Viêm phổi là một trong những nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất cho trẻ em trên thế giới, đặc biệt là trẻ em các nước nghèo và đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Vào mùa Đông Xuân khi thời tiết còn đang lạnh, số lượng bệnh nhi nhập viện vì viêm phổi tăng cao. Vậy đối với những trẻ này cần được điều trị và chăm sóc như thế nào?
Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng nhu mô phổi, gây ra chứng ho, sốt và khó thở. Đây là một bệnh lý nặng, đặc biệt là ở trẻ em. Viêm phổi có thể gây ra bởi vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng. Các tác nhân gây viêm phổi thay đổi theo lứa tuổi, cụ thể như sau: Ở trẻ em trên 5 tuổi viêm phổi do vi khuẩn là thường gặp hơn cả. Ở trẻ nhỏ và trẻ dưới 5 tuổi, viêm phổi do virus thường gặp nhiều hơn.
Cách nhận biết trẻ bị viêm phổi
Các triệu chứng phổ biến bao gồm: Ho, sốt, thở nhanh hơn bình thường, khó thở hoặc đau khi hít vào. Đối với trẻ nhỏ rối loạn ăn uống, biếng ăn là hay gặp.
Cách theo dõi nhịp thở: Bạn hãy đề nghị bác sĩ hướng dẫn bạn cách đếm nhịp thở cho con. Cách làm như sau: Hãy để con bạn ngủ yên, bạn đếm khi trẻ không sốt hoặc chỉ sốt nhẹ (dưới 38 độ), kéo áo con lên quan sát bụng và ngực con. Mỗi lần bụng trẻ nhô lên hụp xuống tính là 1 nhịp thở, bạn phải đếm đúng trong vòng 1 phút.
Gọi là thở nhanh khi: Thở trên 60 lần trở lên với trẻ dưới 2 tháng; trên 50 lần với trẻ 2- 12 tháng; trên 40 lần với trẻ 1-5 tuổi; trên 20 lần trở với trẻ từ 5 tuổi trở lên; khi thấy trẻ thở nhanh bạn phải đếm lại 2-3 lần cho chắc chắn.
Không phải tất cả trẻ con bị viêm phổi đều có triệu chứng giống nhau. Nhưng nếu đứa trẻ có tình trạng giống như nói ở trên và có cả 2 triệu chứng là ho và sốt thì có khả năng trẻ bị viêm phổi.
Khám phổi cho bệnh nhi.
Khi nào đưa trẻ tới gặp bác sĩ?
Viêm phổi là một bệnh nặng và có thể gây tử vong, do đó nếu bạn nghĩ con bạn có khả năng viêm phổi hãy đưa tới gặp bác sĩ nhi khoa ngay lập tức. Hãy gọi xe cấp cứu để được hỗ trợ kịp thời nếu con có một trong các triệu chứng sau: Ngưng thở, da xanh tái hoặc nhợt nhạt, rất khó thở, thở rên, trông trẻ có vẻ rất mệt mỏi và rất gắng sức mới thở được.
Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ, mức độ nặng của bệnh và tác nhân gây viêm phổi là virus hay vi khuẩn. Đối với những trẻ bệnh rất nặng hoặc tuổi nhỏ khi bị viêm phổi thì phải nhập viện điều trị.
Cần nhập viện khi: Tất cả trẻ dưới 3 tháng có biểu hiện viêm phổi. Trẻ trên 3 tháng viêm phổi và sốt cao trên 38,5 độ C. Suy hô hấp mức độ trung bình đến nặng (nhịp thở trung bình trên 70 lần ở trẻ dưới 1 tuổi, trên 50 lần với trẻ lớn, co lõm lồng ngực, khó thở nặng, thở rên, cánh mũi phập phồng, ngưng thở), tím tái, li bì, trẻ bỏ bú, mất nước (mắt trũng, tiểu ít)…
Lưu ý khi chăm sóc trẻ tại nhà
Hầu hết trẻ em bị viêm phổi do vi khuẩn sẽ bắt đầu cảm thấy tốt hơn sau 2-3 ngày kể từ khi được điều trị bằng kháng sinh. Tuy nhiên trẻ có thể sẽ vẫn cảm thấy mệt và ho vài tuần sau đó, có khi cả tháng sau khi được điều trị. Do vậy, việc chăm sóc cho trẻ tại nhà tốt nhất là hãy cố gắng giữ cho trẻ được thoải mái nhất có thể và chắc chắn rằng trẻ được nghỉ ngơi nhiều. Bạn nên khuyến khích trẻ uống nhiều nước. Đối với nhũ nhi và trẻ nhỏ, bạn nên cho trẻ từng lượng nhỏ nước uống chứ không cần quá nhiều cùng một lúc.
