Ợ nóng là cảm giác bỏng rát trong lồng ngực, ngay sau xương ức và có cảm giác đau, nhất là khi nằm hoặc cúi xuống. Hầu hết triệu chứng này có thể khống chế được bằng việc thay đổi lối sống và dùng một số thuốc không kê đơn… Tuy nhiên nếu ợ nóng thường xuyên báo hiệu một tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn đòi hỏi người bệnh cần đi khám để được điều trị thích hợp.
Các thuốc thường dùng trị chứng ợ nóng bao gồm: Thuốc kháng acid (maalox, mylanta, gelusil… ) có tác dụng trung hòa acid trong dịch vị của dạ dày, nhanh chóng làm giảm cảm giác khó chịu cho người bệnh, nhưng chỉ là thuốc điều trị triệu chứng, cắt cơn đau; thuốc giảm sản xuất acid (cimetidin, famotidin, nizatidin, hoặc ranitidin…) có tác dụng ngăn cản bài tiết dịch vị do bất kỳ nguyên nhân nào làm tăng tiết histamin tại dạ dày. Thuốc làm giảm triệu chứng không nhanh như các thuốc kháng acid nhưng lại kéo dài hơn so với các thuốc kháng acid; các thuốc ức chế bơm proton (lansoprazol, omeprazol…).
Ngoài ra có thể khắc phục chứng ợ nóng bằng việc thay đổi lối sống như duy trì một trọng lượng cân đối, hợp lý (trọng lượng dư thừa gây áp lực lên bụng của bạn, thúc đẩy dạ dày và gây ra acid để trào lên thực quản). Ở người thừa cân hoặc béo phì, cần có kế hoạch giảm cân; mặc quần áo phù hợp (tránh bám chặt quanh eo gây áp lực lên bụng và cơ vòng thực quản dưới); tránh những đồ ăn, uống kích hoạt ợ nóng (thức ăn béo hoặc chiên, rượu, chocolate, bạc hà, tỏi, hành tây, và cà phê có thể làm cho chứng ợ nóng tồi tệ hơn; tránh ăn quá nhiều một lúc bằng cách chia thành các bữa nhỏ, không nằm ngay sau khi ăn; nên gối đầu cao khi nằm ngủ; không hút thuốc (hút thuốc làm giảm khả năng hoạt động của cơ vòng thực quản dưới)…
Ngoài ra, lo lắng và căng thẳng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng ợ nóng. Vì vậy, cần thư giãn, tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ hoặc đi xe đạp, nghe nhạc, massage… để tránh yếu tố làm trầm trọng thêm bệnh.
DS. Hoàng Thu Thủy