Nguyễn Viết Nam (Hà Giang)
Khô miệng có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng ở người cao tuổi (NCT), tỷ lệ mắc nhiều hơn. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới khô miệng: nhưng thường thấy là căng thẳng bởi stress, do lo lắng, sợ hãi, thời tiết thay đổi, do viêm nhiễm, chấn thương tuyến nước bọt. Ngoài ra còn do sử dụng một số loại thuốc chữa bệnh, nhất là phản ứng phụ của nhóm thuốc lợi tiểu, do mắc bệnh đái tháo đường, bệnh trầm cảm, sử dụng thuốc chống ung thư; do tuổi già, hệ thống trao đổi chất, miễn dịch suy yếu…
Nếu bác bị khô miệng, việc đầu tiên phải xác định nguyên nhân và chữa trị triệt để. Nếu là do thuốc, bác nên đến gặp bác sĩ có thể xác định nguyên nhân và thay đổi thuốc hoặc liều dùng. Với những trường hợp khô miệng nặng, phải điều trị bằng các loại thuốc tăng lượng nước bọt. Tuy nhiên, những loại thuốc này luôn có tác dụng phụ và cần phải cân nhắc trước khi dùng.
Ngoài ra, bác cũng nên dùng thử một số chất có thể thay thế nước bọt hoặc tạo nước bọt nhân tạo được sử dụng để giữ cho miệng ẩm như kẹo cao su, chất keo hoặc nước súc miệng. Bên cạnh đó, bác nên tăng cường uống nước, tránh dùng đồ uống có chứa nhiều caffein như: cà phê, nước giải khát có gas hoặc đồ uống trộn lẫn giữa nước tăng lực với nước ngọt hoặc với rượu. Hạn chế tối đa đồ ăn thức uống có chứa nhiều đường, mỡ và muối, không nên hút thuốc lá, không nên thở bằng miệng…
BS. Quang Thắng