Những dấu hiệu
Máu nhiễm mỡ diễn biến âm thầm. Khi có dấu hiệu và biểu hiện nghĩ đến bị mỡ máu cao, tức là đã có biến chứng, khi đó thường có một số dấu hiệu nhận biết như:
Có những cơn đau thắt ngực không thường xuyên, thời gian ngắn, tự mất không cần điều trị nhưng lại có thể tái diễn bất cứ lúc nào. Hoặc có cảm giác khó chịu vùng ngực như bị đè nặng, bóp nghẹt, đầy tức, kéo dài từ vài phút đến vài chục phút. Cơn đau thường xuất hiện khi gắng sức và giảm khi nghỉ, khó thở có thể kèm hoặc không kèm với tức ngực, có thể đau hoặc tức lan ra 1 hay 2 bên cánh tay, hướng ra sau lưng, lên cổ, hàm, thậm chí ở vùng dạ dày.
Có dấu hiệu bất thường như: vã mồ hôi tự nhiên; buồn nôn đau đầu, choáng hoa mắt bứt rứt trong người; thở ngắn hồi hộp, cơ thể phì mập nhưng sức lao động lại giảm sút; cơ thể thường xuyên mệt mỏi.
Một số trường hợp có ban vàng dưới da: da có những nốt phồng nhỏ bề mặt bóng loáng, màu vàng, mọc nhiều trên da mắt, khuỷu tay, bắp đùi, gót chân, lưng, ngực… to bằng đầu ngón tay, màu vàng nhạt, không đau, không ngứa.
Khi có dấu hiệu nghi ngờ bị bệnh mỡ máu cần đi xét nghiệm các thành phần lipid để chẩn đoán xác định, với các kết quả:
– Tăng cholesterol toàn phần.
– Tăng LDL-cholesterol.
– Tăng triglyceride.
– Giảm HDL-cholesterol.
Nguyên nhân
Tăng lipid máu do ăn:
Tăng lipid máu bắt đầu 2 – 3 giờ sau khi ăn nhiều mỡ, đạt mức cao nhất sau 4 – 6 giờ và tới giờ thứ 9 thì trở về mức bình thường.
Mức độ và thời gian tăng lipid máu phụ thuộc vào nhiều yếu tố: loại mỡ (dầu thực vật hấp thu nhanh hơn mỡ độngvật), thời gian mỡ thoát khỏi dạdày, cường độ nhu động ruột, lượng mật bài tiết, hoạt tính men lipaza tụy và ruột, lượng lipid máu lúc đầu…
Khi lipid máu đã tăng, dù có ăn thêm mỡ lipid máu cũng không tăng bao nhiêu, hiện tượng tự điều chỉnh lipid máu là do lipid máu tăng đã ức chế hấp thu lipid ở ruột, hoạt hóa chức năng cố định mỡ của tổ chức phổi, kích thích hệ lưới nội mô gây tăng tiết các hoóc-môn và heparin – chỉ cần một khâu trong dây chuyền đó có vấn đề là đủ để gây rối loạn quá trình tự điều chỉnh lipid máu.
Tăng lipid máu do ứ đọng:
Khi giảm hoạt tính men lipoprotein lipaza do tăng chất ức chế men này (protamin, axít mật, NaCl) hoặc do giảm tiết heparin (như trong bệnh xơ vữa động mạch) thấy giảm thủy phân triglyceride (dưới dạng chylomicron) gây tăng lipid máu.
Trong bệnh thận hư, tăng lipid máu là do các chất ức chế tiêu mỡ; ngoài ra trong bệnh này albumin huyết tương giảm (do protein niệu nghiêm trọng)do đó giảm khả năng kết hợp với ABTDHT, kết quả là quá trình tiêu mỡ bị ức chế và tăng lipid máu. Tăng lipid máu sau khi chảy máu cũng phát sinh theo cơ chế này. Tiêm albumin cho bệnh nhân thận hư thấy hiện tượng tăng lipid máu chấm dứt.
