Mùa xuân của mẹ

Sinh ra từ “cát bụi”

 

Sự xuất hiện của hormon FSH (Follicle Stimulating Hormone) đã kích thích tế bào trứng trưởng thành và phóng thích ra khỏi buồng trứng để gặp tinh trùng. Sự kết hợp của hai tế bào sinh sản tạo thành hợp tử, sau 30 giờ, sự phân chia đã diễn ra theo cấp số nhân, noãn bào vừa vận động vừa phát triển, nhờ có nhu động và nhung mao của ống dẫn trứng nhẹ nhàng dẫn đưa mầm sống vào tử cung người mẹ trong khoảng 5 – 7 ngày.

Khi vào đến buồng tử cung, phôi thai được cắm rễ, bám chặt vào lớp niêm mạc, sự kết nối đầu tiên được thiết lập. Một loại hormon HCG (Human Chorionic Gonadotropin) được sản xuất từ tế bào nhau thai giúp cho sự phát triển của phôi thai được tốt hơn. Với 3 lớp tế bào gồm: nội bì, trung bì và ngoại bì, phôi bắt đầu phát triển, biệt hóa dần thành các cơ quan, bộ phận khác nhau của cơ thể.

Do có sự thay đổi nồng độ hormon progesteron và estrogen, tín hiệu “đèn đỏ” hằng tháng biến mất. Tuy nhiên ở một số trường hợp có ra một ít “máu báo” vì lúc này phôi thai đang bám rễ một cách chắc chắn vào thành trong lòng tử cung, dấu hiệu này có thể làm một số người lầm tưởng là hành kinh sau khi bị trễ chu kỳ. Trong cơ thể người mẹ đã xuất hiện một nhân tố mới, ít nhiều gây một số phản ứng tự nhiên, thường gọi là ốm nghén.

Bước vào giai đoạn 2 của thai kỳ, bánh nhau thai đã sản xuất hormon progesterone và estriol để duy trì sự tồn tại, phát triển của thai nhi. Cơ thể mẹ đã dần thích nghi, các triệu chứng nghén đã giảm đi. Thai nhi bắt đầu phát triển với tốc độ khá nhanh.

Khoảng tháng thứ 6, thai nhi đã đầy đủ các bộ phận, người mẹ đã có thể cảm nhận được những cử động của thai nhi.

Những tháng cuối của thai kỳ, tuyến thượng thận của thai nhi bắt đầu sản xuất ra các hormon androgen và estrogen, các hormon này kích thích hormon prolactin, tuyến sữa phát triển, có sữa non và sữa mẹ để nuôi dưỡng bé sau này.

Thai nhi cũng bắt đầu bài tiết nước tiểu, đồng thời bé cũng nuốt lại một phần nước ối. Các chất thải cũng đang được tích lũy trong ruột của bé bao gồm các tế bào thải ra từ ruột, các tế bào da chết kể cả lông măng của bé rụng đi, tất cả được tạo thành phân su của bé và sẽ thải ra ngoài trong lần đi tiêu đầu tiên sau khi chào đời.

Trong thời gian chuyển dạ, ối đã vỡ, áp lực buồng tử cung và phần cổ tử cung có sự chênh lệch, đầu thai nhi thường xuất hiện một bướu huyết thanh, các xương hộp sọ có sự dồn, chồng để thu nhỏ đường kính, vì vậy em bé mới sinh có thể có một cái đầu không được tròn trịa, hiện tượng này sẽ nhanh chóng mất đi vài ngày sau khi bé chào đời.

Do dư lượng của hormon người mẹ, bộ phận sinh dục ngoài của trẻ sơ sinh có thể to hơn bình thường, vú có một ít sữa non hoặc vài giọt máu rỉ ra từ bộ phận sinh dục cũng là điều dễ hiểu và sẽ mất đi nhanh chóng.

Những bằng chứng về sự hiện diện của phôi thai

Xét nghiệm HCG dương tính là khẳng định sự có mặt của phôi thai trong cơ thể người mẹ, nồng độ chất này ở trong máu sẽ cao hơn trong nước tiểu. HCG cũng là nguyên nhân gây nên các triệu chứng ốm nghén với nhiều biểu hiện khác nhau như mệt mỏi, nhức đầu, buồn nôn, chán ăn hoặc thèm một vài đồ ăn lạ.

