bệnh cơ bản nhất là:
Chế độ ăn đủ đạm và rau xanh, trái cây chín tươi là nguồn cung cấp vitamin, ion K+, Mg++, các chất chống oxy hóa, các sợi xơ. Cần quan tâm đến vitamin E là một chất chống oxy hóa liên quan đến phòng xơ mỡ, vitamin E làm biến đổi thành phần cấu tạo các Lipoprotein trong máu theo chiều hướng có lợi cho cơ thể, tăng trữ lượng Alpha cholesterol và Apolipoprotein A, giảm Apolipoprotein B. Thiếu vitamin E có thể gây thoái hóa tế bào thần kinh, gây tổn thương nhu mô gan, các cơ vân cơ tim bị thoái hóa, các mao mạch dễ vỡ, độ thẩm thấu tăng. Vitamin E có nhiều trong thức ăn thảo mộc và trong các loại dầu như dầu mộng lúa mì, dầu hướng dương, dầu bắp, dầu đậu phộng, đậu nành… Chất xơ ngoài tác dụng chống táo bón, tác dụng quan trọng chống xơ mỡ là giữ cholesterol lại trong ống tiêu hóa, làm hạ cholesterol tự do trong máu, làm giảm nồng độ Lipoprotein nhóm LDL, VLDL, Triglycerid trong máu. Hạn chế chất béo động vật có nhiều cholesterol như mỡ, bơ, lòng đỏ trứng, thay bằng dầu thực vật, người trên 40, 50 tuổi nên ăn hoàn toàn dầu thực vật (trừ dầu dừa) có hàm lượng cao về chất béo nhiều lần không no. Người mập không nên ăn nhiều đường, bữa cơm tối không nên ăn quá nhiều dễ gây béo phì.
Thực hiện chế độ tập luyện thể lực thường xuyên, tự xoa bóp cơ bắp, tập dưỡng sinh, khí công hoặc Thái cực quyền thường xuyên, đi bộ mỗi ngày với mức độ phù hợp với sức khỏe của mỗi người đối với người lao động trí óc.
Mỗi người tự xây dựng cho mình một nếp sống thoải mái, không để tinh thần căng thẳng, biết nói “không”: không lo nghĩ nhiều, không buồn phiền, không tức giận, không sợ hãi.
LY.DS. BÀNG CẨM