mà theo các chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương là do căn bệnh rối loạn phân ly, khiến dư luận, đặc biệt là các bậc phụ huynh khá lo lắng. Vậy cần làm gì để phòng ngừa bệnh này cho trẻ?
Rối loạn phân ly là gì?
Các rối loạn phân ly là rối loạn tâm thần có đặc điểm chủ yếu là rối loạn các chức năng về ý thức, trí nhớ, bản sắc, nhận thức về môi trường và vận động, có thể xuất hiện đột ngột, từ từ và tiến triển nhất thời hay mạn tính.
Tỷ lệ người mắc các rối loạn này chiếm dưới 0,3-0,5% dân số. Nó thường phát sinh ở tuổi trẻ, nữ nhiều hơn nam. Trong các điều kiện không thuận lợi về tinh thần cũng như thể chất, các rối loạn này có thể phát thành “dịch” trong một tập thể lớn. Điều đó lý giải vì sao mà 9 em học sinh tiểu học ở Bắc Kạn có những biểu hiện như nhau. Ở nước ta, các rối loạn này đã phát triển có tính chất tập thể trong các đội nữ thanh niên xung phong ở Quảng Bình năm 1968. Biểu hiện cụ thể là có khoảng 30-50% nữ thanh niên trong đội xuất hiện các cơn rối loạn phân ly như cơn khóc, cơn cười, cơn kêu la tập thể làm rúng động cả một khu rừng trong điều kiện chiến tranh ác liệt. Trong vài năm trở lại đây, hiện tượng này cũng đã xuất hiện rải rác ở các học sinh nữ trung học phổ thông ở một số tỉnh nước ta, tuy nhiên đây là lần đầu tiên chúng ta gặp ở lứa tuổi tiểu học.
Các hoạt động ngoại khóa giúp các em cân bằng về tâm lý (ảnh minh họa).
Biểu hiện và nguyên nhân
Biểu hiện rối loạn phân ly: Biểu hiện triệu chứng lâm sàng của các rối loạn phân ly vô cùng đa dạng, có thể là triệu chứng cơ thể, các triệu chứng về thần kinh, tâm thần, có thể giống với triệu chứng của các loại bệnh khác nhau nhưng lại chẳng giống bệnh nào. Đặc điểm lâm sàng thể hiện ở các rối loạn kịch phát như các cơn lớn giống cơn co giật động kinh, cơn ngất, biểu hiện run hay cơn vận động bất thường giống như múa vờn, cơn ngáp, cơn nấc, quên đột ngột; các rối loạn kéo dài như rối loạn vận động – co cứng cơ như liệt chức năng, ví dụ chứng mất đứng – mất đi, các rối loạn cảm giác hay giác quan như mù, điếc, mất nói… rối loạn nội tạng như co thắt thực quản, nôn, đau… đặc biệt là các rối loạn tâm thần như rối loạn trí nhớ, quên hoàn toàn một thời kỳ trong đời hay quên những sự kiện riêng lẻ…
Mặc dù các ca rối loạn phân ly thường gặp ở người trưởng thành, song nó vẫn được phát hiện ở trẻ em và thanh thiếu niên. Các biểu hiện thân thể được tìm thấy như chán ăn, nôn, đau bụng, đau đầu, co thắt, khóc nức, rối loạn giấc ngủ. Các nhà chuyên môn gọi là các “cơn thần kinh” như kêu khóc, ngã và lăn lộn, hưng phấn vận động. Ở trẻ em lớn hơn, có thể gặp các rối loạn như mất nói hoàn toàn, ức chế trong học tập với rối loạn ghi nhớ, quên từng phần từng khu vực, giảm chú ý, mất tiếng, các rối loạn giác quan, đi tập tễnh, liệt, đau ở các phần khác của thân thể. Cần lưu ý rằng chứng đau càng được củng cố khi được người lớn dỗ dành, cho quà và khó điều trị vì được xem như cách để gây chú ý và kiếm lời (đáp ứng, dỗ dành). Các rối loạn phân ly ở thanh thiếu niên gần giống với các rối loạn phân ly ở người lớn. Cần cảnh giác với các ý tưởng tự sát hay gặp ở thanh thiếu niên gái.
