Mua tấp nập
Tan giờ học, tiếng trống trường vừa dứt, một nhóm học sinh nam thanh nữ tú của trường PTTH Nguyễn Huệ (Hà Đông, Hà Nội) ùa ra xúm đông lấy một cửa hàng bán nước ngọt đóng chai. Loáng cái sau, anh chị nào cũng hí hửng cầm trên tay một chai nước ngọt với đủ loại sắc màu. Không ngần ngại, các anh chị mới lớn cầm chai tu ừng ực tưởng như đang uống một loại thức uống hảo hạng.
Cùng giờ tương tự, trước cổng trường tiểu học Nguyễn Du (Hà Đông, Hà Nội) cũng mọc lên nhiều hàng quán phục vụ các bé yêu. Bởi bé nào cũng thích nước ngọt, nước sắc màu nên vừa tan giờ học, các bé lại chạy ra cổng trường và chẳng bé nào bảo bé nào, các cặp mắt long lanh đều hướng về các của hàng bán nước ngọt dạo này.
Các cháu không biết, thích đã đành, nhiều bậc phụ huynh đi đón con cũng mua cho kỳ được 1 chai nước ngọt tựa như phần thưởng. Có phụ huynh thì do con đòi quá nên mua cho con 1 chai để con uống. Có phụ huynh thì lại cố tình hỏi con có thích chai này chai kia không, mẹ mua cho. Thấy nhiều bé có, bé nhà mình cũng phải có. Và thế là hàng ngày, hàng chiều, tấp nập nước ngọt, nước hoa quả đóng chai bán dạo được chuyển tới tay trẻ thơ và được sử dụng ngon lành.
Thích vì thơm hoa quả
Tại sao các thượng khánh nhí lại thích? Bằng một cuộc khảo sát ngắn chúng tôi thu được thông tin khá thú vị tới mức ngạc nhiên.
Hỏi nhóm học sinh cấp III tại sao lại thích uống nước ngọt đóng chai như vậy? Các anh chị mới lớn trả lời hồn nhiên: uống nước ngọt phải uống nước màu mới sành điệu.
Một bạn nam gần đấy phụ họa: ngoài chuyện sành điệu và biết chơi, nước ngọt đóng chai còn dễ uống. Chú cứ thử xem, nó không những ngọt mà còn thơm lừng. Sau khi bọn cháu đá bóng xong, uống vài ngụm là thấy khỏe ngay. Thích!
Thì ra, với nhóm học sinh cấp III, một bộ phận khách hàng được đánh giá là biết thứ mình đang uống là gì, thích nước ngọt đóng chai là bởi nó tiện dụng, đã khát, tỉnh táo, khỏe khoắn và dễ uống. Nó còn là phương tiện để thể hiện đẳng cấp của mình trên tầng cây số so với bạn bè xung quanh.
Thử xem tại sao các cháu nhỏ học sinh cấp I lại thích uống nước ngọt, nước hoa quả đóng chai, chúng tôi có khảo sát ngắn. Một cháu gái lí nhí: tại nó ngọt lắm chú ạ. Một bé khác: tại nó đẹp. Cái chai xanh, cái chai đỏ, đẹp lắm. Một em bé gái gần đấy có vẻ hoạt bát: tại cháu thấy nó có mùi dứa giống như nước dứa ở nhà mẹ cháu làm. Uống ngon, có lạnh nữa, thích lắm.
Phụ huynh thì sao, họ đánh giá thế nào về nước ngọt đóng chai? Một chị trạc 32 tuổi đi đón con, đang đứng đợi cháu nhỏ tan học, cho rằng: nước ngọt đóng chai hay nước hoa quả đóng chai không có gì phải phòng tránh cả. Tôi đã thử rồi, nó dễ uống, cũng ngọt, lại thơm mùi hoa quả. Chai dứa thì có mùi dứa, chai dừa thì có mùi dừa, chai cam thì có mùi cam. Có lẽ nó cũng được chiết từ loại hoa quả nào đó tương ứng. Vậy thì cũng đâu có gì lo lắng quá. Tiện thì tiện, thơm thì thơm, dễ uống thì dễ uống, bọn trẻ lại thích nên tôi cũng không phàn nàn về điều này. Chắc nó cũng có tác dụng nào đó về dinh dưỡng.
