Nhồi máu cơ tim cấp nguy hiểm thế nào?

Mặc dù có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị đã làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong nhưng các biến chứng sớm và muộn do bệnh lý này gây ra vẫn rất nặng nề và nguy hiểm cho người bệnh.

Dấu hiệu NMCTC có dễ nhận biết?

NMCTC là hiện tượng hoại tử bất kỳ một lượng cơ tim nào do nguyên nhân thiếu máu cục bộ. Đa số hoại tử này đều liên quan đến huyết khối mới sinh bít kín (hoặc gần hoàn toàn) lòng động mạch vành tương ứng. Khi bị NMCTC, người bệnh có thể nhận biết qua các dấu hiệu đặc trưng như cơn đau thắt ngực điển hình với triệu chứng đau như bóp nghẹt phía sau xương ức hoặc vùng trước tim, lan lên vai trái và mặt trong tay trái cho đến tận ngón đeo nhẫn và ngón út. Cơn đau thường xuất hiện đột ngột, kéo dài hơn 20 phút và không đỡ khi dùng nitroglycerin. Đau có thể lan lên cổ, cằm, vai, sau lưng, tay phải, hoặc vùng thượng vị. Tuy nhiên, có trường hợp bệnh nhân bị NMCT mà không có hoặc ít cảm giác đau (hay gặp ở bệnh nhân sau mổ, người già, đái tháo đường hoặc tăng huyết áp). Ngoài ra, còn có các triệu chứng khác như vã mồ hôi, khó thở, hồi hộp trống ngực, nôn hoặc buồn nôn, lú lẫn, tái nhợt da, lạnh đầu chi… phản ánh tình trạng tụt áp hay trụy tim mạch.

Xác định nhồi máu cơ tim có khó không?

NMCTC thường được xác định qua việc thăm khám thực thể và các xét nghiệm cận lâm sàng. Khám thực thể giúp chẩn đoán phân biệt, phát hiện các biến chứng, tiên lượng bệnh. Những triệu chứng hay gặp: Nhịp tim nhanh, tiếng tim mờ, tiếng ngựa phi; huyết áp có thể tăng hoặc tụt; xuất hiện tiếng thổi mới ở tim như thổi tâm thu do hở van hai lá, thông liên thất do thủng vách liên thất; các rối loạn nhịp hay gặp khi nhồi máu cơ tim vùng vách liên thất; các dấu hiệu của suy tim, phù phổi cấp, ran ẩm ở phổi, tiếng cọ màng tim (hội chứng Dressler).

Nhồi máu cơ tim cấp nguy hiểm thế nào?Nhồi máu cơ tim cấp gây tổn thương phần tim không được cấp máu đầy đủ.

Các phương pháp xét nghiệm như điện tâm đồ, xét nghiệm men tim, siêu âm tim, thăm dò phóng xạ tưới máu cơ tim (giúp ích cho chỉ định can thiệp mạch vành). Bên cạnh đó, việc xác định nhồi máu cơ tim cấp còn cần phân biệt với một số bệnh lý có chung triệu chứng lâm sàng và điện tim như viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim cấp, tách thành động mạch chủ, nhồi máu phổi và các bệnh cấp cứu khác (thủng dạ dày, cơn đau dạ dày cấp, viêm tụy cấp, viêm túi mật, giun chui ống mật…).

