Trong các vùng sốt rét lưu hành, nếu phụ nữ mang thai không được bảo vệ và phòng ngừa tốt rất dễ có nguy cơ mắc bệnh sốt rét. Khi bị mắc bệnh sốt rét sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe kể cả tính mạng của bà mẹ lẫn thai nhi. Đặc biệt, sốt rét ở phụ nữ có thai trong những tháng đầu làm gia tăng nguy cơ sảy thai một cách đáng kể, nhưng nếu được điều trị sốt rét thì sẽ tương đối an toàn và làm giảm nguy cơ này.
Vì sao thai phụ dễ mắc sốt rét?
Trong thời kỳ mang thai, sức đề kháng của cơ thể thai phụ bị suy yếu. Vì vậy, phụ nữ mang thai lần đầu hoặc mang thai vào 3 tháng đầu của thai kỳ sẽ có tỷ lệ bị nhiễm ký sinh trùng sốt rét cao hơn các phụ nữ khác cùng sống tại địa phương. Khi thai phụ mắc bệnh sốt rét thì bệnh cảnh lâm sàng thường diễn biến nặng, hay bị thiếu máu, hạ đường huyết, phù phổi cấp, nhiễm ký sinh trùng sốt rét bào thai, tăng nguy cơ gây sảy thai, thai chết lưu, đẻ non, tử vong sơ sinh… Kết quả của một nghiên cứu về việc đánh giá tác hại của bệnh sốt rét và hiệu quả của các thuốc sốt rét khác nhau sử dụng trong những tháng đầu của thai kỳ cho thấy, chỉ cần xảy ra một cơn sốt rét trong vòng 3 tháng đầu là nguy cơ sảy thai tăng lên gấp 3 lần. Nguy hiểm nhất là người mẹ có thể chuyển thành sốt rét ác tính và tỷ lệ đưa đến tử vong rất cao nếu không được phát hiện, xử trí kịp thời.
Phụ nữ mang thai mắc sốt rét cần được điều trị làm giảm nguy cơ sảy thai.
Điều trị đúng để giảm nguy hiểm
Chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời đúng theo phác đồ quy định của Bộ Y tế ban hành sẽ giảm tối thiểu sốt rét thể thông thường chuyển thành sốt rét ác tính:
Sốt rét thể thông thường: Thai phụ mắc sốt rét dễ bị thiếu máu, hạ đường huyết, phù phổi cấp. Việc điều trị phải nhanh chóng và hiệu quả, nếu chậm trễ sẽ dễ chuyển thành sốt rét ác tính. Cần chú ý phân loại theo thời kỳ mang thai để xử trí phù hợp:
Phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu: Nếu nhiễm ký sinh trùng Plasmodium falciparum thì dùng thuốc: Quinin sulfat với liều lượng 30mg/kg/ngày, chia 3 lần uống trong ngày, dùng trong 7 ngày; kết hợp clindamycin với liều 15mg/kg/ngày, chia 3 lần uống trong ngày, dùng trong 7 ngày.
Nếu nhiễm ký sinh trùng Plasmodium vivax, dùng thuốc chloroquin phosphate 250mg (mỗi viên chứa 150mg chloroquin base): tổng liều 25mg base/kg chia để uống trong 3 ngày.
Phụ nữ mang thai trên 3 tháng: Nếu nhiễm chủng loại ký sinh trùng Plasmodium falciparum thì dùng thuốc dihydroartemisinin phối hợp piperaquin (biệt dược là arterakine, CV artecan) uống trong 3 ngày. Ngày đầu uống 4 viên, chia 2 lần uống cách nhau 8 giờ. Ngày thứ hai (cách 24 giờ) uống 2 viên. Ngày thứ ba (cách 48 giờ) uống 2 viên.
Nếu nhiễm ký sinh trùng Plasmodium vivax, dùng thuốc chloroquin phosphate 250mg (mỗi viên chứa 150mg chloroquin base) với tổng liều 25mg base/kg chia để uống trong 3 ngày.
Chú ý không được sử dụng thuốc primaquin liều duy nhất để điều trị diệt thể giao bào chống lây lan của KST Plasmodium falciparum và liều 14 ngày để điều trị tiệt căn chống tái phát xa của KST Plasmodium vivax ở đối tượng phụ nữ có thai mắc sốt rét vì thuốc có ảnh hưởng xấu đến thai nhi.
Sốt rét ác tính, thai phụ phải được tích cực điều trị diệt KSTSR kết hợp điều trị triệu chứng, biến chứng. Việc điều trị đặc hiệu cũng được thực hiện tùy theo thời kỳ mang thai:
Phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu: Dùng thuốc quinin dihydro chloride: 30mg/kg/ngày, truyền tĩnh mạch trong những ngày đầu; những ngày sau đó thai phụ khỏe có thể uống được thì chuyển sang dùng quinin sulfat uống cho đủ 7 ngày của liệu trình điều trị. Đồng thời phối hợp thêm thuốc clindamycin 15mg/kg/ngày cũng dùng trong 7 ngày.
Trường hợp phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu bị sốt rét ác tính mà không có quinin thì sử dụng artesunate tiêm thay thế nhưng cần theo dõi chặt chẽ.
Phụ nữ mang thai trên 3 tháng: Dùng thuốc artesunat tiêm như các trường hợp bệnh nhân sốt rét ác tính khác. Khi thai phụ tỉnh, chuyển sang uống viên thuốc phối hợp là arterakine hoặc CV artecan trong 3 ngày.
Việc điều trị hỗ trợ được thực hiện như phần điều trị chung về sốt rét ác tính nhưng cần chú ý để xử trí biến chứng hạ đường huyết, thiếu máu, điều chỉnh tình trạng mất nước, rối loạn điện giải, kiềm toan. Lưu ý, phụ nữ mang thai mắc sốt rét thường hay bị hạ đường huyết nhất là sau khi tiêm quinin. Vì vậy, nên truyền glucose 10% và theo dõi glucose máu. Khi phụ nữ mang thai bị sảy thai hoặc đẻ non do sốt rét, cần điều trị chống nhiễm trùng tử cung để bảo đảm an toàn tính mạng người mẹ.
BS. Thanh Tùng