Các nguyên nhân gây khiếm thị thường gặp
Các bệnh mắt bẩm sinh hoặc di truyền như: đục thể thủy tinh bẩm sinh, glocom bẩm sinh, rung giật nhãn cầu bẩm sinh, thoái hóa sắc tố võng mạc, thoái hóa hoàng điểm bẩm sinh, nhãn cầu nhỏ, củng mạc hóa giác mạc…
Một số bệnh toàn thân bẩm sinh hoặc di truyền: bạch tạng, Rubella bẩm sinh, bệnh võng mạc trẻ đẻ non.
Nhóm bệnh liên quan đến tật khúc xạ cao: cận thị thoái hóa, viễn thị nặng, loạn thị…
Nhóm bệnh lý liên quan đến tổn thương thần kinh thị giác: teo gai thị, glocom…
Một số di chứng sau các bệnh về mắt: sẹo đục giác mạc sau chấn thương, bỏng mắt, viêm màng bồ đào, bong võng mạc…
Nhóm bệnh lý đáy mắt liên quan tuổi già: thoái hóa hoàng điểm tuổi già, đục thủy tinh thể…
Nhóm bệnh lý đáy mắt liên quan bệnh toàn thân: bệnh võng mạc tiểu đường, bệnh võng mạc do tăng huyết áp.
Người khiếm thị cần đến các đơn vị phục hồi chức năng của bệnh viện mắt để được khám và tư vấn.
Triệu chứng khi bị khiếm thị
Di chuyển khó khăn khi trời sẩm tối.
Gặp nhiều khó khăn khi đi lại và lên xuống cầu thang.
Không đọc được chữ trên bảng đen và các biển hiệu, tên phố trên đường.
Đọc, viết khó khăn hoặc nhìn các vật ở gần.
Rung giật nhãn cầu.
Có tiền sử phẫu thuật hoặc điều trị các bệnh mắt nhưng thị lực kém sau điều trị.
Nếu là trẻ nhỏ: Có thể thấy trẻ đi hay vấp ngã, không nhận biết được gương mặt cha mẹ, không nhìn theo đồ chơi di động.
Người khiếm thị cần được khám tại các đơn vị phục hồi chức năng của bệnh viện mắt để được khám, tư vấn và chỉ định dụng cụ trợ thị thích hợp.
Các phương pháp trợ thị quang học: Kính trợ thị nhìn xa giúp người khiếm thị nhìn xa, quan sát bảng biểu, biển báo, chữ viết, xem tivi… như kính viễn vọng, máy chiếu Projecter, Overhead… Kính trợ thị nhìn gần giúp đọc, viết, khâu vá và các hoạt động nhìn gần như kính gọng phóng đại, kính lúp cầm tay, kính lúp có chân, video phóng đại cầm tay, máy CCTV..
Các thiết bị trợ thị phi quang học như giá đọc sách, khe đọc, sách báo in cỡ chữ to, đèn bàn…
BS. Trần Thị Phương Anh (Khoa Khúc xạ, BV Mắt TW)