Mùa hồng, cẩn thận với dị vật bã thức ăn

Vừa qua, Khoa Thăm dò chức năng, BV Bạch Mai đã tiếp nhận và xử lý 3 ca tắc ruột do dị vật bã thức ăn (cục dị vật bã thức ăn tên tiếng Anh là phytobezoar). Đó là bệnh nhi Đỗ Quốc H. (7 tuổi, Hà Nội); Nguyễn Thị Ng. (45 tuổi, Phú Thọ); Nguyễn Văn Th. (53 tuổi, Quảng Ninh) bị tắc ruột do bã thức ăn. Đặc biệt, chúng tôi thấy, hàng năm, trước dịp Trung thu thì số bệnh nhân tắc do bã thức ăn ít gặp nhưng từ sau Trung thu thì gia tăng. Có nhiều nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây ra dị vật bã thức ăn, trong đó quả hồng là một nguyên nhân (trong nghiên cứu quốc tế cũng có công bố quả hồng là một nguyên nhân). Ở Việt Nam, quả hồng là loại hoa quả có nhiều vào dịp Trung thu và sau Trung thu. Quả hồng ăn rất ngon miệng, được nhiều người yêu thích. Có nhiều bệnh nhân nói đã ăn hàng chục quả hồng một lúc. Tuy nhiên, quả hồng có hàm lượng tanin cao, gây kết dính các mảnh thức ăn, nhất là chất xơ, bã trong thức ăn ở dạ dày dễ tạo nên một cục thức ăn lớn mà không thể tiêu hóa được. Cục thức ăn có thể tồn tại lâu ngày ở dạ dày gây ra loét dạ dày, chảy máu, đầy bụng,  khó tiêu. Có bệnh nhân, cục thức ăn trôi được xuống ruột non thì bị tắc nghẽn ở đó gây ra biến chứng tắc ruột phải cấp cứu.

Những yếu tố nguy cơ khác làm cho dễ hình thành cục bã thức ăn gồm: cắt dạ dày bán phần, đái tháo đường, không có răng hoặc răng nhai yếu và các bệnh phối hợp khác như suy giáp, suy thận, sỏi trong gan…

di vat ba thuc anCắt cục bã thức ăn cho bệnh nhân tại Khoa Thăm dò chức năng, BV Bạch Mai.

Phương pháp điều trị mới

Để chẩn đoán cục bã thức ăn, hiện nay, nội soi đường tiêu hóa là phương pháp chẩn đoán tốt nhất. Ngoài việc chẩn đoán, nội soi còn giúp điều trị. Trước đây, những bệnh nhân có cục bã thức ăn thường phải mổ. Tuy nhiên, ngày nay, cục bã thức ăn có thể xử trí qua nội soi bằng cách cắt ra thành miếng nhỏ, sau đó khối bã sẽ được đẩy xuống ruột già và ra ngoài một cách tự nhiên.

Phương pháp cắt cục bã thức ăn qua nội soi đã được thực hiện thành công trên nhiều bệnh nhân. Chỉ trong 4 năm qua, Khoa Thăm dò chức năng – Bệnh viện Bạch Mai đã xử trí 120 ca (trong đó có 2 ca phải cắt khối bã 2 lần). Ưu điểm của phương pháp cắt bã qua nội soi là bệnh nhân không phải nằm viện, trong quá trình nội soi dạ dày nếu phát hiện có cục bã, các bác sĩ tiến hành cắt luôn khối bã mà chỉ cần thực hiện nội soi bằng gây mê trong vòng 15 – 30 phút.

Ngoài ra, trên thế giới hiện nay còn có các phương pháp khác như uống Coca Cola, uống men tiêu chất xơ (cellulase, papain, acetycysteine)… Nhưng những phương pháp này chưa được đánh giá và áp dụng rộng rãi ở Việt Nam.

