Trong số 129 ra ngày 12/8, báo SK&ĐS đã có bài viết Chất độc cyanua ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào? Tiếp theo loạt bài của các chuyên gia về một số chất độc có trong hải sản ở vùng biển bị ô nhiễm ở miền Trung nước ta thời gian gần đây, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của TS.BS. Lê Thanh Hải về chất phenol trong các nguồn thải môi trường ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe người bị phơi nhiễm và hướng dẫn cách xử lý sơ cứu ban đầu trong trường hợp tiếp xúc trực tiếp với phenol.
Phenol là chất rắn, tinh thể không màu, có mùi đặc trưng, nóng chảy ở 43°C. Phenol là những hợp chất hữu cơ trong phân tử có nhóm OH liên kết trực tiếp với nguyên tử C vòng benzen.
Phenol được dùng trong nhiều lĩnh vực khác nhau: Công nghiệp chất dẻo dùng để điều chế nhựa phenol formaldehyde; Công nghiệp tơ hóa học tổng hợp ra tơ polyamide; Nông dược điều chế được chất diệt cỏ dại và kích thích tố thực vật; Phenol cũng là nguyên liệu để điều chế phẩm nhuộm, thuốc nổ; Phenol được dùng để làm chất sát khuẩn, tẩy uế hoặc chế các chất diệt nấm mốc.
Trong các nguồn thải phenol vào môi trường, một nguồn thải quan trọng của phenol là sản phẩm chất thải của quá trình công nghiệp được đưa vào các hệ sinh thái thủy sinh, ảnh hưởng xấu đến hệ sinh vật bản địa bao gồm tảo, động vật nguyên sinh, động vật không và có xương sống. Ngoài độc tính đã rõ, phenol gây ra nhiều hiệu ứng khác đối với các sinh vật, chẳng hạn như khả năng sinh sản giảm, giảm sống sót của giai đoạn trẻ và ức chế sự tăng trưởng. Phenol được hấp thu nhanh qua da và hít qua phổi. Sau khi hấp thụ một lượng vừa phải của phenol, nó được giải độc bằng cách kết hợp với sulfuric, acid glucuronic và bài tiết trong nước tiểu. Phơi nhiễm cao với phenol có thể gây tử vong cho con người, trẻ em nhạy cảm hơn với phenol.
Cơ quan chức năng kiểm tra sản phẩm có chứa phenol.
Phenol có thể được tìm thấy trong không khí và nước sau khi thải ra từ việc sản xuất, sử dụng và xử lý sản phẩm có chứa phenol. Phenol trong đất có khả năng di chuyển đến nước ngầm. Phenol được nhanh chóng bị phá vỡ trong không khí, thường là trong vòng 1,5 ngày – 2 ngày. Phenol có thể tồn tại trong nước cho một tuần hoặc nhiều hơn. Phenol còn lại trong đất có thể bị phá vỡ ra bởi vi khuẩn hoặc vi sinh vật khác.
Nếu bạn đang tiếp xúc với phenol, nhiều yếu tố sẽ quyết định bạn bị tổn hại. Những yếu tố này bao gồm liều lượng, thời gian và làm thế nào bạn tiếp xúc với nó. Các tác dụng cấp tính và mạn tính do phenol (nguồn: United states Environmental protection Agency).
Hiệu ứng cấp tính
Hít phải và tiếp xúc qua da với phenol gây khó chịu cho da, mắt và màng niêm mạc ở người.
Các triệu chứng của ngộ độc cấp tính ở người bao gồm thở không đều, yếu cơ và run cơ, mất phối hợp, co giật, hôn mê và ngừng hô hấp ở liều gây chết người.
Thử nghiệm động vật cấp tính ở chuột và thỏ cho thấy phenol có độc tính cao từ việc tiếp xúc bằng miệng.
Hiệu ứng mạn tính
Chán ăn, giảm cân, tiêu chảy, chóng mặt, tiết nước bọt và nước tiểu có màu tối đã được báo cáo ở người tiếp xúc mạn tính với phenol. Kích thích dạ dày ruột, ảnh hưởng máu và gan cũng đã được báo cáo.
Tiếp xúc của phenol lên da cho kết quả viêm da và hoại tử da. Loạn nhịp tim cũng đã được báo cáo ở người tiếp xúc với nồng độ cao của phenol.
Hít phải mạn tính của động vật đối với phenol đã cho thấy ảnh hưởng lên hệ thống thần kinh trung ương, thận, gan, hô hấp và tim mạch.
Ảnh hưởng sinh sản và phát triển
Các nghiên cứu trên động vật đã báo cáo giảm trọng lượng cơ thể của thai nhi, chậm phát triển thai nhi và phát triển bất thường ở thế hệ con của động vật tiếp xúc với phenol bằng đường uống. Giảm tăng cân của động vật mẹ và gia tăng tỷ lệ tử vong động vật mẹ cũng đã được quan sát.
Có nguy cơ ung thư?
Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA) đã phân loại phenol thuộc nhóm D, không phân loại vào chất gây ung thư của con người dựa trên một sự thiếu dữ liệu về tác dụng gây ung thư ở người và động vật.
Tham khảo một số quy định và khuyến nghị (*) cho phenol bao gồm những điều sau đây:
Khuyến nghị hướng dẫn có giá trị để bảo vệ sức khỏe cộng đồng do một số cơ quan Hoa Kỳ đưa ra: Cơ quan bảo vệ môi trường (EPA), Cơ quan Quản lý Vấn đề An toàn và Sức khỏe lao động (Occupational Safety and Health Administration: OSHA) và Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm – FDA (xem bảng ).
Hướng dẫn về các xử lý sơ cứu khẩn cấp ban đầu trong các trường hợp tiếp xúc trực tiếp với phenol.
Xử lý ban đầu khi tiếp xúc trực tiếp với phenol
Với da: Hủy bỏ bất kỳ quần áo bị nhiễm phenol ngay lập tức. Mang găng tay thích hợp để tránh ô nhiễm thêm hoặc gây thương tích cho người sơ cứu đầu tiên.
Xối rửa vùng da bị ảnh hưởng với nhiều nước trong ít nhất 15 phút để loại bỏ bất kỳ phenol có thể được nằm trên bề mặt của da chưa kịp hấp thu.
Sau khi tưới rửa ban đầu với nước, áp dụng polyethylene glycol (trọng lượng phân tử 300) thường được gọi là PEG300 hoặc macrogol 300 trong ít nhất 30 phút hoặc cho đến khi nạn nhân được chuyển và nhận điều trị tại các đơn vị cấp cứu.
Với mắt: Trong trường hợp tiếp xúc mắt sẽ có cơn đau dữ dội và đỏ mắt. Rửa mắt bị ảnh hưởng với nhiều nước và chuyển đến các đơn vị cấp cứu ngay lập tức.
Khi hít phải: Tạo môi trường thoáng khí xung quanh. Thở oxy nếu có thể và chuyển đến các đơn vị cấp cứu ngay lập tức.
Khi nuốt phải: Không được ép nôn; không bao giờ sử dụng miệng để hô hấp nạn nhân và chuyển đến các đơn vị cấp cứu ngay lập tức.
(*) (nguồn: The Agency for Toxic Substances and Disease Registry (ATSDR). Public Health Statement for Phenol. September 2008).
TS.BS. Lê Thanh Hải