Những trục trặc kinh nguyệt đáng lo của chị em

Kinh nguyệt không chỉ thể hiện chức năng sinh sản, mà còn biểu hiện cho sức khỏe, vẻ đẹp của chị em phụ nữ. Chỉ cần một bất thường nhỏ, ví dụ như đột nhiên bị chậm kinh hay số ngày hành kinh ngắn so với các tháng trước đó thì nguyên nhân có thể là stress, ăn ngủ thất thường, nhưng đó cũng có thể đó là một biểu hiện của việc suy giảm chức năng buồng trứng.

Không chỉ vậy, chậm kinh có thể khiến tâm trạng chị em bực bội, người nóng, mặt, lưng nổi mụn nhiều hơn bình thường… Cho nên, cần có hiểu biết về các vấn đề kinh nguyệt thường gặp để trang bị kiến thức cho mình, một khi có tình huống xảy ra.

Đông y có thế mạnh trong việc chữa các chứng bệnh do nội tiết gây ra. Ưu điểm là sẽ giải quyết được tận gốc vấn đề, không gây tác dụng phụ, ít tốn kém… Dưới đây là các hiện tượng kinh nguyệt thường gặp và phép chữa của đông y, theo lương y Vũ Quốc Trung:

1. Rối loạn kinh nguyệt

Rối loạn kinh nguyệt là tình trạng vòng kinh thất thường, không theo chu kỳ nhất định nào. Theo lương y Vũ Quốc Trung, vòng kinh chuẩn nhất là 28 ngày tính từ ngày đầu tiên có kinh của tháng này đến ngày đầu tiên có kinh của tháng sau. Tuy nhiên, ít ai có vòng kinh đều mà thường biểu hiện thành các dạng như tháng nhanh (kinh nguyệt đến sớm), tháng chậm (kinh nguyệt đến muộn).

Nếu khoảng cách ngày hành kinh tháng này đến sớm hay đến muộn dưới 7 ngày so với tháng trước thì các chị em phụ nữ chưa cần lo lắng. Có thể do sinh hoạt thất thường ảnh hưởng đến và chỉ cần ăn uống, ngủ nghỉ điều độ, bớt căng thẳng để kinh nguyệt đều trở lại. Còn với những người thường xuyên bị kinh nguyệt đến sớm hay muộn quá 7 ngày thì nên đi kiểm tra hay uống thuốc để kịp thời điều chỉnh lại.

Có nhiều nguyên nhân gây ra nhưng chủ yếu là do huyết hư, khí hư (bị thiếu), huyết trệ, khí trệ (thiếu) hoặc đôi khi do đàm ẩm. Căn cứ vào từng nguyên nhân gây ra mà có cách điều trị. 

– Kinh nguyệt đến sớm: phần nhiều do nhiệt (có thể là thực nhiệt hoặc hư nhiệt), cũng có thể do thanh nhiệt, lương huyết. Dùng bài thuốc: sinh địa 12 g, xuyên không 8 g, địa cốt bì 8g, huyền sâm 8 g, cỏ nhọ nồi 8g, ngưu tất 8g, đan sâm 8g, ích mẫu 16g. Mỗi ngày 1 thang, uống 5 thang sẽ đỡ.

– Kinh nguyệt đến sau kỳ: đa số do hư hàn hoặc huyết ứ hoặc đàm trệ.

+ Nếu do hư hàn thì lượng kinh ít, màu nhạt, chân tay lạnh, bị đau liên miên. Dùng phương pháp chữa ôn kinh trừ hàn. Bài thuốc: thục địa 12g, xuyên khung 10g, hà thủ ô 10g, đẳng sâm 12g, gừng tươi 8g, ngải cứu 12g, xương bồ 8g. Ngày một thang.

+ Nếu do huyết ứ, huyết hư thì biểu hiện ít kinh, màu đen, vón cục. Bài thuốc hoạt huyết khứ ứ điều kinh: sinh địa 12g, xuyên không 8g, kê huyết đằng 16g, ích mẫu 16g, đào nhân 8g, uất kim 8g. Ngày 1 thang sắc uống.

