Mày đay ở trẻ và cách trị

Mày đay hay còn gọi là phát ban, là những sẩn phù, đỏ trên da, thường rất ngứa. Mày đay có thể do nguyên nhân dị ứng hoặc không dị ứng. Hầu hết trong các trường hợp, mày đay thường xuất hiện rồi mất đi trong vòng vài giờ. Tuy nhiên, ở một số trẻ, mày đay có thể tái đi tái lại. Điều quan trọng, mày đay có thể là một trong những biểu hiện của phản ứng dị ứng nguy hiểm (sốc phản vệ). Do vậy, việc phát hiện sớm vô cùng quan trọng.

Biểu hiện của mày đay như thế nào?

Tổn thương mày đay là những sẩn phù có ranh giới rõ ràng, nổi gồ trên mặt da, có màu hồng và ở giữa thường nhạt màu hơn. Ban mày đay rất đa dạng về hình thái (hình tròn, bầu dục…) và kích thước có thể từ một đến vài centimet, thậm chí thành mảng lớn. Mày đay thường rất ngứa, ngứa có thể làm gián đoạn việc sinh hoạt, học tập và ngủ của trẻ. Các triệu chứng của mày đay thường rầm rộ nhất vào ban đêm.

Tổn thương da ở trẻ bị mày đay cấp.

Bất kỳ vị trí nào trên cơ thể cũng có thể bị mày đay. Đặc biệt, những vùng da bị bó sát bởi quần áo (ví dụ cạp quần) hoặc vùng da tiếp xúc với nhau (ví dụ nách) có thể bị ảnh hưởng đáng kể hơn những vùng da khác.

Sau khi xuất hiện, quá trình lan rộng của mày đay có thể mất vài phút đến vài giờ và biến mất trong vòng 24 giờ mà không để lại dấu vết gì, trừ những trường hợp bị trầy xước do cào gãi.

Một số trường hợp mày đay có thể đi kèm với phù mạch. Phù mạch thường gây phù ở mặt, mí mắt, tai, miệng, bàn chân, bàn tay, bộ phận sinh dục.

Cần phân biệt mày đay với một số bệnh sau: sốt phát ban do virut, viêm da Atopy, viêm da tiếp xúc…

Tại sao trẻ bị mày đay?

Nếu trẻ bị mày đay lần đầu, có thể nguyên nhân do dị ứng. Các nguyên nhân gây mày đay ở trẻ em có thể là:

Nhiễm khuẩn: Trong thực tế, virut là nguyên nhân của hơn 80% trường hợp mày đay cấp ở trẻ em. Có nhiều loại virut có thể gây ra mày đay, thậm chí có cả các virut gây cảm cúm thông thường. Mày đay xuất hiện có thể vài ngày đến 1 tuần sau nhiễm trùng hoặc lâu hơn. Các ban mày đay thường kéo dài trong 1-2 tuần và sau đó biến mất.

Thuốc: tỷ lệ mày đay do thuốc thay đổi tùy theo từng loại thuốc và từng lứa tuổi. Mày đay do thuốc chiếm 0,16% bệnh nhân điều trị nội trú và khoảng 9% trường hợp mày đay mạn điều trị ngoại trú. Các loại thuốc đều có thể gây dị ứng, đặc biệt là kháng sinh và các thuốc giảm đau hạ sốt.

Khi thấy biểu hiện của bệnh, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám sớm để phát hiện bệnh.

Tiếp xúc với chất gây dị ứng: Mày đay có thể xuất hiện sau khi trẻ tiếp xúc với một số chất mà trẻ bị dị ứng. Ví dụ như trẻ bị dị ứng với chó có thể xuất hiện mày đay sau khi bị chó liếm, trẻ bị dị ứng với cao su xuất hiện mày đay sau khi tiếp xúc với những vật làm từ cao su…

Côn trùng đốt: Vết côn trùng đốt (kiến ba khoang, kiến lửa, ong bò vẽ, ong vàng…) có thể gây mày đay xung quanh khu vực bị đốt. Tuy nhiên, nếu mày đay xuất hiện khắp cơ thể của trẻ, đây có thể là dấu hiệu của phản ứng nghiêm trọng có thể gây chết người, gọi là sốc phản vệ. Trẻ bị sốc phản vệ cần phải được điều trị càng sớm càng tốt.

