Mùa thu mưa nhiều, ẩm ướt tạo điều kiện cho muỗi và một số siêu vi trùng phát triển, trong đó quan trọng nhất là siêu vi trùng gây bệnh sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng. Nhà trẻ, mẫu giáo, tiểu học… nơi tập trung nhiều trẻ em, là môi trường dễ lây lan bệnh tật, nếu không có biện pháp phòng bệnh tích cực thì có thể làm bùng phát dịch bệnh nguy hiểm.
Muỗi vằn hoạt động về ban ngày, khi trẻ ngồi học, sinh hoạt hay nghỉ ngơi đều dễ bị muỗi đốt. Khi muỗi đốt nó sẽ truyền siêu vi trùng sốt xuất huyết từ trẻ bệnh sang trẻ lành. Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết là sốt cao đột ngột 39 – 400C, kéo dài 2 – 7 ngày, khó hạ sốt, đau đầu vùng trán, sau hốc mắt, xuất huyết dạng chấm ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, ói ra máu, đi cầu phân đen, đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, lử đừ, nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Để phòng bệnh sốt xuất huyết, cần dọn dẹp sạch sẽ môi trường trong và quanh nhà để muỗi không có chổ ở và đẻ trứng như: đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng, thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…, dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến, bỏ muối hoặc dầu vào chén nước kê chân tủ đựng chén, thay nước bình bông. Đề phòng muỗi đốt bằng cách mặc quần áo dài tay, ngủ trong mùng kể cả ban ngày, dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi.
Bệnh tay chân miệng lây nhiễm qua đường tiêu hóa. Vì vậy, cách phòng ngừa bệnh tay chân miệng chủ yếu là giữ vệ sinh cá nhân bằng cách:
Rửa tay sạch sẽ: hướng dẫn và khuyến khích trẻ rửa tay sạch sẽ đúng cách bằng xà phòng sát khuẩn trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi chơi đùa.
Rửa sạch đồ chơi của trẻ bằng xà phòng: siêu vi trùng gây bệnh tay chân miệng thường bám dính và tồn tại khá lâu trên vật dụng và đồ chơi của trẻ, trẻ em thường hay bỏ những vật dụng hoặc đồ chơi vô miệng nên rất dễ bị nhiễm bệnh.
Sang thương bóng nước ở bệnh tay chân miệng
Lau sạch sàn nhà, bàn ghế bằng dung dịch sát khuẩn: sàn nhà là nơi trẻ thường xuyên chơi đùa, nếu không sạch sẽ dễ lây bệnh tay chân miệng. Việc lau chùi sàn nhà sạch sẽ theo khuyến cáo của ngành Y tế bao gồm: lau hoặc rửa sạch bụi và các chất bẩn trên sàn nhà bằng nước và xà phòng trước, sau đó mới lau bằng dung dịch khử khuẩn đã pha. Để trong 10 – 20 phút, sau đó lau lại bằng nước sạch và lau khô. Dung dịch dùng để khử khuẩn đồ chơi cho trẻ và lau sàn nhà được khuyến cáo là dung dịch cloramin B hoặc dung dịch nước Javel theo hướng dẫn pha và sử dụng của ngành Y tế.
Các dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng gồm: loét họng, thường biểu hiện bằng chảy nước miếng nhiều và biếng ăn, biếng bú; nổi bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối hoặc cùi chỏ. Một số cháu bị tay chân miệng cần đưa đến bệnh viện ngay khi có một trong những dấu hiệu sau: sốt cao, giật mình, hốt hoảng, nôn ói nhiều, run tay chân.
BS. NGUYỄN THÀNH ÚC