+ Huyết hư: lượng kinh ít, loãng, người mệt mỏi, đoản hơi, ngại nói, da khô, phải dùng bài thuốc bổ huyết điều kinh. Bài thuốc: thục địa 12g, xuyên không 8g, kê tử 12g, tía tô 8g, long nhãn 12g, trần bì 6g, ích mẫu 12g, đan sâm 8g. Ngày một thang.

2. Hành kinh ngắn ngày

Hành kinh ngắn ngày là số ngày hành kinh, số lượng máu kinh ra ít hơn so với những tháng trước đó. Bình thường lượng máu kinh chảy ra trong mỗi chu kỳ là khác nhau tùy từng phụ nữ và tùy từng tháng, dao động từ 5ml đến 25ml. Số ngày kéo dài chuẩn nhất từ lúc có kinh đến khi sạch kinh là 3, 4 ngày.

Tuy nhiên một số trường hợp đột nhiên rút xuống chỉ còn 1, 2 ngày, hay lượng kinh ra nhỏ giọt. Nếu tình trạng này cứ ngày một giảm dần về cả số lượng, chất lượng thì có thể đó là một dấu hiệu bị suy sớm buồng trứng.

Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do khí huyết bị hư nhược, đàm huyết ứ trệ gây ra. Biểu hiện là hành kinh 1, 2 ngày rồi hết, lượng máu kinh ít, vài giọt, màu kinh nhạt, loãng, da mặt trắng bệch, chóng mặt, hồi hộp… Trường hợp này dùng phép chữa bổ khí dưỡng huyết.

Bài thuốc: phục linh 12g, nhục quế 6g, hoàng kỳ 12g, bạch truật 12g, trần bì 12g, đương quy 12g, bạch thược 12g, thục địa 12g, nhân sâm 12g, cam thảo 6g. Ngày sắc 1 thang uống.

Ảnh minh họa: favim.com.
Ảnh minh họa: favim.com.

3. Máu kinh ra nhiều

Ở một số người, cũng có tình trạng kinh nguyệt ra quá nhiều trong ngày hành kinh. Nếu cứ để tình trạng này, cơ thể bị mất máu nhiều, người gầy yếu. Máu kinh ra nhiều có hai thể là do khí hư không cố nhiếp (không cầm) và máu nóng chảy càn.

– Ở thể thứ nhất biểu hiện kinh màu nhạt, mặt trắng bệch, hồi hộp, mệt mỏi, bụng dưới đau, ăn uống kém. Phép chữa là ích khí, nhiếp huyết. Bài thuốc: bạch truật 8g, thăng ma 6g, nhân sâm 12g, hoàng kỳ 12g, cam thảo 4g.

– Thể thứ 2 do máu nóng chảy càn: thể hiện kinh màu đỏ tươi, bụng chướng, miệng khát, đại tiện bí, nước tiểu vàng. Phép chữa thanh nhiệt mát máu. Bài thuốc gừng tươi 8g, ngải diệp 12g, lộc giác sương (sừng hươu) 8g, phục long can 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

4. Băng lậu (rong kinh)

Băng lậu khác với trường hợp hành kinh dài ngày, máu kinh ra nhiều đã nói ở trên. Đây là một chứng bệnh, không phải hành kinh. Huyết từ âm đạo ra nhiều, hoặc huyết ra ít nhưng kéo dài không dứt, có khi kinh kéo dài mãi không cầm hoặc kinh huyết bỗng chốc xuống nhiều, không cầmCó hai thể là do hai mạch Xung, Nhâm bị tổn thương và do khí huyết hư không cố nhiếp.

– Do khí huyết tạng phủ không điều hòa, hai mạch Xung, Nhâm bị tổn thương, không cố nhiếp gây ra. Trường hợp này dùng phép chữa thanh nhiệt, mát máu. Bài thuốc: bạch truật 20g, cam thảo 6g, đỗ trọng 12g, đương quy 12g, thục địa 20g, mẫu huệ tử 10g, nhân sâm 4g, phục linh 8g, sơn thù 8g, viễn chí 4g. Sắc uống ngày 1 thang, uống từ 6 đến 10 ngày.