Mức độ nguy hiểm của NMCT

Đối với mỗi người bệnh bị NMCT, mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe càng xấu nếu độ rộng vùng nhồi máu (nói đúng hơn là khối lượng vùng cơ tim hoại tử) càng lớn, vị trí xuất hiện nhồi máu ở mặt trước tim, có huyết áp hạ dưới 30 mmHg, sốt… Nhưng các trường hợp có tỷ lệ tử vong cao chủ yếu phụ thuộc vào sự xuất hiện các biến chứng như loạn nhịp tim (nhất là nhanh thất, rung thất ngay trong vòng 2 giờ đầu) và suy bơm (nhất là sốc do tim, phù phổi cấp). Xếp mỗi bệnh nhân đang NMCTC vào nhóm nguy cơ cao hay nhóm nguy cơ thấp hơn là dựa vào sự xuất hiện hay không một trong các biến chứng này cùng với vỡ tim, huyết khối – thuyên tắc… Do đó cùng là nhồi máu cơ tim nhưng mức độ nguy hiểm khác xa nhau, độ vất vả và khó khăn khi chữa trị cũng khác nhau. Nếu người bệnh NMCT không được điều trị, tử suất trong 4 tuần lễ đầu 30 – 40%, tùy nước, trong số tử vong này thì khoảng 1/2 dồn vào giờ đầu, thường là chưa vào viện, chủ yếu do rung thất và loạn nhịp tim khác.

Các biến chứng của NMCTC

Rối loạn nhịp tim (RLNT): Đây là tình trạng nhịp tim bất thường, có thể nhanh, chậm so với tốc độ trung bình nhưng nặng nhất là rung thất (RT) rồi đến nhịp nhanh thất (NTT). Cũng coi là rất nặng nếu những RLNT khác, nhất là rung nhĩ và bloc nhĩ thất cấp 3 kéo dài làm biến đổi huyết động, tụt huyết áp, suy tim. Các loạn nhịp tim thường gặp là loạn nhịp trên thất bao gồm nhịp nhanh xoang, nhịp chậm xoang,  nhịp nhanh kịch phát trên thất, rung nhĩ… và các loạn nhịp thất như nhịp nhanh thất, rung thất…

Các bloc nhĩ thất: Biến chứng này thường gặp ở NMCTC sau – dưới, được chia thành 3 mức độ khác nhau với độ 3 là bloc tim hoàn toàn, nhịp tim rất chậm kiểu nhịp thoát thất, có thể xảy ra rất đột ngột, tỷ lệ tử vong cao.

Các biến chứng suy bơm: Biến chứng quan trọng của NMCTC (nhất là khi khối hoại tử càng lớn) là suy thất trái, suy tâm thu và cả suy tâm trương (loạn chức năng tâm trương với “thất cứng” tức là giảm giãn năng – compliance). Mức nặng nhất của suy bơm là “sốc do tim”. Sốc là giảm tưới máu mô, mà biểu hiện không chỉ là trụy mạch (huyết áp tâm thu dưới 90 mmHg), mà còn có thiểu niệu, vô niệu, rối loạn ý thức, đầu chi nhợt, lạnh ẩm, toan huyết (có khi biểu hiện bằng thở chu kỳ).

Các biến chứng cơ học: Thường xảy ra trong tuần lễ đầu với các nguy cơ vỡ thành tự do thất trái; vỡ (thủng, rách) vách liên thất tạo ra một “thông liên thất mắc phải cấp” làm xuất hiện một âm thổi tâm thu mới; đứt rách cơ nhú như đứt rời hoặc chỉ rách hoặc chỉ rối loạn chức năng cơ nhú ở cột cơ của một trong hai lá van, tạo nên sa van, sinh ra hở hai lá cấp, với triệu chứng phụt ngược rất rõ, xuất hiện một âm thổi tâm thu mới.

Các biến chứng huyết khối, thuyên tắc: Biến chứng này gây nguy cơ tái phát NMCTC khiến hoại tử lan rộng hoặc thêm hoại tử cơ tim mới thuyên tắc đại tuần hoàn. Thuyên tắc đại tuần hoàn thường xuất hiện sau 1 – 3 tuần, cục huyết khối xuất phát từ mặt trong thành thất trái, di chuyển theo dòng máu tới não, mạc treo, các chi, hiếm khi chui vào mạch vành. Thuyên tắc động mạch phổi, nếu người bị NMCT đã nằm bất động quá dài hay lạm dụng thuốc lợi tiểu khiến máu cô đặc hơn thì biến chứng càng dễ xảy ra.