Tất cả các quan điểm trên đều không chính xác. Thực chất, chúng không có một giá trị dinh dưỡng nào thu được. Mặt khác, chúng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ chưa biết đặt tên là gì?!?
Sai chỗ nào?
Nước ngọt đóng chai được chế biến như nào? Với các cơ sở sản xuất, nước ngọt đóng chai chỉ đơn thuần là sử dụng nước, có pha chế ít đường tự nhiên, còn lại đa phần là đường hóa học để làm chất tạo ngọt. Một chút ít đường hóa học cũng đủ làm cho một lượng lớn nước có vị ngọt như ý muốn. Đường hóa học hay là đường công nghiệp không có giá trị dinh dưỡng vì nó không được chuyển hóa để cung cấp năng lượng. Nó chỉ có tác dụng đánh lừa cảm giác ngọt của lưỡi. Bất cứ ai cũng thích ngọt. Ngọt lừa vị giác. Ngọt kích thích thần kinh. Ngọt làm dịu sự căng thẳng. Nên hầu như ai cũng hảo ngọt. Nhưng đáng tiếc, ngọt ở đây không có giá trị gì.
Để làm long lanh hóa các chai nước nhằm hấp dẫn các cặp mắt trẻ thơ, các ông chủ nước ngọt đã sử dụng chất tạo màu tổng hợp. Chất tạo màu tổng hợp là những chất tạo màu nhân tạo. Chúng được sử dụng trong công nghiệp thực phẩm để làm cho thực phẩm đẹp và có màu như ý. Theo đó, nếu một chai nước dừa thì nhà sản xuất sẽ cho chất tạo màu đục, nếu là nước cam sẽ cho màu vàng cam, nếu là nước táo sẽ cho màu đỏ… Màu phụ họa vào làm cho người sử dụng có cảm giác đó là chai nước được vắt ra từ hoa quả thật. Nhưng thực tế, chúng chẳng được vắt ra từ hoa quả nào. Chất tạo màu được cấp phép sử dụng nhưng chúng chỉ được đồng ý với mức độ gia công thêm và chúng không có giá trị dinh dưỡng.
Bên cạnh đó, các ông chủ sản xuất còn huy động mùi để làm chai nước giống như thật. Vị ngọt có rồi, màu có rồi, nay thêm mùi thì thật giống như thật. Nếu bạn cầm chai nước dứa lên, ngửi mùi và nếm thử chút ít thì có mùi vị đúng như dứa thật. Nếu bạn cầm chai nước táo lên, cũng ngửi mùi và nếm thử chút ít thì có mùi vị đúng như táo. Nhưng bạn đừng tưởng là chúng là nước cốt táo, chanh, cam hay vải thật đâu nhé. Bí quyết ở đây chính là ester. Các nhà sản xuất đã tận dụng chất tạo mùi nhân tạo là ester có khả năng dậy mùi mạnh và giống y như thật. Chỉ cần một vài giọt ester mùi của táo, dứa hay cam, nhỏ vào cốc nước thì y như rằng cốc nước của bạn giống như 1 trăm trái cam được vắt ra vậy. Người ta vẫn thường sử dụng một loại ester thông dụng được gọi là dầu chuối nhằm làm cho cốc nước dậy thơm mùi sữa. Những ester này hoàn toàn tự tổng hợp nhân tạo được mà không cần tới một trái cam hay trái dứa nào. Và cố nhiên, nó không có giá trị cung cấp dinh dưỡng.