Tăng lipid máu do huy động:
Tăng lipid máu do huy động có thể do nhữngnguyên nhân sau gây ra: dự trữ glycogen giảm (đói ăn), trạng thái căng thẳng (stress), lao động nặng, giao cảm hưng phấn, tăng tiết hoóc-môn (catecholamin, ACTH, STH, thyroxin… ), đái tháo đường (glucoza không được sử dụng, lipid tăng thoái biến, lipid máu tăng tới 1.000 – 2.800 mg/100ml).
Tiêm glucoza gây tăng đường máu có tác dụng tăng tổng hợp triglyxeride ở tổ chức mỡ do đó đã hạn chế tiêu mỡ và chấm dứt hiện tượng tăng lipid máu do huy động.
Dinh dưỡng cho người mỡ trong máu cao
Những người bị mỡ trong máu cao cần biết kiểm soát ăn uống một cách nghiêm khắc. Nên ăn những loại thực phẩm có chứa hàm lượng cholesterol thấp như: rau xanh, các sản phẩm được làm từ đậu, thịt nạc thăn… đặc biệt là nên ãn những loại rau xanh có chứa nhiều chất xơ. Chỉ có như vậy thì mới làm giảm được sự hấp thụ của đường ruột đối với cholesterol.
– Không nên ăn tối quá muộn với thức ăn nhiều đạm vì rất khó tiêu hóa và sẽ làm lượng cholesterol đọng trên thành động mạch dẫn đến xơ vữa động mạch.
– Nên ăn nhạt vì thức ăn này có lợi cho sức khỏe và bệnh tim. Kiêng thức ăn có nồng độ chất béo cao, nên ăn những thức ăn ít chất béo như: cá, đậu phụ, đỗ tương.
– Nên ăn thực phẩm có nhiều tác dụng giảm mỡ trong máu như: gừng, chế phẩm đậu sữa, nấm hương, mộc nhĩ, hành tây, trà, dầu ngô.
Để khắc phục tình trạng cholesterol máu cao, chế độ ăn là ưu tiên số một.
Điều trị
Điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt: tăng cường vận động, ăn giảm béo, hạn chế ăn các loại phủ tạng động vật, thay thế mỡ động vật bằng dầu thực vật, ăn nhiều thực phẩm có chất xơ, khuyến khíchăn cá nước ngọt, …
Dùng thuốc: có thể dùng một trong những statin (nên bắt đầu từ liều thấp). Lưu ý rằng liều này vẫn có thể tăng gấp đôi nếu không đạt hiệu quả sau 4 – 6 tuần điều trị.
Điều trị rối loạn lipid máu ở bệnh nhân đái tháo đường luôn luôn phải đặt biện pháp thay đổi lối sống lên hàng đầu, phối hợp với statin làm giảm LDL-cholesterol, fibrate làm giảm triglyceride. Nên dùng thuốc hạ lipid máu loại statin cho tất cả bệnh nhân tiểu đường trên 40 tuổi ngay cả khi các thành phần lipid máu bình trường. Metformin làm giảm triglyceride nên có thể lựa chọn điều trị hơn nhiều thuốc khác ở bệnh nhân đái tháo đường. Bệnh nhân có nồng độ triglyceride rất cao và đường máu khó kiểm soát thì nên điều trị bằng insulin vi có thể kiểm soát đường máu tốt hơn các thuốc dùng theo đường uống. Điều trị rối loạn lipid máu ở bệnh nhân suy thận hay mắc bệnh gan mật mạn tính cần được phối hợp điều trị bệnh nguyên nhân và điều trị rối loạn lipid máu. Rối loạn lipid máu ở bệnh nhân suy tuyến giáp cần được điều trị bằng hóc môn giáp trạng. Giảm liều hoặc ngừng thuốc hạ lipid máu khi yếu tố bệnh sinh được giải quyết.
PGS.TS. NGUYỄN HOÀI NAM