Một dược (Myrrha): là chất gôm nhựa của cây một dược [Commiphora myrrha (Nees) Engl.] và cây Balsammodendron chrenbergianum Berg, họ Trám (Burseraceae).
Một dược chứa Heerabomyrrholic acid, commiphoric acid, commiphorinic acid, ergenol, m- cresol, pinen, dipenten, limonen, aldehyd cinamic… Theo Đông y, một dược có mùi thơm, vị đắng, tính bình, vào các kinh can, tâm, tỳ. Có tác dụng hoạt huyết, khứ ứ, chỉ thống, tiêu sưng, sinh cơ, thông kinh. Trị bế kinh, đau bụng kinh, đau thượng vị; nhọt độc sưng đau; sưng đau do sang chấn, trĩ… Dùng ngoài để thu miệng vết thương, vết loét lâu lành. Ngày dùng 4-12g. Có thể dùng dưới dạng thuốc thang, hoàn tán, cao dán nhọt. Để tăng tính hoạt huyết, giảm đau cho vị thuốc, thường tiến hành chế một dược với giấm. Không dùng cho phụ nữ có thai, mụn nhọt đã vỡ.
Nhũ hương (Gummi resina Olibanum): là chất gôm nhựa lấy từ cây nhũ hương (Boswellia carterii Birdw.), họ trám (Burseraceae).
Nhũ hương chứa các chất α, β-boswellic acid, arabic acid, bassorin, pinen, dipenten, α, β-phellandren… Theo Đông y, nhũ hương có vị cay, đắng, tính ấm, mùi thơm. Quy vào các kinh tâm, can, tỳ. Có tác dụng hoạt huyết, khứ ứ, chỉ thống, tiêu sưng, sinh cơ. Trị khí huyết ngưng trệ, kinh bế, hành kinh đau bụng, huyết ứ sau sinh gây đau bụng; ung nhọt; mày đay do phong hàn.Ngày dùng 3-6g. Dùng ngoài dưới dạng cao dán nhọt hoặc đắp bó vào vết thương. Không dùng cho phụ nữ có thai, mụn nhọt đã vỡ. Nhũ hương khi sao chế cũng tương tự như một dược.
Nhũ hương (nhựa của cây nhũ hương) và một dược (nhựa của cây một dược) tác dụng hoạt huyết khứ ứ mạnh, trị bế kinh thống kinh, chấn thương ứ huyết…
Cách chế biến, sử dụng một dược và nhũ hương:
Dạng thuốc bột
Một dược tán: một dược, hồng hoa mỗi vị 5g; diên hồ sách, đương quy mỗi vị 10g.Một dược giã vụn, cùng sao với đăng tâm thảo (cỏ bấc đèn). Sau khi sao, tán thành bột mịn. Cứ 40g một dược dùng 1g đăng tâm thảo.
Để tăng tính giảm đau của một dược, có thể chế một dược với giấm ăn: một dược cho vào chảo, sao nhỏ lửa đến khi mặt ngoài hơi tan ra thì phun giấm ăn vào; tiếp tục sao đến khi mặt ngoài sáng bóng, lấy ra để nguội, rồi tán mịn. Cứ 1kg một dược dùng 60ml giấm ăn. Các vị còn lại sao khô, tán mịn rồi trộn đều với bột một dược nói trên. Mỗi lần uống 6-10g. Ngày 2 lần, trị chứng đau bụng kinh, phụ nữ bế kinh, đau dạ dày.
Nhũ hương, một dược tán: nhũ hương, một dược mỗi vị 5g; bạch truật, đương quy, bạch chỉ mỗi vị 10g; nhục quế, cam thảo mỗi vị 3g. Nhũ hương và một dược chế biến như trên, rồi trộn đều bột của các vị thuốc còn lại với bột của nhũ hương và một dược. Ngày uống 3 lần, mỗi lần uống 6 – 10g với rượu hoặc nước đun sôi để nguội, trị sưng đau do chấn thương.
Dạng thuốc thang
Chữa tĩnh mạch chi, thể khí huyết ứ với các biểu hiện, sắc mặt tối sạm, tinh thần ủ rũ, bứt rứt dễ nóng, đêm đau tăng, chân hoặc tay lạnh, sắc da thâm tím, khô… Dùng bài: hoàng kỳ 16g; đương quy, sinh địa, huyền sâm, tử hoa địa đinh, đan sâm mỗi vị 12g; nhũ hương, một dược, kim ngân hoa, bồ công anh mỗi vị 10g; hồng hoa, diên hồ sách mỗi vị 8g; cam thảo 6g.
Lấy riêng hai vị nhũ hương và một dược ra. Các vị còn lại sắc với nước, sắc 2 lần, mỗi lần đun sôi 45 phút. Lọc lấy nước thuốc lúc còn nóng, cho nhũ hương và một dược vào quấy đều cho tan, chia 3 lần uống trong ngày. Cũng có thể đem nhũ hương, một dược chế theo cách làm bột như trên rồi cho bột vào nước sắc, quấy đều rồi uống.
Chữa tĩnh mạch chi, thể nhiệt độc thịnh với các biểu hiện, sắc mặt sạm khô, người bứt rứt khó chịu, ù tai chóng mặt, chi mắc bệnh bị đen tím, sưng to, mọng, đau liên tục, tại chỗ bắt đầu lở loét, hoại tử, chi phù, da bóng, chảy nước hoặc chảy máu… Dùng bài: hoàng kỳ, kim ngân hoa mỗi vị 16g; đương quy, đan sâm, tử thảo nhung, xích thược, ngưu tất, địa long mỗi vị 12g; nhũ hương, một dược, địa miết trùng mỗi vị 10g; sinh cam thảo 6g.
Lấy riêng một dược và nhũ hương ra. Địa long và địa miết trùng sao khô, tán bột mịn. Các vị còn lại sắc với nước, sắc 2 lần, mỗi lần đun sôi 45 phút, lọc lấy nước thuốc lúc còn nóng, cho nhũ hương và một dược vào quấy đều, cho tiếp bột địa long và địa miết trùng vào, quấy đều. Uống ấm, ngày 3 lần.
Nhũ hương, một dược là những chất gôm, nhựa, bản chất quánh, dính. Nếu sắc chung với các vị thuốc trên sẽ hạn chế tính tan của các vị thuốc khác làm giảm tác dụng của thuốc. Địa long (giun đất) và địa miết trùng (một loại gián đất) có bản chất là protein, sẽ bị đông vón bởi chất tanin có trong các vị thuốc.
GS.TS. PHẠM XUÂN SINH