Phòng hơn chữa…

Trong số các dị tật bẩm sinh,
bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em là một trong các bệnh được xếp vào hàng bệnh nặng.
Một trong các nguyên nhân gây nên là do tác động xấu từ bên ngoài môi trường.
Vậy đừng đợi mắc bệnh rồi đi chữa, hãy dự phòng ngay từ khi em bé chưa được
sinh ra…

Bệnh tim bẩm sinh là gì?

Bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em là
tất cả các dị tật bẩm sinh ở tim có từ lúc mới sinh ra. Những dị tật này là kết
quả phát triển không hoàn thiện của tim từ khi chúng còn trong bụng mẹ và lúc
chào đời đứa bé đã mang trên mình một gánh nặng bệnh tật.

Phòng hơn chữa… 1

Tiêm phòng vaccin  trước khi mang thai phòng các bệnh lý mắc
phải từ người mẹ

Có một bảng liệt kê rất dài
các dị tật, khuyết thiếu, dị dạng ở tim trẻ em. Có thể nói một cách khái lược
rằng đó là các dị tật xuất hiện làm thay đổi hoạt động của tim. Sự phân định
máu động mạch (hay máu đỏ tươi) với máu tĩnh mạch (hay máu đỏ xẫm) không còn
mang tính rạch ròi. Nó bị trộn lẫn, hòa vào nhau ở nhiều mức độ khác nhau và
tạo nên nhiều tồn dư về sau. Bên cạnh đó, các thành, vách, van, cơ, động mạch
ra vào đều không còn nguyên hình dạng chuẩn mực. Chúng bị biến dạng, thay đổi,
thừa hoặc thiếu dẫn đến tim nhanh chóng bị suy. Người ta hay gọi với một thuật
ngữ là tim “to” ra, bị giãn ra, yếu đi, không còn khả năng co bóp tối ưu. Đó là
tim rất yếu.

Đa phần các trẻ em này đều
thể hiện bệnh rõ nét ngay từ lúc được vài tuổi và lúc bắt đầu đến trường. Lứa
tuổi mà các em ham chơi, chạy nhảy và vận động thể lực. Lúc đó bệnh bắt đầu thể
hiện rõ.

Bệnh tim bẩm sinh hoàn toàn
có thể chữa được. Nó chỉ đơn thuần là sự chỉnh sửa lại những thay đổi về cấu
trúc. Các biện pháp điều trị triệt để bao gồm phẫu thuật tim qua da, phẫu thuật
tim mở và ghép tim. Mỗi một biện pháp có một chỉ định riêng, một ưu điểm và
nhược điểm riêng.

Những nguy cơ nổi cộm

Cơ chế gây ra bệnh tim bẩm
sinh là do các rối loạn phát triển tế bào trong quá trình hình thành tim mà
nguyên nhân sâu xa được quy kết là do sự rối loạn gen trong bào thai. Không
phải tất cả các gen đều bị rối loạn, song một số gen bị rối loạn đã gây ra tim
bẩm sinh.

Có rất nhiều yếu tố gây ra đột
biến gen. Một số yếu tố nguy cơ sau đây mang tính chất trọng điểm.

Nhóm nguy cơ thứ nhất đề cập
đó là nguy cơ gia đình hay sự di truyền từ bố mẹ. Đây là nguy cơ đầu tiên cần
phải xem xét. Người ta ước tính thấy rằng, trong số các đứa trẻ bị bệnh tim bẩm
sinh, nếu như trong gia đình có người bị khuyết tật ở tim thì chúng có nguy cơ
mắc bệnh cao hơn 50% so với người bình thường.Đây là nguy cơ rất cao trong y
học và rất đáng cảnh báo.

Nhóm nguy cơ thứ hai là các
chất hóa học mà người mẹ mắc phải trong quá trình mang thai. Các chất độc hóa
học có từ môi trường, các chất từ rác thải và chất có từ thuốc điều trị. Trong
quá trình mang thai, người mẹ bị phơi nhiễm với các chất hóa học không thích
ứng, hiện tượng tim bẩm sinh có thể xảy ra. Sở dĩ gọi là chất hóa học không
thích ứng vì ngoài các chất là chất độc còn có các chất không phải là chất độc
như thuốc điều trị. Các chất hóa học không thích ứng đi vào cơ thể mẹ, làm rối
loạn quá trình phát triển của bào thai, đặc biệt ảnh hưởng đặc hiệu đến sự phát
triển và hoàn thiện của tim và khuyết tật tim xảy ra.

