Bệnh tiểu đường là một trong những căn bệnh không lây nhiễm có tỷ lệ mắc rất cao, nó được coi là “kẻ giết người thầm lặng” do bệnh tiến triển âm thầm trong cơ thể. Ở Việt Nam số người bị bệnh tiểu đường chưa được chẩn đoán rất cao, đáng lo ngại là số người trẻ mắc bệnh ngày càng nhiều.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến lượng đường trong máu tăng cao, trong đó phải kể đến những nguyên nhân do lượng thực phẩm đưa vào không được kiểm soát nghiêm ngặt. Một số loại thực phẩm là “thủ phạm” làm cho lượng đường trong máu tăng cao:
Caffein
Lượng đường máu sẽ tăng lên sau khi bạn uống một tách cà phê, kể cả cà phê đen không đường. Lý do là chất caffein trong cà phê. Nhiều người không biết rằng ngoài cà phê, caffein còn có cả trong trà đen, trà xanh và các thức uống giàu năng lượng khác. Bản thân mỗi bệnh nhân tiểu đường cũng có những phản ứng với mỗi loại thực phẩm hoặc đồ uống khác nhau, nên mỗi người bệnh cần cân nhắc trước khi sử dụng các thực phẩm đưa vào cơ thể. Tuy nhiên, với người khỏe mạnh, nhiều nghiên cứu lại chứng minh rằng caffein có tác dụng trong việc phòng chống tiểu đường tuýp 2.
Thực phẩm giàu tinh bột
Đa số mọi người đều cho rằng những thực phẩm không chứa đường có thể tốt cho cơ thể, nhưng thực tế đây lại là những thực phẩm trung gian làm tăng đường máu của bạn. Như các thực phẩm có nhiều tinh bột hay carbohydrate, nguyên nhân là do thực phẩm giàu tinh bột được tiêu hóa nhanh và từ đó tăng đường huyết nhiều hơn.
Thực phẩm chiên rán
Ăn các thực phẩm chiên rán cũng khiến lượng đường trong máu tăng cao. Nếu sử dụng thực phẩm carbohydrate chiên rán thì nguy cơ đường máu tăng tăng cao. Có thể kể ra một số món ăn là “kẻ thù” của người bệnh tiểu đường như pizza, khoai tây chiên, các món hamburger…. đều có rất nhiều chất béo và carbs. Nếu muốn kiểm tra xem cơ thể bạn phản ứng thế nào với loại thực phẩm này hãy đo lượng đường trong máu sau khi ăn 2 giờ.
Bị cảm
Một trong những lý do làm đường máu tăng lên là khi cơ thể bạn phải chống chọi với một trận cảm lạnh. Khi bị ốm, nôn, tiêu chảy làm cơ thể mất nước khiến đường trong máu tăng lên. Một số loại thuốc điều trị bệnh cũng có thể gây ảnh hưởng đến chỉ số đường huyết như thuốc kháng sinh, thuốc thông mũi…
Stress
Khi bị căng thẳng, stress, cơ thể con người thường có xu hướng giải phóng một số hormon có thể làm tăng lượng đường trong máu. Điều này thường xuyên xảy ra với người bị bệnh tiểu đường tuýp 2. Hãy thư giãn, hít thở sâu, tập thể dục hoặc đi ra ngoài để tránh stress.
Bánh mỳ
Nhiều người cho rằng bánh mỳ nào cũng giống nhau, tuy nhiên điều này hoàn toàn sai. Bánh vòng – bánh mỳ tròn – có nhiều carbohydrat hơn lát bánh mỳ trắng, vì vậy hãy thận trọng khi ăn loại thực phẩm này.
Nước giải khát
Các loại đồ uống bán sẵn chứa nhiều đường như soda, nước ngọt. Bổ sung nước là rất cần thiết, nếu bạn phải tập luyện với cường độ lớn có thể sử dụng thức uống thể thao. Tuy nhiên cần rất thận trọng và phải kiểm tra lượng calo, carbs và khoáng chất có trong đó trước khi sử dụng.
Hoa quả sấy khô
Hoa quả là lựa chọn tốt cho sức khỏe nhưng hãy cẩn trọng với các loại hoa quả sấy khô vì chúng nhiều carbohydrate và đường. Ví dụ như 2 thìa nho khô, hoặc việt quất khô cũng có thể làm lượng đường máu của bạn tăng vọt.