Các biến chứng sớm khác: Viêm màng ngoài tim cấp, xảy ra ngay sau mấy ngày đầu với biểu hiện đau dữ dội ngay phía sau xương ức lan ra sau lưng. Trong các biến chứng này thì đột tử là nặng nề nhất. Đột tử được tim mạch học trước kia xếp làm 1 trong 5 “đại biến chứng” nhồi máu cơ tim. Nhưng ngày nay, với đơn vị hồi sức bám sát bệnh nhân, tử vong này được xếp vào mục các nguyên nhân cụ thể như: Vỡ tim (thường gặp hơn cả), các RLNT, sốc do tim, thuyên tắc phổi khối lớn, thuyên tắc mạch vành ngay ở đoạn thân chung động mạch vành trái.

Các biến chứng muộn: Hội chứng Dressler xảy ra muộn (ở tuần thứ 3 – 10) vì hiện tượng tự miễn. Sốt, đau ngực khi hít vào sâu. Tăng bạch cầu, tăng tốc độ máu lắng và tăng hiệu giá “kháng thể kháng cơ tim”, đoạn ST chênh lên kiểu đồng vận nhiều chuyển đạo. Rất hiếm khi biến chứng về sau thành viêm màng ngoài tim co thắt; phình thất; đau thắt ngực sau nhồi máu cơ tim chiếm tới 20 – 30% bệnh nhân. NMCTC tái phát chiếm 5 – 20% bệnh nhân. Suy tim nhưng lý do cụ thể rất khác nhau, cần xem xét để điều trị. Đột tử vẫn có thể xảy ra ở thời kỳ muộn này, do rung thất, nhịp nhanh thất. Viêm quanh khớp vai sau nhồi máu cơ tim với biểu hiện đau, cứng, thay đổi vận mạch da.

Điều trị và phòng ngừa bệnh thế nào?

NMCTC là một siêu cấp cứu nên người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được xử trí đúng, nhanh. Với các điều trị ban đầu, người bệnh được nằm bất động tại giường, thở oxy, dùng các thuốc cần thiết như thuốc giảm đau, thuốc chống ngưng kết tiểu cầu, nitroglycerin, thuốc chống đông. Bên cạnh đó, người bệnh còn được thực hiện các biện pháp tiêu huyết khối, can thiệp động mạch vành qua da, phẫu thuật bắc cầu nối chủ – vành cấp cứu để tái tưới máu cơ tim. Sau khi được cấp cứu thành công, người bệnh tiếp tục được theo dõi, dùng thuốc cùng với chế độ ăn uống, luyện tập vừa sức.

Để phòng ngừa tái phát NMCTC, người bệnh sau khi ra viện cần thực hiện một số biện pháp sau:

Về chế độ dinh dưỡng: Bổ sung vào chế độ ăn các thực phẩm hải sản từ cá, tôm, sò biển… Tăng sử dụng rau xanh, các chất xơ, hoa quả tươi. Có thể ăn các loại cháo loãng và cháo hầm; đồ ăn nhẹ tương tự như các sản phẩm từ sữa chua, các món canh (súp) dễ ăn và nước rau củ nghiền, luộc hấp; kiêng các món ăn chiên, rán và mỡ…

Tăng cường hoạt động thể lực phù hợp: Dựa vào ý kiến của thầy thuốc khi làm nghiệm pháp điện tâm đồ gắng sức và bản thân người bệnh cũng tự “lắng nghe cơ thể mình” tự tập ở mức độ nào mà cơ thể thấy dễ chịu, không lạm dụng thể dục thể thao vì không phải càng tập nhiều càng chóng khỏi bệnh.

Thay đổi lối sống: Thường xuyên theo dõi cân nặng, ngừa thừa cân, béo phì, bỏ hút thuốc lá, kiểm soát tốt huyết áp và dũng cảm đối mặt sống chung với trái tim có nhồi máu cơ tim bằng tâm lý an nhiên, thanh thản.

Sống điều độ: Điều độ về thời gian (ăn, ngủ, làm việc, nghỉ ngơi…).

TS. Tạ Tiến Phước

Rate this post