Nguyễn Nam (Hà Nội)
Bệnh gan nhiễm mỡ thực chất là một biểu hiện của việc tích lũy quá nhiều mỡ ở gan. Gọi bệnh gan nhiễm mỡ hay thoái hóa mỡ gan khi sự tích lũy chất béo trong gan vượt quá 5% trọng lượng của gan. Bệnh gan nhiễm mỡ có thể dẫn đến xơ gan, từ đó có thể ung thư gan. Có nhiều nguyên nhân gây bệnh gan nhiễm mỡ. Thống kê cho thấy, bệnh gan nhiễm mỡ hay gặp ở người nghiện rượu, lười vận động cơ thể, do thừa cân, béo phì, do đái tháo đường, tăng lipid máu (bao gồm cả cholesterol và triglycirit hoặc do suy dinh dưỡng do thiếu hụt protein hoặc có thể do các bệnh viêm gan khác: viêm gan A, B, C, E hoặc do bệnh sốt rét.
Ngoài ra, nếu chế độ ăn nhiều chất béo, nhiều đường hoặc quá ít chất đạm cũng có thể dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ. Nếu bệnh gan nhiễm mỡ kèm viêm gan virut B, C thì có đến 25% sẽ tiến triển đến xơ gan trong cùng thời gian đó, thậm chí ung thư gan. Để biết có bị bệnh gan nhiễm mỡ, cần xét nghiệm sinh hóa máu thấy các men gan tăng cao (SGOT, SGPT, GGT). Khi nghi ngờ có thể chụp gan cắt lớp (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ siêu âm ổ bụng. Phòng ngừa bệnh gan nhiễm mỡ bằng chế độ ăn hợp lý và tăng cường vận động cơ thể dưới mọi hình thức. Nếu thừa cân, nên áp dụng chế độ ăn giảm đường, mỡ, giảm thực phẩm giàu cholesterol và tryglycirit, hạn chế ăn mỡ động vật, tăng cường ăn cá, hạn chế bia rượu. Ăn nhiều loại thực phẩm có tác dụng giảm mỡ máu như tỏi, giá đỗ, cà chua, rau cần, rau xanh; ăn các loại quả giàu vitamin C hoặc dùng nước ép bưởi, cam, quýt, thanh long, bơ, ổi…
Trường hợp của bạn bệnh gan nhiễm mỡ độ 2 nhưng nếu không kèm viêm gan virut hoặc men gan không tăng cao thì cũng không nên quá lo lắng. Còn để kết luận là nặng hay không còn liên quan tới xét nghiệm chức năng gan thế nào, cụ thể là men gan tăng nhiều hay ít, có xơ gan không? Để phát hiện sớm các biến chứng, bạn nên khám sức khỏe định kỳ.
BS. Nguyễn Văn