Người gầy, trẻ nhỏ cũng có thể mắc gan nhiễm mỡ

Theo Ths.Bs Nguyễn Tiến Lâm – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bình thường gan chứa khoảng 5g lipit (chất béo) cho mỗi 100g trọng lượng của gan. Trước đây, gan nhiễm mỡ thường gặp ở những người ngoài 60 tuổi, nghiện rượu, bị các bệnh về chuyển hóa, rối loạn dinh dưỡng… nhưng hiện nay do lối sống hiện đại bệnh  gặp cả ở những người trẻ, người gầy.

Bệnh gan nhiễm mỡ chủ yếu do rối loạn chuyển hóa tế bào gan gây ra. Lẽ thường, gan chuyển hóa đường để tạo năng lượng. Nhưng vì một lý do nào đó, không có đủ đường để chuyển hóa, nên gan buộc phải thu thập mỡ dùng thay thế. Mỡ về gan quá nhiều, tích tụ lại trong tế bào gan và gây ra chứng bệnh này. Những người bị thiếu chất dinh dưỡng, thiếu các vi chất cần thiết sẽ làm hoạt động chuyển hóa mỡ không hiệu quả và gan bị nhiễm mỡ. Cụ thể là nếu ăn quá ít hay ăn kiêng quá mức sẽ dẫn đến lượng đường trong máu quá thấp làm làm tăng phân giải mỡ thành năng lượng cung cấp cho cơ thể. Trong quá trình phân giải mỡ, lượng acid béo đi vào máu quá nhiều làm acid béo tự do trong máu tăng, dẫn đến tích trữ mỡ trong gan. Những người gầy, thiếu protein trong thời gian dài sẽ làm mỡ trong máu không thể chuyển hóa nên sinh ra gan nhiễm mỡ.

Ngoài ra, những người gầy nhưng bị nhiễm virus viêm gan b, C hoặc dùng thuốc hại gan đều có nguy cơ mắc bệnh này. Thông thường người ta nghĩ rằng những người có tuổi, bị thừa cân mới bị gan nhiễm mỡ, nhưng nhiều khảo sát gần đây cho thấy, trẻ em cũng bị gan nhiễm mỡ và số người bị gan nhiễm mỡ đang ngày càng tăng cao, bất kỳ lứa tuổi nào. Chính vì thế, các chuyên gia khuyên những người gầy cũng cần khám tầm soát để phát hiện sớm bệnh. BS. Lâm cho biết thêm.

Người béo phì dễ mắc gan nhiễm mỡ

Người béo phì dễ mắc gan nhiễm mỡ

 

Hãy bảo vệ gan

Để phòng bệnh viêm gan nhiễm mỡ, các chuyên gia khuyến cáo nên áp dụng các biện pháp bảo vệ gan, cụ thể: Giữ cân nặng hợp lý, đối với người béo cần giảm cân, nếu người quá gầy, hãy bồi bổ để cân nặng tăng lên vừa phải. Tuy nhiên, trong quá trình tăng cân, bạn nên ăn đa dạng các loại thức ăn nhưng không ăn nhiều da, mỡ động vật. Đối với người béo không nên kiêng hoàn toàn tinh bột, vì những thực phẩm này nhanh chóng tạo ra đường. Không có đường, chuyển hóa mỡ bị ứ đọng gây nên bệnh gan nhiễm mỡ. Hằng ngày cần bổ sung vào chể độ ăn giàu vitamin, tăng thêm rau nhưng không bỏ qua thịt để  cung cấp đủ các chất đạm cho gan khỏe và đủ các vi chất dinh dưỡng cho men gan hoạt động. Đối với người nghiện thuốc lá và rượu cần ngừng ngay lập tức. Rượu gây ra các rối loạn chuyển hóa nghiêm trọng nên chúng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

 

Cần tăng cường rau xanh vào bữa ăn hàng ngày.

Cần tăng cường rau xanh vào bữa ăn hàng ngày.

 

Cần khám định kỳ để phòng xơ gan và ung thư

Theo Bs Lâm, gan nhiễm mỡ là khi lượng mỡ tích tụ trong gan chiếm quá 5% trọng lượng của gan. Điều đáng lo ngại, hầu hết trường hợp gan nhiễm mỡ không có triệu chứng nên không được phát hiện sớm.

 

3 cấp độ gan nhiễm mỡ

 

Ở thể nhẹ, gan nhiễm mỡ không có biểu hiện gì nhưng sau đó gây rối loạn chức năng gan, gây rối loạn chuyển hóa mỡ máu cao, ảnh hưởng tới tim mạch… Lâu dài sẽ gây viêm gan và 20% có biến chứng xơ gan, ung thư, suy gan. Vì vậy, không chỉ người béo mà cả người gầy, nhất là những người bị nhiễm virus viêm gan B, C, uống nhiều rượu, bia hoặc dùng thuốc hại gan… đều cần khám tầm soát để phát hiện sớm bệnh. Nên kiểm tra đường huyết, cholesterol và triglyceride máu định kỳ 6 tháng/lần.

Thanh Hà


Rate this post