Nhịp tim nói gì về sức khỏe của bạn?

Dưới đây là một vài lý do có thể giải thích những bất thường trong nhịp tim của bạn.

1. Căng thẳng

Stress có thể khiến cho nhịp tim và huyết áp tăng lên, đặt cơ thể vào tình trạng “chiến đấu hay bỏ chạy”. Stress mạn tính khiến tim luôn ở trong trạng thái báo động cao, điều này làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.

2. Bị tiểu đường hoặc có nguy cơ bị tiểu đường

Các bác sĩ không rõ nhịp tim nhanh gây bệnh tiểu đường hay tiểu đường gây ra nhịp tim nhanh, nhưng các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng hai yếu tố này có liên quan tới nhau. Thông thường, những người bị tiểu đường ít hoạt động và nhiều khả năng bị bệnh mạch vành và huyết áp cao hơn, tất cả những điều này gây căng thẳng cho tim. Và khi tim không khỏe, nó có thể dẫn tới những vấn đề khác. Có nhiều nghiên cứu cho thấy mối liên quan giữa nhịp tim cao hơn, đặc biệt ở bệnh nhân bị tiểu đường với những kết quả bất lợi hơn.

3. Bất thường trong hệ thống điện tim

Tim có hệ thống điện riêng – mạng lưới tín hiệu giúp tim đập chính xác và nhịp tim chậm có thể bao hiệu bất thường. Những người có vấn đề về nhịp tim có thể cảm thấy chóng mặt hoặc đau đầu. Bác sĩ có thể phát hiện và xác định vấn đề chỉ với phương pháp điện tâm đồ đơn giản.

 

4. Không luyện tập đủ

Cụm từ “dùng hoặc mất” được áp dụng cho tim. Bạn cần tập luyện để tim hoạt động tốt. Lười vận động và béo phì thường góp phần làm tăng nhịp tim khi nghỉ ngơi. Lý do là vì khi bạn tăng cân, tim phải hoạt động vất vả hơn để vận chuyển máu. Ngoài ra bạn càng béo tim càng cần nhiều máu hơn để đập bình thường.

Tuy nhiên, tập luyện quá nhiều có thể làm giảm nhịp tim khi nghỉ ngơi. Một số vận động viên có nhịp tim khi nghỉ ngơi thấp hơn 60 nhịp/phút.

5. Thuốc (bao gồm cả thuốc kê đơn)

Một số thuốc có thể ảnh hưởng tới chỉ số nhịp tim. Thuốc chẹn beta và thuốc chẹn kênh canxi là những loại chính có thể làm giảm nhịp tim. Cả hai thuốc này đều làm thư giãn tim, do đó có thể làm chậm nhịp tim. Điều này không phải lúc nào cùng gây nguy hiểm, nhưng hãy đi khám bác sĩ nếu bạn có bất cứ lo ngại nào.

Mặt khác, caffein có thể làm tăng nhịp tim nhanh chóng. Chất này thường được tìm thấy trong các thuốc đau đầu và có mặt trong một số loại thực phẩm và đồ uống như trà và sô cô la. Theo các bác sĩ, một số người rất nhạy cảm với caffein, vì vậy khi uống cà phê hoặc đồ uống năng lượng,  ngay lập tức họ bị tăng nhịp tim.

6. Bị mất nước hoặc thừa nước

Các khoáng chất ở trong cơ thể chứa điện tích được gọi là các chất điện giải. Nếu uống quá nhiều hoặc không đủ nước, bạn có thể bị mất cân bằng chất điện giải trong cơ thể. Điều này ảnh hưởng tới hóa sinh của cơ thể. Nếu lượng kali, canxi hoặc magiê giảm thấp, nó có thể gây rối loạn nhịp tim, biểu hiện là nhịp tim nhanh hơn.

7. Suy giáp hoặc cường giáp

Tuyến giáp sản xuất các hormon giúp cơ thể hoạt động chính xác. Nếu nó không sản xuất đủ, bạn bị suy giáp, tình trạng này có thể khiến nhịp tim chậm lại. Mặt khác, nếu nó hoạt động quá mạnh và bơm ra nhiều hormon, bạn có thể bị cường giáp, làm tăng nhịp tim. Bác sĩ có thể tiến hành xét nghiệm máu để đánh giá chức năng tuyến giáp.

BS Cẩm Tú

(Theo Prevention/univasdis)

Rate this post