Thuốc steroid
Người ta dùng corticosteroid như prednisone để điều trị bệnh phát ban, viêm khớp, hen suyễn và nhiều bệnh khác, nhưng đây là nguyên nhân khiến đường máu tăng cao. Một số thuốc chống trầm cảm cũng là nguyên nhân khiến lượng đường trong máu tăng giảm bất thường.
Thuốc cảm lạnh
Các thuốc có hoạt chất pseudoephedrine hoặc phenylephrine có thể làm tăng đường trong máu. Thuốc kháng histamin thường không gây ra vấn đề nào với lượng đường trong máu của bạn.
Thuốc tránh thai
Các chuyên gia y tế cho rằng estrogen trong thuốc tránh thai có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể đáp ứng với insulin. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, thuốc tránh thai an toàn cho phụ nữ có bệnh tiểu đường, kể cả thuốc tiêm tránh thai. Hiệp hội tiểu đường Mỹ khuyến cáo phụ nữ có bệnh tiểu đường nếu dùng thuốc tránh thai, người bệnh cần nhận được sự tư vấn của bác sĩ.
Giấc ngủ
Với người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, lượng đường trong máu thường xuống rất thấp khi ngủ, hoặc khi thức dậy. Để cải thiện điều này người bệnh cần ăn nhẹ trước khi ngủ. Tuy nhiên có một số người, lượng đường trong máu có thể tăng lên vào buổi sáng – thậm chí trước khi ăn sáng – do thay đổi nội tiết tố hoặc giảm insulin trong cơ thể. Do đó việc kiểm tra thường xuyên lượng đường trong máu rất quan trọng với những người mắc bệnh tiểu đường.
Tập thể dục
Hoạt động thể chất là cách tuyệt vời để tăng cường sức khỏe cho mọi người. Nhưng với những người bị tiểu đường thì đôi khi nó làm bạn mất kiểm soát đường huyết. Khi tập thể dục, mồ hôi ra nhiều hơn, nhịp tim tăng lên, lượng đường trong máu vì thế cũng tăng theo. Nên kiểm tra đường máu trước, trong và sau khi tập.
Rượu
Thực chất các loại đồ uống có cồn được làm từ ngũ cốc như gạo, ngô, khoai, sắn, hoặc do lên men các loại quả. Tinh bột trong ngũ cốc chuyển hóa thành đường rất nhanh. Ngoài ảnh hưởng tới đường huyết, đồ uống có cồn còn gây hại cho nhiều cơ quan khác trong cơ thể như gan, thận, phổi, não. Hiệp hội tiểu đường Mỹ khuyến cáo không nên uống quá một ly mỗi ngày đối với phụ nữ và hai ly đối với nam giới.
Nhiệt độ quá cao
Nhiệt độ môi trường cũng góp phần làm cho lượng đường trong máu của bạn ngoài tầm kiểm soát. Khi nhiệt độ tăng lên, người bị bệnh tiểu đường nên kiểm tra đường máu thường xuyên hơn và uống nhiều nước để tránh mất nước. Ngoài ra nhiệt độ cao còn có thể ảnh hưởng đến thuốc và cả máy đo đường huyết, hãy để những đồ này ở nơi thoáng mát, nhiệt độ ổn định.
Hormon
Khi hormon của người phụ nữ thay đổi, thì lượng đường trong máu của họ cũng thay đổi. Điều này dễ nhận thấy nhất ở thời kỳ mãn kinh, người phụ nữ thay đổi nội tiết tố, điều này làm cho lượng đường trong máu càng khó kiểm soát. Trong trường hợp này, cách tốt nhất là người bệnh nên nói chuyện với bác sĩ của bạn về các liệu pháp thay thế hormon.
Đường nào không tốt với cơ thể?
Nếu bạn là một tín đồ hảo ngọt, việc loại bỏ hoàn toàn đường ra khỏi khẩu phần ăn sẽ trở thành “cực hình”. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, người bệnh cần biết rằng đường làm tăng đường huyết nhanh hơn carbs, tuy nhiên ăn bao nhiêu carbs để không làm cơ thể bị mệt mỏi vì thừa đường cũng trở thành một vấn đề. Cần quan tâm tới tổng lượng carbs và lượng calo chứ không nhất thiết phải kiêng tuyệt đối loại thực phẩm này.
Nguyễn Mai Hoàng
(Theo WEBMD)