Gan nhiễm mỡ (còn gọi là thoái hóa mỡ gan) ngày càng có xu hướng gia tăng. Bệnh có thể dẫn đến xơ gan, thậm chí ung thư gan, vì vậy, không nên xem thường. Tuy nhiên, gan nhiễm mỡ có thể phòng ngừa được.
Tại sao gan bị nhiễm mỡ?
Gan được ví như một nhà máy lọc các chất độc của cơ thể đồng thời là cơ quan tổng hợp nhiều chất quan trọng cho cơ thể hoạt động bình thường. Tuy vậy, gan có thể mắc một số bệnh, trong đó có bệnh gan nhiễm mỡ. Gan nhiễm mỡ có thể do uống nhiều rượu (người nghiện rượu) hoặc mắc các bệnh về rối loạn chuyển hoá (đái tháo đường) hoặc sử dụng một số thuốc quá liều (tetracyclin, glucocorticoids, paracetamol…) hoặc do rối loạn về dinh dưỡng (hấp thu, bài tiết kém). Một số bệnh của gan rất dễ dẫn tới gan nhiễm mỡ như viêm gan, sốt rét (phá vỡ nhiều tế bào gan). Gan nhiễm mỡ có thể gặp ở người lười vận động, béo phì hoặc bị tác động xấu của tâm lý liên tục gây căng thẳng thần kinh (stress). Bên cạnh đó, gan nhiễm mỡ liên quan khá chặt chẽ đến chế độ dinh dưỡng như ăn quá nhiều chất béo, nhiều đường hoặc quá ít chất đạm trong một thời gian. Trong hầu hết các trường hợp, chất béo ứ đọng chủ yếu là triglycerit, nhưng trong một số trường hợp, phospholipid chiếm đa số. Vì vậy, nếu các chỉ số về triglycerit hoặc phospholipid vượt quá chỉ số bình thường, rất có khả năng dẫn đến gan nhiễm mỡ.
Những người béo bụng dễ mắc gan nhiễm mỡ.
Biểu hiện của bệnh
Người bị gan nhiễm mỡ hầu như không có triệu chứng gì. Một số bệnh nhân cảm thấy hơi mệt mỏi và suy nhược hoặc có cảm giác hơi tưng tức ở vùng dưới sườn bên phải. Do vậy, bệnh thường được phát hiện một cách tình cờ sau một xét nghiệm máu thường quy hoặc xác định bởi một bệnh khác thấy men gan SGOT (serum glutamic oxaloacetic transaminase), SGPT (serum glutamic pyruvic transaminase), GGT (gamma glutamyl transpeptidase) tăng cao hoặc sau khi được siêu âm, thấy gan nhiễm mỡ. Những người bị gan nhiễm mỡ đa số là không có triệu chứng gì chứng tỏ có tình trạng lắng đọng mỡ tại gan, bởi vì hiện tượng này xảy ra một cách từ từ nên các biểu hiện của nó cũng khó cảm nhận được. Chỉ khi nào tốc độ lắng đọng mỡ trong gan xảy ra nhanh, nhiều làm cho thể tích gan to ra, lúc đó bao gan sẽ căng ra và người bệnh mới có cảm giác đau tức hoặc nặng ở vùng gan. Một số trường hợp gan nhiễm mỡ nặng có thể có triệu chứng vàng da, đau bụng, buồn nôn, nôn và gan to nhẹ.
Để biết gan nhiễm mỡ cần xét nghiệm chức năng gan, mỡ máu (triglycerit, cholesterol), siêu âm gan. Để có kết quả chính xác, có thể chụp gan bằng kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính (CT), tốt hơn nữa là chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc sinh thiết gan khi thật cần thiết.
Hậu quả của gan nhiễm mỡ
Những trường hợp gan nhiễm mỡ không kèm viêm gan thường có một giai đoạn lâm sàng lành tính từ 10 – 15 năm, sau đó mới có thể xơ gan, nhưng nếu gan nhiễm mỡ ở người có tiền sử mắc bệnh viêm gan (viêm gan do virut), có đến 25% tiến triển đến xơ gan, thậm chí là ung thư gan với thời gian nhanh hơn. Nếu uống quá nhiều rượu trong một thời gian dài sẽ vượt quá khả năng xử lý chất độc của rượu làm cho gan bị nhiễm độc và dẫn đến gan nhiễm mỡ, từ đó có thể đưa đến xơ gan – một bệnh còn gặp nhiều khó khăn trong điều trị.
Nguyên tắc điều trị
Điều trị gan nhiễm mỡ là một quá trình và liên quan đến nguyên nhân gây bệnh. Khi gan đã bị bệnh (nhiễm mỡ) nếu không được điều trị đúng còn làm cho tình trạng bệnh của gan nặng thêm, vì vậy, cần được xác định bệnh và nguyên nhân gây bệnh, trên cơ sở đó sẽ được chỉ định điều trị theo phác đồ, người bệnh không nên tự mua thuốc điều trị, nhất là các loại thuốc không có nguồn gốc, chưa được công nhận của các nhà chuyên môn y dược học.
Do gan nhiễm mỡ bởi tích lũy quá nhiều lượng mỡ ở gan, do vậy, việc phòng bệnh nên lưu ý đến các nguyên nhân gây bệnh. Nếu bị thừa cân, béo phì nên áp dụng chế độ ăn hợp lý, giảm đường, mỡ, giảm các loại thực phẩm giàu cholesterol và triglycerit. Cụ thể, hạn chế dùng mỡ động vật (trừ dầu cá), hạn chế ăn phủ tạng, lòng động vật (lợn, gà, trâu, bò) thay vào đó là dùng dầu thực vật như dầu mè, dầu lạc, đậu nành… Tăng cường ăn cá vào các bữa ăn chính (mỗi tuần có khoảng từ 2 – 3 ngày ăn cá thay cho ăn thịt). Hạn chế hoặc bỏ rượu nhất là rượu tự nấu, tự pha chế. Tăng cường ăn các loại thực phẩm có tác dụng giảm mỡ máu như tỏi ta, giá đỗ, cà chua chín và ăn nhiều rau trong các bữa ăn chính, tráng miệng bằng các loại trái cây có nhiều sinh tố như cam, quýt, xoài, đu đủ, thanh long… Cần tăng cường vận động cơ thể với mọi hình thức khác nhau tùy theo điều kiện của từng người nhưng tốt nhất, dễ thực hiên nhất là đi bộ.
BS. Việt Anh