Theo Đông y, ngũ linh chi vị ngọt đắng, mùi tanh hôi, tính ôn; vào kinh Can. Có tác dụng hoạt huyết chỉ thống, hóa ứ cầm máu, giải độc. Liều dùng: 4 – 12g. Sau đây là một số cách dùng ngũ linh chi làm thuốc.
Vị thuốc Ngũ linh chi.
Hoạt huyết, giảm đau: Dùng khi đau ngực bụng do huyết ứ, khí trệ.
Bài 1: ngũ linh chi, ô tặc cốt, hương phụ mỗi loại 12g; diên hồ sách 8g, cam tùng 8g; xuyên liên, mộc hương, ô dược, nhũ hương, một dược mỗi loại 6g; hoàng liên 4g. Sắc uống. Trị đau loét dạ dày – hành tá tràng, ợ chua.
Bài 2: ngũ linh chi 20g, bồ hoàng 20g, đan sâm 16g. Sắc uống. Trị đau bụng kinh do ứ huyết.
Bài 3: ngũ linh chi 12g, diên hồ sách 8g, thảo quả 8g, một dược 6g. Tác dụng hoạt huyết khu ứ, hành khí chỉ thống. Trị khí huyết ngưng trệ, đau bụng.
Bài 4: ngũ linh chi 12g, bồ hoàng 12g, trầm hương 4g, hổ phách 4g, nhục quế 8g, diên hồ sách 8g. Tác dụng tán hàn hành khí, hóa ứ chỉ thống. Chữa thống kinh.
Bài 5: ngũ linh chi, bồ hoàng, huyền hồ, đan bì, đào nhân, hương phụ mỗi loại 12g; ô dược 8g. Tác dụng hành khí hoạt huyết, chỉ thống. Trị thống kinh, đau bụng kinh trước và trong kỳ, sắc kinh đỏ mà ít.
Tiêu tích, cầm máu:
Bài 1: Bột thất tiếu tán: ngũ linh chi, bồ hoàng liều lượng bằng nhau. Tán bột mịn, mỗi lần uống 6g với rượu hoặc giấm. Tác dụng hoạt huyết khu ứ, tán kết chỉ thống. Trị tim đau thắt từng cơn do huyết ứ trệ hoặc sau đẻ sản dịch không thông, kinh nguyệt không đều, bụng dưới đau, tử cung xuất huyết.
Bài 2: ngũ linh chi 40g, hoàng kỳ 20g. Tán bột mịn. Ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần dùng 3g. Chữa xuất huyết dạ dày.
Kiêng kỵ: Khi sắc uống có mùi khó chịu, dễ gây buồn nôn, không nên dùng nhiều. Phụ nữ có thai dùng phải cẩn thận. Ngũ linh chi sợ nhân sâm.
TS. Nguyễn Đức Quang