Theo bác sĩ Lê Thị Thanh Xuyên, Phó giám đốc bệnh viện mắt TP HCM: “Năm 1994, tỷ lệ bị cận thị của học sinh sinh viên tại TP HCM chỉ 8,65%, năm 2002 tăng lên 17,2% và 4 năm sau con số này là gần 39%”. Ở Hà Nội và các tình thành khác mức tăng qua các năm cũng tương tự.
Thậm chí, bác sĩ Xuyên cho biết, theo ghi nhận thực tế tại các trường thì tỷ lệ này còn cao hơn nhiều và càng học lên cao học sinh càng dễ bị cận thị hơn.
Nhiều học sinh cận do bố trí nguồn sáng không thích hợp. Ảnh: H.T |
“Và một trong những thủ phạm chính là hệ thống chiếu sáng chưa hợp lý, không đủ đã dẫn đến tình trạng tỷ lệ mắc các bệnh về mắt của học sinh ngày càng cao”, ông Trần Đình Bắc, Trưởng ban khoa học công nghệ Hội chiếu sáng đô thị Việt Nam đánh giá.
Phát biểu trong buổi hội thảo Chiếu sáng học đường chất lượng và hiệu quả sáng nay tại TP HCM mới đây, ông Bắc nêu lên một thực trạng nguy hiểm đang tồn tại, có tới 50% học sinh cho rằng ánh sáng trong lớp học chỉ ở mức vừa đủ, 43% cho rằng tối và 75% phòng học không sử dụng đèn chiếu bảng.
Ngoài ra, những đợt khảo sát các phòng học trên cả nước đều xảy ra tình trạng thiếu ánh sáng, không chỉ với những trường học không có kinh phí, mà cả đối với đơn vị có kinh phí thì hệ thống chiếu sáng trong lớp học cũng chưa đạt yêu cầu so với tiêu chuẩn Việt Nam.
Trước thực trạng đáng lo đó, tiểu dự án xây dựng mô hình chiếu sáng học đường nằm trong dự án Chiếu sáng công cộng hiệu suất cao tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều thay đổi.
Theo đó, dự án nhằm chuyển đổi thay thế đèn ống huỳnh quang chấn lưu thường hiện nay sang đèn huỳnh quang chấn lưu T8 tiết kiệm và đảm bảo tiêu chuẩn. Ngoài ra, chuẩn chiếu sáng lớp học cũng được quy định khắt khe như: nguồn sáng được bố trí theo chiều dài lớp, song song với cửa sổ, gắn dưới quạt trẩn…
Mô hình chiếu sáng học đường đã được triển khai rộng khắp tại các tình như Hà Nội, Hải Phòng… đạt được nhiều kết quả tốt và sẽ được mở rộng vào TP HCM trong thời gian tới.
Dự án Chiếu sáng công cộng hiệu suất cao tại Việt Nam bao gồm chiếu sáng đường phố, trường học và bệnh viện được thực hiện từ năm 2006 đến 2010 do Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) và Tổ chức phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tài trợ. Tổng vốn 15 triệu USD, dự án do Viện Khoa học công nghệ Việt Nam thực thi.
Kiên Cường