Thức ăn: Đây là một trong những nguyên nhân gây mày đay thường gặp ở trẻ em. Theo một báo cáo năm 2010, tỷ lệ trẻ em bị mày đay do thức ăn khoảng 7%. Ban mày đay thường xuất hiện khoảng 30 phút sau khi ăn. Các loại thực phẩm có thể gây mày đay ở trẻ em bao gồm: trứng, sữa, đậu phộng, một số loại hạt khác, đậu nành, lúa mỳ, cá và một số động vật có vỏ.

Ngoài ra, một số nguyên nhân hiếm gặp khác gây mày đay bao gồm: nước hoặc không khí lạnh, thay đổi nhiệt độ cơ thể, gắng sức và trong một số bệnh hệ thống như viêm mạch, lupus ban đỏ hệ thống, mastocytosis, bệnh lý u ác tính… Nếu mày đay ở trẻ do dị ứng, nên tránh các nguyên nhân gây dị ứng để trẻ không bị tái phát trở lại. Đối với những trẻ bị mày đay kéo dài trên 6 tuần, có thể trẻ không bị dị ứng và những trường hợp này gọi là mày đay mạn tính. Hầu hết các trường hợp mày đay mạn tính rất khó xác định nguyên nhân.

Điều trị mày đay cấp ở trẻ em như thế nào?

Có thể trẻ không cần phải điều trị. Mày đay thường tự biến mất trong một vài ngày hoặc vài tuần mà không cần dùng thuốc. Trong những trường hợp nặng, trẻ có thể phải can thiệp điều trị.

Tránh yếu tố kích thích: Đây là bước đầu tiên không những giúp cho việc chẩn đoán nguyên nhân và điều trị mà còn giúp đề phòng tái phát. Tuy nhiên, nếu không tìm ra yếu tố kích thích, mày đay cũng có thể biến mất sau vài ngày hoặc vài tuần.

Điều trị thuốc

Thuốc kháng histamin: Đây là loại thuốc có thể làm giảm triệu chứng ngứa. Hầu hết trẻ bị mày đay cấp đều đáp ứng với thuốc kháng histamin. Có hai loại thuốc kháng histamin, chúng khác nhau về tác dụng phụ, chi phí và thời gian tác dụng của thuốc. Các thuốc kháng histamin thế hệ cũ có tác dụng nhanh chóng và hiệu quả trong việc làm giảm triệu chứng. Tuy nhiên, các thuốc này phải dùng nhiều lần trong ngày và có một số tác dụng phụ gây khó chịu như buồn ngủ, khô miệng, nhìn đôi hoặc nhìn mờ, tiểu khó. Các thuốc kháng histamin thế hệ mới đã khắc phục được những vấn đề này. Chỉ định loại thuốc và liều lượng của thuốc tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ và mức độ nặng của mày đay.

Trường hợp trẻ bị mày đay nặng, bác sĩ có thể kê thêm một loại thuốc khác trong thời gian ngắn, gọi là steroid. Steroid có thể có tác dụng tốt trong mày đay cấp nặng nhưng chỉ sử dụng tạm thời bởi thuốc có những tác dụng phụ nghiêm trọng nếu dùng trong thời gian dài.

 

Lời khuyên của thầy thuốc
Chẩn đoán và điều trị mày đay cấp không khó. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cần đưa con đến khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa dị ứng để được chẩn đoán chính xác, xác định nguyên nhân, điều trị hiệu quả và tránh các tác dụng không mong muốn của thuốc cho trẻ.
Hãy đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất nếu mày đay hoặc phù mạch xuất hiện đột ngột cùng các triệu chứng sau: khó thở, thở rít, buồn nôn và nôn, đau bụng quặn, choáng, ngất.

BS. Nguyễn Như Nguyệt (Trung tâm Dị ứng – miễn dịch lâm sàng – Bệnh viện Bạch Mai)

Rate this post