Dinh dưỡng, cung cấp đủ nước cho bé thông qua sữa, nước uống trực tiếp, cháo, soup… Theo dõi tình trạng đi tiểu của bé để xem cung cấp nước có đủ không. Nếu bé tiểu ít, nước tiểu vàng có thể là do cung cấp thiếu nước.
Vệ sinh mũi: Thường các trẻ viêm phổi cũng có viêm hô hấp trên kèm theo có thể vệ sinh mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý, hoặc dạng xịt phun sương, lấy nhầy mũi bằng bấc sâu kèn.
Giảm ho an toàn: Không cho con bạn uống các thuốc có tác dụng giảm ho. Những thuốc này thường là không hiệu quả và có thể làm trẻ nặng hơn do các tác dụng không mong muốn của thuốc. Chúng ta phải hiểu rằng, ho là phản xạ tự nhiên để bảo vệ đường hô hấp của cơ thể. Ho giúp tống đờm và vi khuẩn ra ngoài cơ thể, giúp làm sạch đường hô hấp để bệnh nhanh khỏi hơn. Tất cả những nỗ lực bằng mọi cách để giảm ho cho trẻ sẽ gây hại hơn cho trẻ. Chỉ một số trường hợp hãn hữu mới cần thuốc giảm ho, điều này sẽ do bác sĩ quyết định.
Làm ẩm không khí trong phòng hỗ trợ niêm mạc hô hấp, tránh nằm máy lạnh ở nhiệt độ quá thấp.
Hãy gọi cho bác sĩ của bạn nếu con bạn không tốt hơn sau 2 ngày điều trị, có thể phải điều chỉnh cách điều trị. Dấu hiệu chỉ điểm trẻ tốt hơn (đáp ứng với thuốc) thường là hết sốt, thở bớt mệt, ăn khá hơn.
Nếu viêm phổi điều trị trễ hoặc không đúng cách, hoặc vi khuẩn độc lực quá mạnh có thể gây ra các biến chứng. Một khi biến chứng xảy ra thì điều trị phức tạp và nguy cơ tử vong cao. Các biến chứng có thể xảy ra như tràn dịch, tràn mủ, tràn khí khoang màng phổi; viêm phổi hoại tử, ápxe phổi; kén khí phổi; hạ Natri máu; suy hô hấp và tử vong.
Làm sao để phòng ngừa viêm phổi?
Rửa tay con bạn thường xuyên với xà bông và nước, đó là cách tốt nhất để phòng ngừa sự lây lan của nhiễm khuẩn. Bạn cũng có thể dùng cồn rửa tay để thay thế nhưng phải đảm bảo rửa hết cả bàn tay.
Có vài loại vaccine có thể giúp con bạn ngừa được viêm phổi dựa vào tác nhân gây bệnh:
Tiêm ngừa phế cầu: Phế cầu là tác nhân gây viêm phổi hàng đầu tại cộng đồng, phế cầu còn gây viêm tai giữa, viêm màng não. Phế cầu có thể tiêm sớm nhất và lúc 2 tháng tuổi.
Tiêm ngừa Hib, ho gà: 2 vi khuẩn này đã được tích hợp trong trong mũi tiêm hỗn hợp (5 trong 1, 6 trong 1)
Sởi: Lúc 9 tháng và 18 tháng, hoặc mũi 3 trong 1: sởi – quai bị – rubell, hoặc mũi 2 trong 1: sởi- rubella. Vaccin 2 trong 1 và 3 trong 1 này tiêm khi trẻ đủ 12 tháng.
Cúm: Tiêm cho trẻ sau 6 tháng tuổi.Trẻ dưới 9 tuổi: Tiêm 2 liều cách nhau tối thiểu 4 tuần. Trẻ từ 9 tuổi trở lên: Tiêm 1 liều. Tiêm nhắc lại mỗi năm, vì virus cúm thay đổi kháng khuyên hàng năm.
Các biện pháp khác: Có những nghiên cứu cho thấy việc bổ sung kẽm có thể ngừa được nhiễm trùng hô hấp, hãy hỏi bác sĩ nếu cần thiết bác sĩ sẽ kê đơn và hướng dẫn cho bạn cách dùng.
Tránh khói thuốc lá: Đường thở của trẻ sẽ trở nên yếu ớt do tác động của khói thuốc lá, vì vậy trẻ dễ bị viêm phổi hơn trẻ khác.
Cách li trẻ bệnh, không tiếp xúc với người đang có biểu hiện viêm hô hấp, rửa tay người chăm sóc, lau chùi các bề mặt thường xuyên. Dạy trẻ cách che miệng khi ho.
BS.Trần Văn Công