Các chất hóa học đáng cảnh
báo từ môi trường là chì, hóa chất trừ sâu, các dung môi hữu cơ như xăng, dầu
mỡ công nghiệp. Đây là những thứ rất phổ biến ở trong đời sống, nhất là hóa
chất trừ sâu và dung môi hữu cơ, đã được chứng minh là có liên quan chặt chẽ
tới dị tật tim bẩm sinh.

Nhóm nguy cơ thứ ba là các
bệnh lý mắc phải của mẹ xuất hiện trong quá trình mang thai. Các bệnh lý này
trong quá trình tương tác với sự phát triển của thai kỳ đã có những tác động
xấu gây ra những rối loạn cho sự phát triển thể chất của đứa trẻ.

Có rất nhiều bệnh lý có thể
gây ra dị tật ở tim cho thai nhi như đái tháo đường typ 1, bệnh lupus ban đỏ.
Một số bệnh ngoại lai như nhiễm vi rút cúm trong thời kỳ mang thai, nhiễm vi
rút rubella đều có thể gây ra khuyết tật. Mức độ gây ra dị tật của hai vi rút
này mạnh đến mức nếu bà mẹ mới mang thai mà được xác định chắc chắn là nhiễm vi
rút bằng các test miễn dịch đặc hiệu thì gần như sẽ được quyết định bỏ thai.

Ngoài các bệnh lý ngoại lai
mắc phải, sự tác động vào bà mẹ hay đứa trẻ lúc thai nghén cũng hoàn toàn gây
ra nguy cơ khuyết tật ở tim. Nếu một bà mẹ mang thai thường và một bà mẹ mang
thai qua con đường hỗ trợ thì bà mẹ mang thai can thiệp sẽ có nguy cơ bị dị tật
bẩm sinh tim ở con cao hơn gấp 40%.

Dự phòng từ trước sinh

Đợi bệnh để điều trị là rất
tai hại và rất tốn kém. Ngay cả khi đứa trẻ được phát hiện và điều trị khỏi,
chúng vẫn không thể tách khỏi thuốc điều trị. Và ngay cả khi đang dùng thuốc,
khả năng hoạt động thể lực vẫn thua kém những đứa trẻ bình thường. Vậy nên,
khôn ngoan nhất là dự phòng từ khi trước sinh. 
Các biện pháp sau người mẹ có thể áp dụng:

Trong thời gian mang thai
không tiếp xúc với người ốm, người mang mầm bệnh, nhất là người bị sốt vi rút,
bất kể đó là vi rút gì. Cần tránh tuyệt đối trong 3 tháng đầu của thai kỳ.

Nếu có thể người mẹ tiêm
phòng văc-xin trước khi mang thai. Nhớ là cần tiêm phòng trước mang thai là 3
tháng vì hiệu lực phòng bệnh của vắc -xin không thể kéo dài.

Trong thời gian mang thai
cũng hạn chế uống thuốc điều trị bệnh. Nếu bị bệnh bắt buộc phải dùng thuốc cần
thông báo với bác sỹ tình hình thai kỳ và có sự điều chỉnh cần thiết. Cần điều
trị trước các bệnh lý bà mẹ đang mắc phải ít nhất trước khi mang thai 1 tháng,
nhất là các bệnh tự miễn, bệnh khớp, bệnh đái tháo đường.

Tuyệt đối không tham gia vào
các công việc có liên quan đến hóa chất như phun thuốc trừ sâu, làm các công
việc liên quan đến xăng xe, dầu mỡ công nghiệp, kể cả khi bạn có khẩu trang làm
việc thì đó không phải là biện pháp phòng ngừa an toàn.

Bà mẹ cũng cần nhớ rằng nguy
cơ di truyền từ bệnh tim bẩm sinh là tương đối cao. Cho nên khi cả bố và mẹ đều
bị bệnh tim bẩm sinh thì nên xem xét khả năng hôn nhân. Vì như vậy khả năng thế
hệ thứ 3 (sinh con) bị bệnh tim bẩm sinh là rất lớn. Nguy cơ càng tiến tới 100%
khi cả hai bên gia đình đều có bố mẹ bị bệnh tim bẩm sinh. Tìm hiểu và bảo vệ
sức khỏe thế hệ tương lai là quyết định quan trọng tiền hôn nhân.

Trong thời gian mang thai, bà
mẹ cần đi siêu âm đầy đủ để có thể phát hiện dị tật sớm, ít nhất là 2 lần trong
thời gian đầu của thai kỳ.

BS. Yên Lâm Phúc

Rate this post