– Do khí huyết hư không cố nhiếp: máu chảy lai nhai không cầm, biểu hiện màu nhạt, mặt trắng, mệt mỏi, ăn ít, đại tiện lỏng. Phép chữa ích khí, nhiếp huyết. Bài thuốc: bạch truật 10g, nhân sâm 6g, sinh hoàng kỳ 12g, đương quy 10g, bào khương (vỏ gừng) 8g, thục địa 16g. Sắc uống ngày 1 thang.

5. Bế kinh

Thông thường nhất, chu kỳ kinh nguyệt của một người đi theo chu kỳ mỗi tháng một lần. Tuy nhiên, có những người lại đi theo chu kỳ cá thể (2 tháng thấy kinh 1 lần gọi là tính nguyệt, cứ 3 tháng 1 lần gọi là cự nguyệt, nếu 1 năm 1 lần gọi là tỵ niên, có người không có kinh mà vẫn có con gọi là ám kinh, có người đã mang thai mà đến kỳ kinh vẫn ra ít máu, song thai nhi vẫn phát triển bình thường gọi là ích kinh).

Vô kinh cũng là một hiện tượng không phải hiếm gặp đối với chị em phụ nữ. Trong đó có hai dạng, vô kinh nguyên phát (đến tuổi trưởng thành mà không có kinh) và vô kinh thứ phát (có kinh rồi mất – hay còn gọi là bế kinh). Riêng chứng vô kinh nguyên phát cần đến ngay bệnh viện khám để tìm nguyên nhân, sau đó mới nên cân nhắc là chữa trị theo đông y hay tây y.

Về vô kinh thứ phát (bế kinh), nguyên nhân do huyết bị hư tổn, đàm thấp, huyết ứ, bế tắc kinh mạch. Có hai thể:

– Thể khí huyết hư nhược: kinh nguyệt ít, màu nhạt, ăn kém, hồi hộp… Phép chữa đại bổ khí huyết. Bài thuốc: phục linh 12g, nhục quế 6g, thục địa 12g, nhân sâm 12g, cam thảo 6g, đương quy 12g, hoàng kỳ 12g, bạch truật 12g, trần bì 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

– Khí trệ huyết ứ: bụng dưới đau, thần trí uất ức, sắc mặt tối, ngực sườn đau. Hoạt huyết hóa ứ. Bài thuốc: cam thảo 6g, chỉ xác 10g, đương quy 12g, ngưu tức 12g, xuyên khung 8g, cát cánh 8g, đào nhân 6g, hồng hoa 6g, sinh địa 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

6. Đau bụng kinh

Đau bụng kinh trong Đông y gọi là thống kinh. Nguyên nhân do huyết ứ (máu không lưu thông), huyết hư (thiếu máu), khí hư (khí yếu)… gây bế tắc kinh nguyệt, hành kinh không thông suốt. Có người bị đau trước, trong hay sau kỳ kinh. Thông thường đau bụng kinh hay đi kèm cục máu đông. Khi bị cục máu đông ra nhiều cũng cần phải chú ý. Có 2 thể:

– Thể hàn tà khí trệ: bụng dưới đau lạnh, đau lan ra lưng, kinh màu đỏ, có cục máu ứ, lưỡi trắng. Phép chữa ôn kinh tán hạ. Bài thuốc: bồ hoàng 12g, đương quy 12g, một dược 8g, quế tâm 4g, xích thược 8g, diên hồ sách 6g, ngũ linh chi 8g, tiểu hồi hương 4g, xuyên khung 8g.

– Khí trệ huyết ứ: trước khi hành kinh, đang trong hành kinh bụng dưới đau, kinh nguyệt ít, màu tím, ngực đau, có máu cục. Phép chữa cần hoạt huyết hóa ứ. Bài thuốc: cam thảo 6g, chỉ xác 6g, đương quy 12g, ngưu tất 12g, xuyên khung 8g, cát cánh 8g, địa nhân 6g, hồng hoa 10 g, sinh địa 12g.

Phan Dương

 

Rate this post