Nghi ngờ có thai, bạn cần phải được khám thai một cách cẩn thận bởi các bác sĩ chuyên khoa sản, nữ hộ sinh có kinh nghiệm để khẳng định tình trạng thai nghén, được tư vấn về bảo vệ chăm sóc sức khỏe.

Hình ảnh siêu âm đã khẳng định sự hiện diện của phôi thai trong buồng tử cung ngay từ những tuần đầu thai nghén.

Sau 3 tháng đầu, chọc dò dịch ối là một xét nghiệm để có thể phát hiện những bất thường về nhiễm sắc thể thai nhi hoặc xác định giới tính thai. Khoảng tháng thứ 5 – 6 bạn đã cảm nhận được những cử động của thai nhi (thai máy). Hình ảnh bọc ối, thai nhi, nhau thai, dây rốn và hoạt động tim thai đã rõ ràng trên máy siêu âm.

Khám thai lần này bạn nên tiêm phòng uốn ván (vaccin AT) theo quy định. Một xét nghiệm tiền sản nữa cũng rất quan trọng đó là kiểm tra đường huyết của thai phụ để đề phòng tình trạng hạ đường huyết hoặc kích thích phát triển quá mức của thai nhi.

Ở những tháng cuối thai kỳ, do kích thước tử cung ngày càng lớn cùng với hormon progesteron làm chậm lại quá trình tiêu hóa dẫn đến chứng táo bón và tăng nhịp tim.

Khám thai ở những tháng cuối là hết sức quan trọng, dấu hiệu phù, tăng huyết áp và có chất đạm trong nước tiểu, cần được theo dõi chặt chẽ, khống chế, để đề phòng sản giật. Lựa chọn cơ sở y tế phù hợp cho cuộc chuyển dạ, sinh nở là dựa trên căn cứ sức khỏe của bà mẹ và thai nhi.

Sau khi đã mẹ tròn con vuông, sản dịch có màu hồng, số lượng giảm dần và hết hẳn trong khoảng 2 tuần, cần theo dõi sản dịch, thân nhiệt và huyết áp hằng ngày. Sau sinh 42 ngày, buồng trứng có thể phóng thích trứng, quá trình mang thai có thể được lặp lại là điều hoàn toàn bất lợi, cần phải áp dụng một biện pháp kế hoạch hóa gia đình phù hợp.

Lựa chọn thời điểm mang thai

Mùa xuân là thời điểm thiên thời, địa lợi, nhân hòa rất phù hợp cho sự phát triển của thai nhi, nhiệt độ, độ ẩm, cảnh vật thiên nhiên thích hợp, nguồn dinh dưỡng dồi dào. Sau thời kỳ mang thai, trẻ sơ sinh sẽ được chào đời vào mùa thu mát mẻ là điều kiện rất tốt cho sự phát triển của trẻ.

Khi mang thai, cơ thể của mẹ và bé là một khối thống nhất. Do vậy trong khi đang chuẩn bị kế hoạch để mang thai, người mẹ cần dành thời gian chăm sóc và chuẩn bị thật tốt cho sức khỏe để có thể thực hiện tốt chức năng làm mẹ sau này.

Uống rượu, hút thuốc lá, sử dụng thuốc chữa bệnh thiếu hướng dẫn của bác sĩ, có thể là những nguyên nhân gây ra các dị tật bẩm sinh cho thai nhi, trẻ sinh ra sẽ bị nhẹ cân và rất nhiều các rắc rối nghiêm trọng khác về sức khỏe.

Một số các loại thuốc không được sử dụng khi mang thai bao gồm aspirin và các loại thuốc giảm đau có hoạt chất acetaminophen, các loại thuốc chống trầm cảm, chống dị ứng, các chất chống đông chữa bệnh đông máu, các thuốc chống động kinh, kháng sinh như streptomyxin, tetracyclin, chloroxit…

Cần duy trì một chế độ ăn đầy đủ, cân đối các chất đạm, tinh bột, chất béo và các nguyên tố vi lượng (vitamin và muối khoáng). Đặc biệt, cần cung cấp sớm và đầy đủ lượng axit folic sẽ làm giảm nguy cơ xảy ra rủi ro, khiếm khuyết về hệ thần kinh của trẻ. Chất sắt giúp phòng chống thiếu máu trong suốt quá trình mang thai và cả thời gian sau sinh.

Khám thai, chăm sóc thai nghén là bảo vệ sức khỏe người mẹ và đem lại lợi ích trăm năm cho gia đình và cộng đồng xã hội.

BS. Bùi Hiền

(BS. Bùi Hiền)

Rate this post