Với triệu chứng bệnh lý đau nhức mỏi sâu trong xương, thuộc phạm vi chứng “cốt nuy”, Y học cổ truyền cho là do thận hư. Y học hiện đại gọi là bệnh loãng xương. Ngoài ra, mệt mỏi, nhược cơ… cũng thường gặp ở những người loãng xương. Vì vậy, người bệnh phải hết sức cẩn thận khi hoạt động thể lực mạnh, đi lại cũng phải hết sức thận trọng tránh ngã, vấp, khuỵu, gập chân, tay, nhất là lên cầu thang vì rất dễ gây gãy xương. Dưới đây là một số món ăn bài thuốc có tác dụng bổ thận, kiện tỳ, làm mạnh gân cốt để bạn đọc tham khảo và áp dụng khi cần thiết:
Nếu lưng đau, gối mỏi, buồn nhức các đầu ngón tay và chân, lòng bàn tay và bàn chân nóng, trong ngực chộn rộn không yên, môi khô miệng khát, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ, chất lưỡi đỏ…, dùng 1 trong số bài thuốc sau:
Bài 1: đậu đen 500g, sơn thù 10g, bạch linh 10g, đương quy 10g, tang thầm 10g, thục địa 10g, bổ cốt chi 10g, thỏ ty tử 10g, hạn liên thảo 10g, ngũ vị tử 10g, kỷ tử 10g, địa cốt bì 10g, vừng đen 10g, muối ăn 100g. Đậu đen rửa sạch, ngâm nước ấm trong 30 phút; Các vị thuốc khác đem sắc kỹ 4 lần, mỗi lần chừng 30 phút, hợp 4 nước lại với nhau; tiếp đó bỏ đậu đen và muối vào sắc kỹ cùng dịch thuốc bằng lửa nhỏ cho cạn, lấy đậu đen ra phơi hoặc sấy thật khô, đựng vào lọ kín dùng dần; mỗi ngày ăn với lượng tuỳ thích, chừng 20 – 30g là được.
Loãng xương có thể dẫn đến gãy xương.
Bài 2: quả dâu chín 2.500g, thục địa 50g, hoài sơn 50g, hoàng tinh 50g, thiên hoa phấn 100g. Tang thầm rửa sạch, ép lấy nước cốt; các vị thuốc khác đem sắc kỹ lấy 500ml dịch chiết rồi hoà với nước dâu, tiếp tục cô nhỏ lửa cho đến khi thành cao đặc là được, đựng trong bình thuỷ tinh kín miệng để dùng dần, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 2 thìa canh.
Nếu lưng đau gối mỏi, móng tay và móng chân khô giòn, hay bị chuột rút, thể trạng gầy yếu, hoa mắt chóng mặt, thị lực giảm, nghe kém, tai ù, tâm trạng bức bối không yên, lòng bàn tay và bàn chân nóng, gãy xương, miệng khô họng khát, lưỡi đỏ, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ…, dùng 1 trong số bài thuốc sau:
Bài 1: tang thầm 30g, kỷ tử 30g, gạo tẻ 80g. Các vị thuốc rửa sạch đem nấu với gạo thành cháo, thêm đường phèn, chia ăn vài lần trong ngày.
Bài 2: bột bạch linh, bột mì, bột xương dê, bột mẫu lệ lượng bằng nhau. Trộn đều các loại bột với nhau, cho lượng nước vừa đủ, nhào thật kỹ, chế thêm mỡ và muối rồi nặn thành những chiếc bánh nhỏ, nướng chín, dùng làm đồ ăn điểm tâm hàng ngày.
Bài 3: quy bản 100g, vỏ trứng gà 100g, đường trắng 50g. Quy bản và vỏ trứng rửa sạch, để ráo nước rồi sao giòn và nghiền thành bột, thêm đường trộn đều, ngày ăn 2 lần, mỗi lần 5g.
Nếu lưng đau gối mỏi, ăn kém, toàn trạng mệt mỏi, sợ lạnh, chân tay lạnh, chậm tiêu bụng trướng, đại tiện lỏng, có thể có phù nhẹ hai chân, nam giới liệt dương, di tinh, nữ giới kinh nguyệt không đều, miệng nhạt, chất lưỡi nhợt…, dùng một trong số bài thuốc sau:
Bài 1: chim sẻ 5 con, kỷ tử 20g, đại táo 15g, gạo tẻ 60g. Chim sẻ làm thịt, bỏ lông, chân và phủ tạng đem hầm với kỷ tử và gạo tẻ thành cháo, thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.
Bài 2: cá ngựa 50g, dương vật và tinh hoàn bò 500g, đan sâm 500g, hoàng kỳ 250g, a giao 250g, hạch đào nhân 250g, đường phèn 250g. Tinh hoàn và dương vật bò rửa sạch, thái miếng; Cá ngựa sao khô tán thành bột mịn; A giao tẩm rượu sao phồng; Hoàng kỳ và đan sâm sắc kỹ lấy nước cốt rồi cho bột cá ngựa, hạch đào nhân, a giao, đường phèn, tinh hoàn và dương vật bò vào cô nhỏ lửa thành cao đặc, đựng trong lọ thuỷ tinh kín miệng để dùng dần, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 2 thìa canh.
Bài 3: xương sống chó 200g, đẳng sâm 10g, thỏ ty tử 10g, thục địa 10g, gia vị vừa đủ. Xương chó rửa sạch, chặt nhỏ; các vị thuốc cho vào túi vải buộc kín miệng; tất cả cho vào nồi hầm mềm, thêm gia vị, dùng làm canh ăn hằng ngày.
Bài 4: tôm nõn 50g, trứng gà 1 quả, rau hẹ 200g, dầu thực vật và gia vị vừa đủ. Tôm rửa sạch, rau hẹ cắt đoạn, phi thơm hành mỡ rồi cho rau hẹ và tôm vào xào to lửa, khi gần chín, đập trứng vào đảo đều một lát là được, dùng làm thức ăn hằng ngày.
ThS. Hoàng Khánh Toàn