Đôi khi mắt của bạn bị mắc phải tình trạng đỏ ngầu dù không đau đớn. Nguyên nhân của tình trạng này nhiều khi rất đơn giản và thường không quá nghiêm trọng. Bạn hoàn toàn có khả năng ngăn ngừa hoặc làm giảm nhẹ tình trạng “mắt đỏ” nhờ những chăm sóc tại nhà. Nhưng cũng có khi đó là dấu hiệu khiến bạn phải đi khám bác sĩ ngay.
Nguyên nhân gây nên mắt đỏ
Nếu mắt có tình trạng lòng trắng bị bao phủ bởi màu đỏ, trước hết bạn cần xác định những triệu chứng khác đi kèm. Nếu bạn đau ở mắt (ví dụ đau nhói, đau tăng khi phản ứng với ánh sáng) có thể là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và bạn cần đến khám bác sĩ ngay. Nếu mắt bị ngứa dù ít dù nhiều hoặc có một cảm giác khô khó chịu, khả năng là ít nghiêm trọng hơn. Các triệu chứng khác cũng cần tới sự can thiệp của bác sĩ là khi bạn thấy thị lực thay đổi hoặc đau đầu, cơn đau nhạy cảm với ánh sáng, nôn ói…
Mắt bị đỏ thường do tình trạng giãn mạch tại kết mạc. Nguyên nhân có thể là: nhiễm trùng (ví dụ với vi khuẩn, virut); dị ứng (với hóa chất, với phấn hoa, lông động vật, bụi…); viêm; sự gia tăng áp lực trong mắt nhưng hay gặp hơn cả của đau mắt đỏ là viêm kết mạc.
Viêm kết mạc và cách chăm sóc
Viêm kết mạc là tình trạng viêm bề mặt của mắt và nó có nhiều nguyên nhân khác nhau. Viêm có thể do vi khuẩn hay virut nhưng phần lớn là do virut. Viêm kết mạc cũng thường là triệu chứng đi kèm trong bệnh cúm, sởi hoặc khi bị lạnh.
Hầu hết các trường hợp viêm kết mạc có thể khỏi mà không cần sự giúp đỡ y tế. Tuy nhiên, nếu phải dùng thuốc nhỏ mắt kháng khuẩn cần được kê đơn bởi bác sĩ. Nếu viêm kết mạc do virut điều trị bằng kháng sinh sẽ không có tác dụng.
Tình trạng đỏ mắt do dị ứng có thể được hỗ trợ bằng thuốc. Thông thường, loại bỏ được dị nguyên sẽ khắc phục được tình trạng này. Nếu do hóa chất, nên tìm cách làm sạch mắt bằng nước.
Đau mắt đỏ do viêm kết mạc có thể ngăn ngừa và điều trị tại nhà bằng các cách thức đơn giản sau: Nhỏ thuốc mắt kháng khuẩn; Rửa mắt thường xuyên bằng nước tinh khiết, nước sạch hay nước muối sinh lý, nước mắt nhân tạo; Thực hành các bước vệ sinh tốt, ví dụ bằng cách rửa tay thường xuyên, không dùng chung khăn mặt; Không lạm dụng kính áp tròng; Tránh trang điểm mắt; Thường xuyên giặt giũ vỏ gối, chăn màn, vệ sinh nơi ở (để tránh tác nhân dị ứng).
Những căn nguyên khác
Đỏ mắt có thể do xuất huyết kết mạc: Do một áp lực nào đó như ngoại lực, làm việc với mắt quá mức sẽ dẫn đến một vài mạch máu bị vỡ ngay bên dưới bề mặt của mắt. Điều này không đáng lo lắng. Hãy để mắt được nghỉ ngơi và màu đỏ khó coi đó sẽ biến mất trong vòng một hoặc hai tuần.
Khô mắt là một vấn đề phổ biến ở những chủ nhân của đôi mắt đỏ. Đây là hậu quả từ việc mắt sản xuất nước mắt ít hơn hoặc do ngồi trước màn hình máy tính quá lâu và nước mắt nhân tạo có thể giúp cải thiện tình trạng này. Nếu khô mắt có liên quan đến môi trường làm việc hoặc sử dụng màn hình máy tính, trước hết cần thay đổi thói quen làm việc. Sử dụng kính bảo vệ hoặc ngắt quãng thời gian nhìn vào màn hình máy tính, thường xuyên ngẩng lên khỏi màn hình máy tính, thay đổi tầm nhìn để mắt được nghỉ ngơi, thường xuyên chớp mắt để tránh khô mắt.
Kính áp tròng có thể là thủ phạm gây đỏ mắt khi đeo trong thời gian dài. Người đeo có thể giảm thời gian đeo kính áp tròng. Tuyệt đối không đeo kính áp tròng đi ngủ. Sử dụng nước mắt nhân tạo để giảm tác động của kính áp tròng với mắt.
Khi nào mắt đỏ là vấn đề nghiêm trọng?
Mặc dù ít khi xảy ra, nhưng đôi khi mắt đỏ cũng là biểu hiện của vấn đề y tế nghiêm trọng cần sự can thiệp của bác sĩ. Đó bao gồm:
Xước hay tổn thương giác mạc: Tuy không đến mức nguy hiểm nhưng cần chăm sóc y tế để ngăn chặn sự tiến triển tồi tệ hơn như dẫn đến nhiễm trùng hoặc viêm loét, mù lòa nếu không được điều trị kịp thời, đúng đắn.
Viêm màng bồ đào: Đây là một bệnh mắt khá phổ biến, nguyên nhân phức tạp và nhiều biến chứng, có thể dẫn tới mù lòa. Vì vậy, nếu thấy kết mạc mắt có màu đỏ thẫm kèm theo đau nhức mắt, nhìn mờ bệnh nhân phải nhanh chóng tìm đến sự giúp đỡ của một bác sĩ nhãn khoa.
Bệnh tăng nhãn áp: Tăng nhãn áp có thể gây tổn hại thần kinh thị giác và gây mù. Các triệu chứng có thể bao gồm đỏ mắt, thay đổi thị lực, đau mắt, đau đầu, buồn nôn và nôn. Bệnh tăng nhãn áp là một cấp cứu chuyên khoa mắt.
Nếu bạn thấy mắt đỏ, đồng thời có đau ở mắt, đau nhạy cảm với ánh sáng hoặc đi kèm với các triệu chứng tổng quát hơn, khi ấy chăm sóc tại nhà có thể làm tình trạng của bạn tồi tệ hơn. Tốt nhất là tìm tới thầy thuốc chuyên khoa mắt.
Khánh Vân