Đau khớp có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường phổ biến hơn khi bạn có tuổi. Viêm khớp là nguyên nhân chính gây nên tình trạng này. Tuy nhiên, ngoài viêm khớp, những nguyên nhân dưới đây cũng có thể khiến khớp bị đau.
1. Bong gân và căng cơ
Bong gân là một chấn thương dây chằng và căng cơ là tổn thương cơ. Các khớp mắt cá chân thường dễ bị bong gân nhất trong khi các cơ gân kheo dễ bị căng nhất. Bong gân và căng cơ có thể rất đau và là nguyên nhân phổ biến nhất gây đau ở khớp.
2. Viêm gân
Dây chằng hoạt động quá tải có thể bị viêm hoặc kích thích dẫn đến viêm gân gây đau bên ngoài khớp. Dây chằng ở vai, khuỷu tay, cổ tay và gót chân thường bị ảnh hưởng nhất. Khuỷu tay của người chơi tennis, vai của người bơi, khuỷu tay của người chơi golf, v.v… là một số loại viêm gân thường gặp.
3. Viêm bao hoạt dịch
Viêm bao hoạt dịch là tình trạng viêm của túi chứa đầy dịch trong khớp thường gây ra bởi những cử động lặp đi lặp lại thường xuyên. Đau sẽ trở nên dữ dội khi cử động và có thể gây ra tình trạng bất động của khớp.
4. Chấn thương
Triệu chứng chính của chấn thương khớp là đau. Chấn thương có thể dưới dạng trật hoặc gãy xương. Chấn thương khớp để lại hậu quả sau nhiều năm khiến bạn bị viêm khớp xương mãn tính sau chấn thương, được đặc trưng bởi tình trạng đau nặng, khó chịu và sưng và thậm chí có thể hạn chế cử động khớp.
5. Nhiễm trùng
Các nhiễm trùng gây ra một hoặc nhiều triệu chứng điển hình như mệt mỏi, sốt, phát ban, chán ăn, ớn lạnh hoặc đau nhức cơ thể. Nhưng một số nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc vi-rút có thể cũng gây đau khớp. Bệnh lậu, nhiễm trùng tụ cầu khuẩn, viêm họng, viêm phổi, lao, v.v… là một số nhiễm trùng do vi khuẩn có thể xâm nhập vào khớp gây sưng và đau. Các nhiễm trùng do vi-rút như viêm gan, Rubella, Chikungunya, HIV, v.v… gây viêm và đau ở các khớp kèm theo các triệu chứng sốt. Chikungunya được đặc trưng bởi sự khởi phát sốt đột ngột, thường đi kèm với đau cơ và khớp nghiêm trọng.
6. Suy giáp
Hormon tuyến giáp ảnh hưởng đến sự phát triển và biệt hóa của xương và sụn ở cấp độ tế bào. Do đó chức năng tuyến giáp suy giảm hay còn gọi là suy giáp có thể gây ra những bất thường ở những mô này và gây đau cơ và khớp.
7. Bệnh Lupus
Lupus là một bệnh tự miễn mạn tính với đặc điểm nổi bật nhất là phát ban trên má hình cánh bướm. Tình trạng này có thể ảnh hưởng tới các bộ phận cơ thể khác bao gồm đau khớp nghiêm trọng.
8. Đau xơ cơ
Đau mạn tính ở các khớp, cơ và dây chằng và mệt mỏi là hai đặc trưng chủ yếu của bệnh đau xơ cơ. Tình trạng đau này thường kèm theo các triệu chứng khác như rối loạn giấc ngủ, trí nhớ và tâm trạng.
9. Ung thư xương
Ung thư xương thường phổ biến nhất ở những đoạn xương dài như cánh tay, cẳng chân, thường tấn công trong 20 năm đầu đời khi cơ xương phát triển tối đa. Xương và khớp đau là dấu hiệu đầu tiên của ung thư xương ở trẻ em nhưng dễ bị nhầm lẫn với chấn thương thể thao nhẹ hoặc do phát triển quá nhanh.
10. Bệnh Sarcoid
Đây là bệnh viêm ở các mô của cơ thể, thường ảnh hưởng tới phổi và da (hạch bạch huyết). Ở một số người, nó có thể gây đau cơ, đau khớp và viêm khớp.
11. Hoại tử xương (hoại tử vô mạch)
Mất nguồn cung cấp máu tới xương có thể khiến xương “chết”. Tình trạng này được gọi là hoại tử vô mạch hay hoại tử xương, ban đầu không có triệu chứng. Nhưng khi bệnh tiến triển, những xương bị ảnh hưởng và bề mặt khớp bao quanh bị tổn thương gây đau nghiêm trọng ảnh hưởng tới cử động khớp.
12. Đau đa cơ dạng thấp
Đau đa cơ dạng thấp là tình trạng viêm của các cơ và khớp. Bệnh được đặc trưng bởi tình trạng đau và cứng cơ và khớp đột ngột, lan rộng, chủ yếu là ở cổ, vai và hông.
13. Xơ cứng bì
Xơ cứng bì là một rối loạn tự miễn trong đó có sự sản sinh quá nhiều collagen (một loại protein cấu trúc được tìm thấy trong xương, cơ, da và dây chằng). Nó chủ yếu ảnh hưởng tới da tay và mặt, gây xơ cứng da. Trong xơ cứng hệ thống, tình trạng xơ cứng xuất hiện ở các cơ quan bên trong cơ thể như đường tiêu hóa, phổi, thận, tim, mạch máu, cơ và thậm chí là các khớp. Các khớp trở nên cứng và khó hoạt động.
14. Xương khớp phì đại do phổi
Xương khớp phì đại do phổi là bệnh được đặc trưng bởi sự biến dạng của móng tay (ngón tay dùi trống), đau, viêm của các mô liên kết bao quanh xương (viêm màng xương), tăng tích tụ xương ở xương dài, tăng sinh quá mức của da, các khớp sưng, đau. Đau khớp có thể từ nhẹ tới nặng.
15. Tác dụng phụ của thuốc
Một số thuốc có thể gây tác dụng phụ là đau khớp. Đau ở các khớp là tác dụng phụ phổ biến của liệu trình điều trị ung thư vú ở bệnh nhân dùng thuốc ức chế aromatase (AIs). Mirtazapine, một thuốc chống trầm cảm gây đau khớp. Thuốc chống cholesterol statin có thể gây ra cảm giác ngứa ran ở các ngón tay hoặc ngón chân, đau cơ và đôi khi cũng gây đau khớp.
BS Thu Vân
(Theo THS)