Phân biệt thịt lợn sề giả bò như thế nào khi nhiều người đã “hô biến” và thu được lợi nhuận “khủng”, bất chấp nguy cơ sức khỏe cho khách hàng?
“Hô biến” lợn sề thành bò xịn
“Công nghệ” luyện thịt trâu, thành thịt bò đã có từ lâu, với mức lãi lớn nên ngày càng phát triển. Điểm chung mà các thủ thuật biến hóa thịt trâu hoặc thịt lợn sề thành thịt bò là “pha thịt” sau khi giết mổ trâu, hoặc lợn sề sẽ chọn những tảng thịt lớn, lọc không được sót tí mỡ nào, đặc biệt là thịt trâu phải lóc hết những thớ gân trắng.
Thịt trâu màu thẫm, rắn chắc gần giống thịt bò nên chỉ cần tưới huyết bò là khó có thể phát hiện thịt trâu giả bò.
Với thịt lợn, thịt trâu chết thì dùng mỡ bò rán lấy nước, thoa quanh miếng thịt. Gần đây ngoài tưới mỡ bò, thịt trâu, thịt lợn còn được tẩm ướp kỹ với gia vị tạo mùi bò của Tàu để có mùi hôi rất đặc trưng của bò.
Như thật nhờ “phụ gia”
Thịt lợn sề màu đỏ, độ dai giống thịt bò, giá rẻ nên được chọn giả thịt bò nhiều nhất. Cứ 1kg thịt mông, vai và nhất là thịt bắp lợn sề có thớ dài giống thớ thịt bò được chọn nhiều đề ướp với 0,2 “hô biến”, triệt tiêu hết mùi thịt lợn sề.
Còn có thứ gia vị 150.000 đ/gói có tác dụng làm mềm và biến thịt trâu, thịt lợn sề và cả thịt bò thường có hương vị như thịt bò Úc. Việc sử dụng gia vị để chế biến các loại thực phẩm đã khiến cho người tiêu dùng hết sức lo lắng.
Theo chuyên gia dinh dưỡng Nguyễn Hồng Điệp, Viện Dinh dưỡng quốc gia, lợn sề, thịt trâu được dùng để làm thịt bò giả phần lớn là lợn đã hết khả năng sinh đẻ (hoặc trâu chết) được nuôi bằng thức ăn công nghiệp để nhanh chóng tăng cân. Vì vậy trong thịt vẫn chứa các chất tăng trọng chưa đào thải hết. Nếu ăn phải, người ăn sẽ hấp thụ các loại hóa chất này.
Một số chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, các hóa chất tạo mùi bò không rõ nguồn gốc sẽ làm tăng nguy cơ thực phẩm bị nhiễm độc.
Theo thạc sỹ Hải Yến, bộ môn Công nghệ thực phẩm và Công nghệ sau thu hoạch, ĐH Bách khoa Hà Nội, sau khi tẩm ướp các loại phụ gia vào thịt lợn sề sẽ tạo nên sản phẩm rất khó phân biệt so với thịt bò. Các chuyên gia an toàn thực phẩm khuyến cáo rằng, sử dụng phẩm chứa màu tổng hợp có thể gây dị ứng, hen suyễn, ung thư bàng quang, thậm chí tạo mầm bệnh cho não.
Lợn sề giả bò phần lớn là lợn đã hết khả năng sinh đẻ, được nuôi bằng thức ăn công nghiệp nên trong thịt vẫn có thể chứa các chất tăng trọng chưa được đào thải hết. Ăn phải sẽ có nguy cơ hấp thụ các loại hóa chất này, khiến cơ thẻ mất cân bằng dinh dưỡng, còn bị hóa chất làm tổn hại tới sức khỏe.
Ảnh minh họa
Phân biệt thế nào?
– Thịt bò thật màu đỏ au, thớ nhỏ, mỡ vàng, tươi màu hồng đậm và mùi hoi nồng đặc trưng. Thịt lợn giả thịt bò sẽ có thớ thịt to và ngắn hơn, không mịn, phần mỡ màu trắng đục. Thịt trâu giả thịt bò sẽ có màu đen sậm, thớ thịt to, mỡ trắng.
– Nếu thịt bò giả bị tưới huyết bò, ướp phẩm tạo màu… Khi miết tay vào miếng thịt sẽ để lại ít phẩm màu ở tay. Phần thịt bò trên miếng thịt giả bị miết cũng sẽ nhạt đi do bị mất màu. Hoặc rửa miếng thịt bò ngay tại nơi bán cũng sẽ thấy nhạt màu dần. Hoặc cắt miếng thịt nhỏ ra, “bò giả” màu sắc bên trong và ngoài khác nhau (do công nghệ nhuộm chưa phù phép được cả trong và ngoài miếng thịt).
– Thịt bò tươi ngon khi được thái mỏng sẽ cảm giác như dính lấy lưỡi dao, ấn tay vào thấy thịt dính theo tay. Thịt lợn hay thịt trâu giả bò thì độ dính sẽ ít hơn rất nhiều. Hoặc ấn nhẹ tay vào miếng thịt sẽ thấy độ dính và đàn hồi khác nhau. Miếng thịt thái thấy bở và cứng. Nếu thịt bị tưới mỡ bò, sau nhiều giờ mùi bò giả sẽ giảm đi nhiều.
– Thịt lợn hay trâu giả bò còn có mùi tanh rất khó chịu.
– Thịt bò thật giàu dinh dưỡng, có mùi hôi của bò. Sau khi chế biến vẫn nguyên màu sắc hồng sậm, ngọt và mùi nồng rất đặc trưng. Sau khi xào nấu, hay chụng nước sôi vẫn giữ nguyên màu hồng sậm, vị ngọt đặc trưng.
Nguyễn Hà