Thực tế, bất kỳ sự tăng hay giảm huyết áp so với mức bình thường đều là những dấu hiệu nguy hiểm. Trong khi đa số người bệnh lo lắng và phòng ngừa tăng huyết áp và những biến chứng nguy hiểm thì ở chiều ngược lại, huyết áp thấp cũng gây nhiều tác hại cho cơ thể nhưng không nhiều người quan tâm.
Thế nào là huyết áp thấp?
So với mức huyết áp bình thường là 120/80mmHg, người bị huyết áp thấp thường có trị số huyết áp tối đa thấp hơn 100mmHg, phổ biến là thấp hơn 90/60mmHg.
Có hai loại huyết áp thấp: huyết áp thấp tiên phát và huyết áp thấp thứ phát.
Huyết áp thấp tiên phát: Là những trường hợp có thể trạng đặc biệt từ nhỏ đến lớn huyết áp vẫn thấp mà không hề có triệu chứng hoặc biến chứng ở bộ phận nào trong cơ thể, chỉ khi gắng sức thì thấy chóng mệt.
Huyết áp thấp thứ phát: Là huyết áp bình thường nhưng sau đó huyết áp bị tụt dần xuống tới mức được coi là huyết áp thấp. Thường gặp ở người suy nhược kéo dài, mắc các bệnh thiểu năng tuần hoàn não, lao, nhiễm khuẩn, nhiễm độc kéo dài, thiếu máu kéo dài, bệnh nội tiết suy tuyến thượng thận, suy tuyến giáp mạn tính.
Bất kỳ sự tăng hay giảm huyết áp so với mức bình thường đều là những dấu hiệu nguy hiểm, cần được kiểm soát chặt chẽ.
Ai dễ bị huyết áp thấp?
Trường hợp có các vấn đề về tim: Một số bệnh nhân có bệnh tim dễ có huyết áp thấp bao gồm nhịp tim chậm, các vấn đề van tim, đau tim và suy tim. Các điều kiện này có thể gây hạ huyết áp, vì ngăn chặn cơ thể có thể lưu thông máu đủ. Nếu nhịp tim dưới 60 nhịp/phút sẽ không đủ lượng máu và ôxy lưu thông trong cơ thể. Đây là một lý do dẫn tới huyết áp thấp.
Người có bệnh về nội tiết: Đó là những người có tuyến giáp kém hoặc tuyến giáp hoạt động quá mức, cả hai hiện tượng này có thể gây hạ huyết áp. Khi cơ thể bị thiếu hụt hàm lượng hormon của tuyến giáp sẽ dẫn tới nguy cơ mắc chứng huyết áp thấp kèm theo các triệu chứng hoa mắt chóng mặt, rụng tóc. Ngoài ra, một số người bị suy thượng thận (bệnh Addison), đường huyết thấp (hạ đường huyết) và trong một số trường hợp, người bệnh đái tháo đường có thể gây ra huyết áp thấp.
Người bị thiếu chất dinh dưỡng: Tình trạng thiếu các vitamin B12 và folate có thể gây ra thiếu máu, một tình trạng mà cơ thể không sản xuất đủ các tế bào máu đỏ, gây ra huyết áp thấp.
Phụ nữ mang thai: Khi mang thai, tình trạng sức khỏe của phụ nữ có nhiều thay đổi thất thường, tác động tới huyết áp của cơ thể. Không ít chị em có huyết áp rất thấp khi mang thai. Sau khi sinh con, có thể huyết áp lại về bình thường.
Ngoài ra, các trường hợp đặc biệt sau đây: người bị mất nước, người bị mất máu, người bị dị ứng trầm trọng (hay còn gọi là sốc phản vệ), dùng một số thuốc chữa bệnh… cũng dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng về huyết áp và phải điều trị thì huyết áp mới trở về bình thường.