Lời khuyên của thầy thuốc

Hàng năm, cứ đến thời điểm Trung thu và sau Trung thu, nhiều bệnh nhân lại đến nội soi dạ dày có cục bã thức ăn to, gây ra các triệu chứng và biến chứng nguy hiểm. Bệnh nhân có dị vật bã thức ăn bắt buộc phải xử trí để lấy dị vật vì gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như loét gây xuất huyết tiêu hóa, tắc ruột hoại tử có thể ảnh hưởng đến tính mạng nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng. Do đó, khi ăn quả hồng, mọi người không nên ăn quá nhiều một lúc, đặc biệt với những người có yếu tố nguy cơ như đã nói ở trên. Nhiều bệnh nhân có cục dị vật không có triệu chứng hoặc có triệu chứng mơ hồ, giống như triệu chứng của nhiều bệnh đường tiêu hóa khác. Một trong những triệu chứng thường gặp nhất là cảm giác khó chịu ở vùng thượng vị, chiếm khoảng 80% bệnh nhân. Các triệu chứng khác như trướng bụng, đầy hơi, nôn, buồn nôn, đầy bụng sau ăn, hôi miệng, chán ăn, khó nuốt và sụt cân. Khi có dấu hiệu đau thượng vị, trướng bụng, đầy hơi, nôn hoặc buồn nôn, bí trung đại tiện…, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để khám xác định nguyên nhân, tránh bệnh trở nên trầm trọng, thậm chí nếu tắc ruột để lâu sẽ gây hoại tử ruột phải cắt đoạn ruột sẽ rất ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ cũng như phẫu thuật mổ mở sẽ rất phức tạp.

Dựa vào các triệu chứng có thể gợi ý vị trí cục dị vật: dị vật ở thực quản thì sẽ gây ra khó nuốt, nuốt đau, trào ngược và đau sau xương ức; dị vật ở dạ dày sẽ gây ra đau bụng, buồn nôn, nôn, loét dạ dày, chảy máu dạ dày hoặc tắc ruột. Cục dị vật do ăn ở ruột non thường gây ra triệu chứng bán tắc ruột hoặc tắc ruột.

 

Triệu chứng của tắc ruột do dị vật bã thức ăn

Đau bụng: Luôn là triệu chứng khởi phát của bệnh. Tính chất đau điển hình trong tắc ruột là đau thành cơn. Cơn đau có thể khởi phát từ từ hoặc đột ngột, dữ dội, bắt đầu ở vùng rốn hoặc mạng sườn và nhanh chóng lan toả khắp ổ bụng. Trong tắc ruột do bít tắc, đau bụng thường thành cơn điển hình, ngoài cơn thấy không đau hoặc đau nhẹ.

Nôn: Lúc đầu nôn ra thức ăn, sau nôn dịch mật, muộn hơn thì chất nôn có thể giống như phân.

Bí trung, đại tiện: Do tắc ruột gây nôn nên dẫn đến tình trạng mất nước, nôn càng nhiều, thời gian càng kéo dài thì tình trạng mất nước, rối loạn điện giải càng trầm trọng (mắt trũng, môi khô, da nhăn, nước tiểu ít, thậm chí là có dấu hiệu sốc).

Ngoài ra, trong cơn đau thấy quai ruột nổi gồ và di chuyển trên thành bụng. Đây là dấu hiệu đặc trưng nhất của tắc ruột cơ học. Nhưng khi không có dấu hiệu này cũng không loại trừ được tắc ruột.

Dấu hiệu tiếng réo di chuyển của hơi và dịch trong lòng ruột: Là dấu hiệu có giá trị tương đương dấu hiệu rắn bò trong chẩn đoán tắc ruột cơ học.

Bụng trướng nhưng mềm, đôi khi có phản ứng thành bụng khu trú trên quai ruột bị xoắn nghẹt, gõ vang ở giữa bụng do chồng hơi, có thể có dấu hiệu gõ đục vùng thấp do có dịch trong ổ bụng…

BS. Vân Ngọc – Ánh Dương

((Khoa Thăm dò chức năng, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội))

Rate this post