Tại sao uống vào, cơ thể lại cảm thấy khỏe ngay? Đó là vì nhiều hãng nước ngọt, nước hoa quả đóng chai có cho vào đó một ít cafein với hàm lượng cho phép. Chính chất này làm cơ thể cảm thấy tỉnh táo và lên đời ngay, làm cho cơ thể trở lên sảng khoái. Đó chỉ là do tác dụng kích thích thần kinh. Trên thực tế, cơ thể hoàn toàn chưa được hồi phục.
Nói nó không có giá trị dinh dưỡng chút nào thì cũng thực hơi oan cho nước ngọt và nước hoa quả đóng chai. Vì nó không cung cấp dinh dưỡng nhiều nhưng vẫn có một chút ít ở đâu đó. Ví dụ như người ta vẫn phải bỏ vào một ít đường thật gồm có glucose và fructose để tránh vi phạm quy tắc bào chế. Người ta vẫn phải bỏ vào đó một ít nước cốt chanh, nước cốt táo, nước cốt dứa…với hàm lượng không quá 10 gam%. Và với lượng đó, người ta có thể gọi đó là công cụ để làm hàng. Thực tế, giá trị dinh dưỡng là rất thấp.
Nếu chỉ có thế thì cũng chẳng có gì đáng phải bàn. Bởi chỉ bỏ ra vài ngàn đồng đã có thể sở hữu một chai nước ngọt đóng chai hoặc nước hoa quả đóng chai thì chúng ta cũng không thể trông mong gì hơn giá trị nó đem lại. Số lượng tiền bỏ ra thấp thì giá trị thu được cũng không thể quá lớn, nhất là về mặt dinh dưỡng, vốn được coi là xa xỉ trong công cuộc nhà nhà làm thực phẩm mất an toàn. Nhưng điều thực sự đáng tiếc là nó lại cõng thêm vô số các chất không biết gọi nó với tên là gì và tác hại ra sao. Nhà sản xuất thì thêm vào đó các chất để bảo quản. Bảo quản để không thối, không thiu. Nó có khả năng diệt các vi sinh gây bệnh tránh làm cho chúng tiêu hủy nước thì chúng cũng có tác dụng bất lợi với cơ thể chúng ta, vốn là một cơ thể sống. Không có điều kiện làm quy mô như nhà sản xuất, các cửa hàng bán dạo ra chợ mua bột màu và hương liệu về tự pha. Nó đã được đóng gói sẵn hoặc đóng can sẵn. Chỉ việc mua về rồi pha ra là được chai nước y như thật. Bạn cần chế biến nước dứa, có bột dứa, cần chế biến nước cam, có bột cam. Việc duy nhất bạn cần làm đó là bỏ thêm nước, đường hóa học, lắc đều lên và rót ra cốc hoặc ra chai, bỏ thêm đá, thế là có được loại nước như ý. Không ai biết bột ấy được sản xuất từ gì, công dụng thế nào, tác hại ra sao. Chỉ có 2 người biết, đó là người sản xuất (chắc ở cơ sở sản xuất chui nào đó trong hoặc ngoài nước) và người sử dụng (bởi chính họ sẽ chịu trực tiếp hậu quả của nó trong tương lai).
Đã không có giá trị dinh dưỡng thì càng không dùng càng tốt. Trên cương vị là phụ huynh học sinh, bạn không nên mua các loại nước hoa quả, nước ngọt đóng chai cho con em. Tốt hơn hết bạn nên tự mua hoa quả sạch về nhà tự chế biến thành nước hoa quả hoặc gọt ăn. Giá trị dinh dưỡng tốt hơn nhiều.
Nếu bạn là người sử dụng thì nên tránh xa các loại nước này. Bởi nó không những không dinh dưỡng mà còn mất an toàn. Trước mắt, các chất hóa học không rõ nguồn gốc sẽ gây hại cho gan, cho thận. Về lâu về dài, chúng có thể gây nhiều biến chứng khác nhau, chờ thời gian trả lời.
BS. YÊN LÂM PHÚC