Thế nào là chửa trứng?
Bình thường, sau khi tinh trùng kết hợp với noãn sẽ trở thành trứng thụ tinh, phát triển thành thai nhi. Trong một số trường hợp, tế bào nuôi phát triển quá nhanh, tổ chức liên kết và các mao mạch của mạch máu rốn ở gai nhau không phát triển kịp. Gai nhau bị thoái hóa, phù nề tạo thành các túi chứa dịch dính vào nhau giống như chùm nho và chiếm phần lớn buồng tử cung, được gọi là thai trứng. Trứng có thể phát triển thành một khối không có phôi thai (được gọi là chửa trứng toàn phần) hoặc có phôi thai bất thường (chửa trứng bán phần). Một phần nhỏ gai rau bị thoái hoá, còn phần lớn gai rau không bị thoái hoá vẫn đủ để nuôi dưỡng thai, trong buồng tử cung có cả thai, bánh rau và một số túi trứng (chửa trứng kèm theo thai nhi).
Các dấu hiệu của chửa trứng
Ban đầu, người bị chửa trứng cũng có biểu hiện mang thai bình thường. Tuy nhiên những người chửa trứng thường bị nghén rất nặng, nôn nhiều, ăn vào lại nôn, người gầy sút, ra máu âm đạo… Một triệu chứng điển hình nữa là tử cung của người chửa trứng to quá mức không tương xứng với tuổi thai. Thai phụ thường mệt mỏi, xanh xao, niêm mạc nhợt, hay bị hoa mắt chóng mặt, hồi hộp, run tay, vã mồ hôi…
Trong quá trình tiến triển của chửa trứng dễ xuất hiện các biến chứng nguy hiểm như: sảy thai trứng gây băng huyết, thủng tử cung do thai trứng ăn sâu vào lớp cơ tử cung hoặc có thể dẫn đến ung thư tế bào nuôi.
Xử trí thế nào?
Để chẩn đoán chính xác tình trạng chửa trứng, thai phụ phải khám chuyên khoa sản, làm một số xét nghiệm như: siêu âm bụng, định lượng HCG, estrogen máu, công thức máu…Sau khi làm các xét nghiệm cần thiết, nếu đã xác định chắc chắn là chửa trứng, thai phụ sẽ được tư vấn cách điều trị phù hợp. Trước tiên là cần phải nạo hút thai trứng càng sớm càng tốt. Nếu bệnh nhân chưa có con hoặc chưa sinh đủ con, bác sĩ sẽ nạo sạch trứng trong buồng tử cung. Với những phụ nữ đã sinh đủ con, tốt nhất là cắt toàn bộ tử cung mà không cần nạo trứng. Mục đích của cắt tử cung là làm giảm nguy cơ biến chứng thành ung thư tế bào nuôi.
Sau khi nạo thai trứng, bệnh nhân phải được theo dõi và tái khám thường xuyên theo lịch hẹn của bác sĩ để phòng ngừa biến chứng có thể xảy ra và đảm bảo an toàn cho lần mang thai sau.
Bác sĩ Thu Lan