Nữ đau “ti”, có đáng lo?

Liệu có liên quan đến ung thư?

Đau vú có thể âm ỉ kéo dài, đau nhói, đau liên tục hoặc thỉnh thoảng. Có thể đau vú kèm theo sưng vú, căng vú gây cảm giác khó chịu ảnh hưởng đến cuộc sống, có khi mất ăn mất ngủ vì đau.

Tuy nhiên, thực tế ung thư vú thường không gây đau vú ở giai đoạn sớm mà chỉ xuất hiện khi ung thư đã tiến triển ở giai đoạn muộn.

Nguồn cơn gây đau

Đau vú được xếp thành các nhóm chính: đau liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt, đau không liên quan đến chu kỳ kinh và đau vú có nguồn gốc từ bên ngoài vú.

Đau vú theo chu kỳ kinh nguyệt thường gặp nhất và do ảnh hưởng của nội tiết tố nữ nên loại đau vú này hay gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, rất ít gặp sau mãn kinh. Nhiều nghiên cứu cho thấy, sự giảm nồng độ progesterone trong cơ thể là nguyên nhân gây ra đau vú. Sang chấn tâm lý căng thẳng trong cuộc sống cũng có thể gây ra đau vú. Phụ nữ đau vú kiểu này thường cảm thấy hai vú đau âm ỉ, đặc biệt phía trên ngoài vú, khó chịu dai dẳng những ngày gần đến kỳ kinh rồi tự nhiên giảm dần cường độ đau sau khi hành kinh.

dau vuChụp phim Xquang vú giúp tìm ra nguyên nhân gây đau vú.

Đau vú không theo chu kỳ kinh nguyệt thường gặp ở phụ nữ tuổi trung niên hay sau mãn kinh. Nguyên nhân thường gặp

do tắc tuyến sữa hoặc áp-xe tuyến vú trong thời kỳ cho con bú. Cũng có thể do chấn thương vú. Đau vú kiểu buốt nhói, nhức nhối, ngắt quãng hay liên tục. Có thể kèm theo biểu hiện vú sưng nóng, đau dữ dội thường một bên vú.

Một dạng đau vú khác có nguồn gốc ở ngoài vú khiến chị em nhầm tưởng là có bệnh về vú. Phổ biến là đau vùng ức sườn, viêm thần kinh liên sườn, bệnh zona…

Đi tìm giải pháp

Thông qua hỏi bệnh, thăm khám vú, kết hợp các xét nghiệm thăm dò như siêu âm, chụp phim vú, các bác sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân gây đau vú. Từ đó quyết định phải điều trị hay không và đưa ra biện pháp điều trị (nhiều khi đau vú sẽ tự hết sau vài tháng).

Tuy nhiên khi cơn đau vú kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày thì cần thiết phải điều trị.

 

Lời khuyên của thầy thuốc

Sau khi thăm khám, nếu cần thiết bác sĩ có thể khuyên bệnh nhân thay đổi chế độ ăn uống như giảm ăn mỡ, giảm ăn muối, hạn chế các chất kích thích như cà phê, socola, trà, bổ sung thêm các vitamin, đặc biệt là vitamin E.

Mặc áo ngực khi vận động cũng là biện pháp tốt giúp giảm đau vú. Có thể chườm ấm hoặc chườm lạnh cũng giúp giảm đau vú. Trong kiểu đau vú không liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt, các thuốc giảm đau dạng không steroid rất có hiệu quả như ibuprofen, paracetamon hoặc thuốc dạng kem bôi da tại chỗ có chứa progesterone giúp giảm đáng kể triệu chứng đau vú có liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt.

Bạn cần gặp bác sĩ khi có biểu hiện đau vú kéo dài hơn một tuần, đau ngày càng tăng gây ảnh hưởng sinh hoạt hàng ngày.

 

ThS.BS. Nguyễn Trần Chung

((Bệnh viện Phụ sản Trung ương))

Rate this post