Huyết áp thấp nguy hiểm không kém tăng huyết áp
Nếu so sánh với bệnh tăng huyết áp, huyết áp thấp trước mắt không dẫn đến biến chứng như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim… nên nhiều người rất chủ quan với căn bệnh này. Tuy nhiên, ít người biết được rằng huyết áp thấp cũng có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm không kém.
Khi bệnh nhân bị tụt huyết áp nhiều lần, hệ thống thần kinh bị suy giảm chức năng, cơ thể không tự kịp điều chỉnh để cung cấp đủ dinh dưỡng và ôxy cho các cơ quan có chức năng sống còn như não, tim, thận gây tổn thương các cơ quan này.
Huyết áp càng thấp bị mất trí nhớ càng cao, nó gắn liền với bệnh mất trí do Alzheimer gây ra. Những người có mức huyết áp thấp kéo dài liên tục trong hai năm có khả năng bị mất trí nhớ cao gấp hai lần. Huyết áp hạ quá thấp cũng có thể làm nhịp tim nhanh, gây choáng, ngất. Huyết áp thấp cũng là nguyên nhân gây tai biến mạch máu não. 30% số người nhồi máu não và 25% số người nhồi máu cơ tim là do huyết áp thấp.
Ngoài ra, người bị tụt huyết áp cấp có thể gây sốc, đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng trong những trường hợp như đang lái xe, làm việc trên tầng cao… Nếu huyết áp thấp kéo dài còn làm cho các cơ quan thận, gan, tim, phổi suy yếu nhanh chóng.
Biện pháp phòng ngừa huyết áp thấp
Thay đổi tư thế: Người có huyết áp thấp khi thức dậy cần nằm thêm một lúc, làm vài động tác khởi động đơn giản rồi mới ngồi dậy, hãy thở sâu trong vòng vài phút, sau đó ngồi dậy thật chậm rồi mới đứng thẳng. Khi có dấu hiệu hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, cần nằm nghỉ ngơi ở tư thế đầu thấp để tăng lượng máu lên não. Nếu triệu chứng hạ huyết áp bắt đầu xuất hiện sau khi đứng thẳng thì nên đứng thẳng người và hít thở đều hoặc đặt một chân lên cao (tựa vào tường hay gác trên ghế), nghiêng người về phía trước.
Chế độ ăn uống lành mạnh: Hãy cung cấp tất cả những dưỡng chất mà cơ thể cần để duy trì sự khỏe mạnh bằng cách tập trung vào nhiều loại thức ăn khác nhau bao gồm: gạo thô, trái cây, rau xanh, thịt gà nạc và cá. Trong chế độ ăn uống thường ngày cần bổ sung thêm các loại thực phẩm có chứa các thành phần như protein, vitamin C và tất cả các loại vitamin thuộc nhóm B rất có lợi. Một số thức ăn đồ uống có tác dụng làm tăng huyết áp như: cà phê, nước chè đặc, ăn thức ăn đậm đà muối, nước sâm, bột tam thất, rau cần tây, nước nho, hạt sen, long nhãn, táo tàu, quả dâu… Trường hợp có huyết áp thấp đều được khuyến khích tăng cường lượng muối trong chế độ ăn uống. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều muối cũng sẽ không tốt cho tim, do đó, chỉ nên giới hạn ở một mức độ nhất định, không dùng quá mức. Cần uống nhiều nước vì nước giúp ngăn ngừa sự mất nước và làm tăng lượng máu. Nên hạn chế loại đồ uống có chứa chất cồn.
Luyện tập thể dục đều đặn, phù hợp với sức khỏe và độ tuổi hàng ngày giúp duy trì lưu thông máu trong cơ thể nên giảm chứng huyết áp thấp.
Tắm nước ấm có pha thêm muối magiê: Đây là một trong những biện pháp đơn giản nhất để điều trị huyết áp thấp, ngoài ra, loại nước tắm này còn giúp cơ thể thư giãn.
BS. Minh Trí