Nguyên nhân của rối loạn phân ly: Nguyên nhân chủ yếu của các rối loạn phân ly là các chấn thương tâm lý hoặc hoàn cảnh xung đột. Đó là những chấn thương gây cảm xúc mạnh như lo sợ cao độ, tức giận quá mức, thất vọng nặng nề… Các rối loạn này có xu hướng phát sinh một thời gian ngắn sau khi chấn thương nhưng đôi khi rất khó nhận ra nguyên nhân chấn thương do tái phát nhiều lần. Các nhân tố thuận lợi thúc đẩy rối loạn phân ly phải kể đến trước hết là những người có loại hình thần kinh yếu, thiếu tự chủ, thiếu kiềm chế, thích được chiều chuộng, phô trương, tinh thần chịu đựng khó khăn kém.
Biện pháp hỗ trợ và phòng ngừa
Liệu pháp tâm lý được coi là liệu pháp có hiệu quả nhất trong việc điều trị rối loạn phân ly. Việc nâng đỡ tâm lý, lắng nghe giao tiếp giúp bệnh nhân kiểm soát được các hành vi là hết sức quan trọng. Ngoài ra, liệu pháp hóa dược như một số thuốc chống trầm cảm, lo âu có thể dùng để phụ trợ liệu pháp tâm lý. Vì các rối loạn phân ly có các rối loạn giống như tất cả các bệnh nên cần được chẩn đoán một cách cẩn thận và chặt chẽ. Cụ thể là cần phát hiện các sang chấn tâm lý và quan hệ thời gian giữa sang chấn và sự xuất hiện các rối loạn. Tiếp theo, cần khám xét, thăm dò tiền sử cá nhân và gia đình, hội chẩn chuyên khoa để loại trừ các bệnh thần kinh, bệnh nội khoa, bệnh tai mũi họng. Ngoài ra, cần tìm hiểu các nét tính cách như thích phô trương, thích chiều chuộng, khả năng chịu đựng kém, dễ bị ám thị ở bệnh nhân.
Xã hội hiện đại với nhịp sống hối hả, vội vã, những áp lực của cuộc sống như học tập, kinh tế, con cái, bệnh tật… là không thể tránh khỏi. Vì vậy, việc chăm lo đến đời sống tinh thần và sức khỏe tinh thần là điều hết sức quan trọng. Để phòng ngừa rối loạn phân ly nói riêng và các rối loạn tâm lý khác như stress, lo âu, trầm cảm, chúng ta cần thực hiện một lối sống khoa học và lành mạnh.
Đối với trẻ nhỏ, cần hỗ trợ giáo dục trẻ hình thành và phát triển trở thành một nhân cách tự chủ độc lập, phát triển hài hòa về thể chất và trí tuệ.
Đối với thanh thiếu niên, gia đình và nhà trường cần quan tâm, động viên, chia sẻ, giảm tải áp lực học tập cũng như tạo mối quan hệ tích cực giữa cha mẹ và con cái, giữa giáo viên và học sinh.
Bên cạnh việc cung cấp các kiến thức học tập, nhà trường cần triển khai và rèn luyện cho học sinh các tri thức, kỹ năng trong đời sống, cần tổ chức các hoạt động ngoại khóa sôi nổi. Ngoài ra, các trường học cần có những nhà tâm lý học đường phối hợp với các giáo viên để phát hiện hỗ trợ, nâng đỡ kịp thời cho trường hợp học sinh có biểu hiện tâm lý khác lạ.
Một thực trạng nữa là hiện nay, sự phát triển của công nghệ thông tin kéo theo vô vàn những hệ lụy của nó khiến trẻ “nghiện” điện tử, điện thoại, ipad… Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của trẻ như ngại giao tiếp, mất ngủ, lo âu, biểu hiện hành vi hung tính, dễ nổi nóng… Do vậy, gia đình cần thảo luận với con trẻ để thống nhất thời gian sử dụng các phương tiện công nghệ này.
ThS. tâm lý Nguyễn Như Phương