Phình ĐMC bụng giai đoạn đầu hầu hết không có triệu chứng gì, thường được phát hiện tình cờ khi siêu âm hoặc chụp phim cắt lớp vi tính. Tiêu chuẩn chẩn đoán phình ĐMC khi một đoạn ĐMC giãn ra ít nhất gấp 1,5 lần kích thước bình thường của nó.
Dấu hiệu khi bị phình và đe dọa vỡ phình
Triệu chứng đau vùng bụng, đau thường khu trú tại vùng hạ vị hay phía sau lưng. Cảm giác đau thường liên tục, bứt rứt kéo dài hàng giờ đến nhiều ngày. Ngược lại với đau cơ xương vùng lưng, vận động không ảnh hưởng đến cảm giác đau do phình, mặc dù ở một tư thế nhất định nào đó có thể người bệnh cũng cảm thấy dễ chịu hơn.
Việc xuất hiện những cơn đau mới hay đau tăng lên thường xuất hiện đột ngột có thể báo trước sự giãn thêm ra hoặc đe doạ vỡ phình. Cơn đau có đặc điểm đau liên miên không dứt, dữ dội và khu trú ở sau lưng hay phần bụng dưới. Cảm giác đau có thể lan xuống vùng bẹn, ra vùng hông, hay xuống chân. Vỡ phình thực sự kèm theo một cơn đau lưng đột ngột cùng với đau bụng và bụng căng cứng. Hầu hết các bệnh nhân đều có một khối, có thể sờ thấy ở bụng và đập theo nhịp tim kèm theo tụt huyết áp được xem là biểu hiện đặc trưng của phình ĐMC bụng.
Can thiệp nội mạch (stent-graft) ngăn ngừa vỡ phình động mạch chủ bụng.
Phình ĐMC bụng có các dấu hiệu dọa vỡ, bệnh nhân đột ngột đau bụng dữ dội, tương tự như những tình trạng bệnh lý cấp tính ở bụng khác như cơn đau quặn thận, viêm ruột thừa, hay xuất huyết dạ dày – ruột.
Nguyên nhân gây phình ĐMC bụng
Có nhiều nguyên nhân gây ra phình ĐMC bụng. Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ mạnh nhất gây phình ĐMC bụng, tiếp theo là tuổi tác, tăng huyết áp, tăng cholesterol máu và xơ vữa động mạch. Giới tính và yếu tố di truyền cũng ảnh hưởng đến quá trình hình thành phình ĐMC.
Tỷ lệ bị phình ĐMC bụng tăng nhanh sau 55 tuổi ở nam giới và 70 tuổi ở nữ giới. Xơ vữa động mạch được cho là nguyên nhân lớn gây phình ĐMC bụng. ĐMC bụng dưới thận chịu ảnh hưởng của quá trình vữa xơ động mạch nhiều nhất và là vị trí hay gặp của phình ĐMC bụng.
Điều trị thế nào?
Với phình ĐMC bụng có nguy cơ vỡ thấp (đường kính dưới 5cm) được điều trị nội khoa, kiểm soát các yếu tố nguy cơ là điều quan trọng nhất.Kiểm soát chặt chẽ huyết áp và rối loạn lipid máu. Dùng thuốc chẹn bêta giao cảm làm giảm sự tiến triển của khối phình và giảm nguy cơ bị vỡ.
Cần kiểm tra huyết áp thường xuyên để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh. Ảnh: TM
Bên cạnh phương pháp phẫu thuật kinh điển thay đoạn động mạch phình bằng đoạn động mạch nhân tạo thì hiện nay bác sĩ sẽ tiến hành điều trị can thiệp nội mạch (stent-graft). Bác sĩ sẽ đặt đoạn mạch nhân tạo đặt luồn qua da mà không cần phẫu thuật. Thời gian làm can thiệp thường chỉ kéo dài khoảng 60 phút. Sau đó, bệnh nhân sẽ được chuyển về khoa theo dõi tiếp trong 2 ngày.
Lời khuyên của thầy thuốc
Phình ĐMC bụng giai đoạn đầu hầu hết không có triệu chứng gì, vì thế việc khám sức khỏe định kỳ đều đặn để có thể phát hiện bệnh sớm. Đặc biệt là những người có tiền sử gia đình bị phình ĐMC bụng hay những người trên 60 tuổi có tiền sử hút thuốc lá hay tăng huyết áp. Chụp cắt lớp vi tính, siêu âm ĐMC, chụp cộng hưởng từ là các phương pháp chẩn đoán có giá trị trong tầm soát bệnh. Khi phát hiện có phình động mạch chủ bụng thì quan trọng nhất là theo dõi tốc độ thay đổi kích thước túi phình để có quyết định điều trị can thiệp kịp thời tránh khối phình vỡ sẽ dẫn đến tử vong. Lưu ý, tỷ lệ tử vong do vỡ phình rất cao: 25% tử vong trước khi đến được bệnh viện và 51% tử vong trong bệnh viện mà chưa kịp làm phẫu thuật.
Choáng mất máu và các biến chứng của vỡ phình ĐMC có thể xảy ra nhanh chóng. Chảy máu sau phúc mạc có thể biểu hiện bằng tụ máu ở bên sườn và vùng bẹn. Vỡ vào khoang phúc mạc có thể dẫn đến căng cứng bụng, trong khi vỡ vào trong tá tràng biểu hiện bằng xuất huyết dạ dày – ruột ồ ạt. Dòng máu chảy qua chỗ phình bị rối loạn và có thể hình thành các cục máu đông dọc theo thành động mạch. Cục máu đông này cùng với những mảnh xơ vữa động mạch có thể trôi theo dòng máu gây thuyên tắc mạch và ảnh hưởng đến tuần hoàn của các động mạch phía xa. Tuy nhiên, vỡ phình ĐMC là nguy hiểm nhất. Khi vỡ phình ĐMC xảy ra thì có tới 80% các trường hợp bị vỡ vào phía sau phúc mạc bên trái và có thể làm hạn chế phần nào sự vỡ ra, trong khi hầu hết các trường hợp còn lại vỡ vào khoang phúc mạc và gây chảy máu không kiểm soát được dẫn đến truỵ tim mạch nhanh chóng.
BS. Trần Văn Khanh