Mối nguy hại khi bị stress

Bạn có thể cảm thấy stress khi quản lý tài chính không tốt, kỷ luật và học hành con cái chưa đạt yêu cầu, hoặc thậm chí đối phó với một mối quan hệ khó khăn trong giao tiếp ở cơ quan hay cộng đồng nơi sinh sống. Stress có thể gây ra nhiều phản ứng phụ ảnh hưởng tinh thần và thể chất, có thể làm bạn tổn thương theo nhiều cách hơn bạn tưởng tượng.

Những tác hại khi cơ thể bị stress

Không thể có giấc ngủ ngon: Stress có thể khiến bạn ở trạng thái bồn chồn, lo lắng quá mức khiến không ngủ được. Với tình trạng thiếu ngủ, sẽ rất khó khăn để đối phó với stress và bạn sẽ bị vướng vào một vòng luẩn quẩn.

Nguyên nhân gây nhức đầu: Bạn sẽ bị những cơn nhức đầu do stress vì khi đó cơ thể tiết ra nhiều hormon như cortisol và adrenalin. Những hormon này có thể gây ra những thay đổi về co bóp mạch máu sẽ dẫn đến đau nửa đầu và đau đầu do stress. Nếu bạn đã từng bị chứng đau nửa đầu, stress có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh có sẵn.

Ảnh hưởng xấu đến bộ nhớ: Khả năng hình thành những ký ức mới của não sẽ bị tổn thương nặng nề do có quá nhiều cortisol trong cơ thể do stress gây ra. Tiết nhiều hormon do stress cũng có thể phá vỡ hoạt động của các chất dẫn truyền thần kinh và làm cho não khó ghi lại những ký ức. Điều đó cũng giải thích tại sao nhiều người không thể suy nghĩ ngay khi đang đối mặt với những stress cấp tính. Thêm nữa, nhiều nghiên cứu cho thấy rằng stress mạn tính có thể ảnh hưởng lớn đến khả năng tập trung vào các nhiệm vụ hàng ngày.

Rụng tóc: Stress nghiêm trọng có thể dẫn đến rụng tóc. Một số nghiên cứu cho thấy rằng bạn sẽ mất nhiều tóc trong trường hợp stress nghiêm trọng và xảy ra đột ngột. Một số người bị rối loạn lo âu kéo dài thường liên quan đến tình trạng rụng nhiều tóc.

Mối nguy hại khi bị stressNên tham gia giao lưu tại các CLB để giảm áp lực căng thẳng, giải tỏa stress.    Ảnh: TM

Gây ra các biến chứng trong khi mang thai

Đương nhiên cảm giác bị stress trong thời kỳ mang thai có thể ảnh hưởng đến việc mang thai. Stress nghiêm trọng có thể dẫn đến việc chuyển dạ sớm. Có một số bằng chứng cho thấy rằng mức độ stress nặng có thể phá vỡ sự phát triển bình thường của não thai nhi. Một số nghiên cứu đã kết luận rằng stress mạn tính có thể làm giảm thấp cơ hội mang thai. Các bài tập thư giãn, yoga và các bài tập thở có thể giúp mọi thứ trở nên dễ dàng hơn.

Mức đường trong máu tăng cao: Một trong nhiều ảnh hưởng của stress là mức đường trong máu sẽ tăng lên khi bạn bị stress. Ngay cả khi bạn không bị bệnh đái tháo đường, sẽ có sự gia tăng mức đường trong máu khi bạn bị stress. Tình trạng này chủ yếu do việc tăng giải phóng epinephrin trong cơ thể khi bị stress. Tập thể dục thường xuyên và chú ý đến chế độ ăn uống của bạn có thể giúp mọi thứ trở nên dễ quản lý hơn.

Làm rối loạn hệ tiêu hóa: Một số vấn đề tiêu hóa trở nên tồi tệ hơn nếu không kiểm soát tốt stress. Đau bụng, ợ nóng và tiêu chảy có thể trở nên tồi tệ hơn do stress. Stress mạn tính có thể đóng một vai trò trong sự phát triển của hội chứng ruột kích thích gây ra tiêu chảy và táo bón. Viêm loét dạ dày cũng có thể là kết quả của stress mạn tính.

Tăng huyết áp: Stress mạn tính có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp. Ngay cả khi bạn bị stress trong một thời gian ngắn cũng có thể làm tăng huyết áp. Sự tăng đột ngột huyết áp cũng có thể làm tăng nhịp tim và các biến cố tim mạch.

Gây ra mụn trứng cá: stress làm cho da xấu đi trông thấy; chính vì lý do này mà nhiều sinh viên gặp vấn đề về mụn trứng cá và các vấn đề về da khác trong các kỳ thi.

Đau lưng: Đau lưng là một trong nhiều ảnh hưởng của stress gây ra. Một số nghiên cứu cho thấy những người bị stress và lo lắng có nguy cơ cao bị đau lưng cao hơn.

Giảm ham muốn tình dục: Những người bị stress cảm thấy khó thực hiện tốt cuộc yêu. Stress có thể ảnh hưởng trực tiếp đến ham muốn tình dục và làm cho bạn cảm thấy khó khăn trong tâm trạng. Hơn nữa, stress có thể làm giảm sự sản sinh estrogen, ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ và gây thiếu hụt hàm lượng testosteron làm giảm ham muốn, rối loạn cương ở đàn ông.

Giải pháp để gỡ rối với stress

Trước tiên, điều quan trọng là bạn phải học cách để thư giãn. Ví dụ, khi về nhà, hãy dành ít nhất 15 phút mỗi ngày để thiền.

Tìm hiểu nguồn gốc của stress: Hãy ghi lại tất cả những thứ khiến bạn bị căng thẳng tại nơi làm việc. Sau đó, dành thời gian để phân tích và tìm cách giải quyết. Sắp đặt lại công việc hằng ngày, theo thứ tự ưu tiên, quan trọng, tránh ôm đồm quá sức. Phân chia thời gian làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý.

Năng vận động cơ thể. Tham gia các câu lạc bộ thể dục thể thao. Dành thời gian để giải trí với gia đình, bạn bè. Tâm sự chia sẻ khó khăn của mình với người đáng tin cậy để nhờ góp ý. Duy trì một tâm trạng hài hước.

Đề cao cảnh giác, nhận diện và chú ý tới các dấu hiệu báo động sự xuất hiện của stress và sẵn sàng giải quyết. Ghi nhớ các hoàn cảnh stress xảy ra, ở đâu, vào thời điểm nào, tại sao xảy ra… để tránh và giải quyết stress với các khả năng hiện có.

BS. Hải Minh

Rate this post